Quấy rối tình dục nơi làm việc sẽ “không còn đất sống”?


PNO - Nhiều người lao động, phần lớn là lao động nữ, đã phải trải qua những chuỗi ngày hoang mang, bất an, thậm chí khủng hoảng tinh thần khi bị đồng nghiệp “bắn tín hiệu tình cảm” theo những cách mà họ không mong muốn.

Theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, việc đưa ra định nghĩa về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc trong pháp luật về lao động tại Việt Nam rõ ràng là một bước tiến quan trọng "chứa đựng những thay đổi tiến bộ nhằm trao quyền cho phụ nữ trong thế giới công việc".

Trước đây, nhiều người lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ cho biết, họ đã phải trải qua những chuỗi ngày hoang mang, bất an, thậm chí khủng hoảng tinh thần khi bị cấp trên, đồng nghiệp hay đối tác “bắn tín hiệu tình cảm” theo những cách mà họ không mong muốn.

Nhiều nước trên thế giới đã đề ra những quy định cụ thể với các chế tài nghiêm khắc để phòng ngừa và xử lý hành vi QRTD nơi làm việc. Không hiếm trường hợp những lãnh đạo cấp cao, người nổi tiếng, hay thậm chí cả nguyên thủ quốc gia đã bị “bêu tên” và thân bại danh liệt chỉ vì có những hành động “táy máy chân tay” hay “thả thính” bằng lời lẽ tán tỉnh trăng hoa, thô tục và mang tính kích dục khiến “đối phương” cảm thấy khó chịu, không thoải mái.

Ở Việt Nam, lần đầu tiên vấn đề QRTD nơi công sở được đề cập trong Bộ Luật Lao động 2012; tuy nhiên, các quy định lúc đó còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu văn bản, tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi QRTD khiến việc phòng, chống và xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn trên thực tế. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp QRTD bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng kẻ quấy rối chỉ bị phạt tối đa 200 ngàn đồng mà thôi.

Đến năm 2019, Bộ luật Lao động sửa đổi (BLLĐ 2019 - được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) đã được “nâng cấp” với quy định thế nào là “quấy rối tình dục”.

Mặc dù đã có một bước tiến dài trong việc lần đầu tiên QRTD nơi làm việc được luật hóa; thế nhưng quấy rối tình dục lại thường khó chứng minh hành vi và hậu quả, nhất là khi chính nạn nhân không dám lên tiếng.

Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thì QRTD tại nơi làm việc đang phổ biến với phần lớn nạn nhân là nữ. Tuy nhiên, vì ngượng ngùng, sợ mang tiếng xấu và lo ngại ảnh hưởng đến việc làm nên nhiều nạn nhân có xu hướng im lặng, cho qua, chịu đựng mà không dám tố cáo. Một số nạn nhân được khuyến khích đã cố gắng đứng ra tố cáo nhưng không nắm rõ quy trình, cách thức và thủ tục để lên tiếng tố cáo kẻ quấy rối.

Theo ông Trần Triêu Ngõa Huyến - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe cộng đồng (CCHS) thì nguyên nhân chính của tình trạng này là do bản thân các nữ công nhân thiếu thông tin về hành vi và quy trình báo cáo, xử lý khi có trường hợp bị quấy rối tình dục. Ngoài ra, một số nhà máy không đủ các phòng ban chuyên môn để giải quyết triệt để các trường hợp này.

Năm 2018, một khảo sát do tổ chức ActionAid Vietnam và Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện tại bốn nhà máy hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại Hải Phòng và TPHCM thì có hơn 53% công nhân đã từng bị QRTD hoặc chứng kiến hành vi này tại nơi làm việc, trong đó 87% nạn nhân là nữ công nhân và 23% là nam công nhân. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không có bất cứ trường hợp quấy rối nào bị xử lý.

Chị Trịnh Thị Anh Đào, công nhân làm việc tại một công ty may mặc có trụ sở tại TPHCM cho biết, trước đây chị không hề biết rằng những lời trêu đùa chọc ghẹo của đồng

Một nghiên cứu về QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của ILO cho thấy, đa số nạn nhân bị QRTD là nữ (tỉ lệ 78,2%) và ở độ tuổi từ 18 đến 30. Phần lớn nạn nhân chỉ tìm kiếm sự trợ giúp khi họ bị quấy rối nghiêm trọng trong thời gian dài.

Theo kết quả nghiên cứu trên, có tới 80% nạn nhân được hỏi không hiểu rõ hành vi nào là QRTD. Phần lớn cho rằng chỉ khi phát sinh quan hệ tình dục hoặc sờ soạng, động chạm vào cơ thể thì mới bị xem là QRTD; còn những hành vi gọi điện, nhắn tin, chia sẻ hình khiêu dâm... thì không phải là hành vi QRTD.

nghiệp khiến mình không cảm thấy thoải mái lại chính là hành vi QRTD bởi chị chỉ nghĩ đơn giản rằng “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. Chị Anh Đào và đồng nghiệp chỉ mới “hiểu ra vấn đề và sẽ cương quyết lên tiếng nếu gặp phải hoặc chứng kiến bất cứ hành vi nào xảy ra với bản thân và đồng nghiệp” sau khi tham dự một buổi tập huấn do lãnh đạo công ty tổ chức mới đây.

Để có thể giải quyết được nạn quấy rối tình dục nơi làm việc thì “Chính quyền địa phương và nhà máy cần có những không gian an toàn để nạn nhân có thể nói ra câu chuyện của mình và đồng thời cần có các biện pháp xử lý vi phạm thích hợp”, ông Trần Triêu Ngõa Huyến nhấn mạnh.

Tháng 1/2021, Trung tâm CCHS phối hợp cùng ActionAid Vietnam và Quỹ Phụ nữ Toàn cầu triển khai dự án "Sáng kiến chấm dứt bạo lực giới ngành may mặc" tại hai địa phương là TPHCM và tỉnh Long An. Dự án có mục tiêu nâng cao năng lực và tiếng nói của nữ công nhân ngành may mặc nhằm bảo vệ quyền của họ thông qua các cơ chế bảo vệ hiệu quả chống QRTD ở nơi làm việc.  

Dự án đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông quy mô lớn với sự tham gia của hàng trăm công nhân lao động, phụ nữ, thanh niên, các ban ngành đoàn thể nhằm truyền thông về tình trạng quấy rối tình dục, nâng cao nhận thức của công nhân, người dân và các bên liên quan về phòng chống QRTD trong ngành may mặc. 

Dự án cũng phổ biến phần mềm S-City giúp giám sát và phản hồi về tình trạng QRTD để có các hành động hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

“Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức của công nhân, giới quản lý nhà máy cũng như những người làm chính sách về chủ đề này nhằm làm giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng QRTD trong ngành may mặc nói riêng và tất cả các ngành nghề khác nói chung”, bà Hồ Thu Phương, đại diện ActionAid Vietnam phát biểu.

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/quay-roi-tinh-duc-noi-lam-viec-se-khong-con-dat-song-a1432513.html