Giải quyết vấn đề giảm sinh bằng cô dâu nước ngoài, Hàn Quốc vấp phải sự chỉ trích
Làn sóng lấy vợ nước ngoài
Mới đây, chính quyền thành phố Mungyeong đã vấp phải sự chỉ trích vì chiến dịch khuyến khích nông dân quá tuổi kết hôn với du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Tuy đây là lần đầu tiên một đơn vị hành chính ở nước này đưa ra chính sách gây tranh cãi, xu hướng tìm vợ nước ngoài cho nam giới “ế” đã và đang tồn tại khắp xứ sở kim chi.
Trong nhiều thập niên, sự mất cân bằng giới tính ở các vùng nông thôn của Hàn Quốc ngày càng trầm trọng. Phụ nữ trẻ thường đến các thành phố để kiếm việc làm và kết hôn, trong khi nam giới ở lại vùng quê để làm việc đồng áng, chăm sóc cha mẹ già theo quan điểm truyền thống.
Vào những năm 1980, chính quyền địa phương bắt đầu trợ cấp cho các công ty môi giới hôn nhân tư nhân, nhằm tìm cách giới thiệu những nông dân độc thân với phụ nữ gốc Hàn ở Trung Quốc, trả cho những người môi giới từ 4 đến 6 triệu won (khoảng 3.800 đến 5.700 USD) cho mỗi cuộc hôn nhân. Đó là một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng dân số già, bằng cách khuyến khích đàn ông tìm vợ và có con.
Dần dần, những cô dâu nước ngoài không còn bắt buộc mang dòng máu Hàn Quốc mà có thể đến từ nhiều quốc gia khác quanh khu vực như Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Ngành công nghiệp môi giới hôn nhân xuyên quốc gia sớm xuất hiện vào những năm 2000.
Theo thống kê của chính phủ, tính đến tháng 5/2020, 380 công ty mai mối đã được đăng ký tại Hàn Quốc. Hầu hết đàn ông kết hôn qua dịch vụ mai mối xuyên biên giới sống ở các vùng nông thôn nơi một số tỉnh vẫn duy trì chính sách trợ cấp hôn nhân. Ví dụ, tỉnh Jeolla Nam cho đàn ông trên 35 tuổi chưa từng kết hôn khoản trợ cấp 5 triệu won (4.190 USD) để lấy vợ ngoại quốc, nếu họ xuất trình giấy đăng ký kết hôn.
Năm 2018, có 16.608 phụ nữ nước ngoài kết hôn với nam giới Hàn Quốc, số cuộc hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc trong năm 2018 đạt 23.773, chiếm 9,2% tổng số cặp đôi kết hôn ở Hàn Quốc, với gần 65% chú rể nằm ngoài độ tuổi 35.