Những bóng hồng thích cảm giác mạnh - Kỳ 4: Kiều nữ và thanh kiếm


TTO - Những cô gái trẻ đẹp thức dậy sớm để 6h sáng vào lớp luyện kiếm đạo Nhật Bản (kendo) ở Câu lạc bộ (CLB) Nitoukan, Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM.

Khoác bộ giáp nặng hơn 5kg, chưa kể mặt nạ sắt đội đầu cũng nặng 1kg, các kiều nữ dũng mãnh như kiếm sĩ trong phim võ đạo samurai.

Kiếm đạo cần sự kiên nhẫn để học từng bước đi, cách cầm kiếm, bỏ cố tật. Có những lỗi sai phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa. Tập luyện phải đều đặn liên tục. Chỉ cần nghỉ một thời gian ngắn coi như phí công sức.

Nữ kenshi ĐỖ THỊ KIM OANH, 29 tuổi, ở TP.HCM.

Trên cả cảm giác mạnh

Trên sàn tập, những đường kiếm tre vung lên theo từng cặp đấu, tiếng chân giậm xuống sàn và kiếm vụt chan chát vào giáp bảo hộ. Cả lớp học vang lên những tiếng thét đầy uy lực. Những "kiếm sĩ" này còn được gọi là "kenshi" theo tiếng Nhật.

Những nữ kenshi xinh đẹp ở TP.HCM bắt đầu một ngày mới như vậy. Có một điểm chung ở các cô gái này là họ không theo học kendo vì phong trào, tò mò, chóng chán. Hầu hết các cô gái mà tôi gặp ở các CLB kendo đều đã theo học kiếm đạo từ 3 - 5 năm nay.

Thầy Nguyễn Sỹ Hiệp, chủ tịch CLB Nitoukan, TP.HCM, chia sẻ: "Khác với cách nghĩ thông thường, kiếm đạo tuy sử dụng cây kiếm nhưng không dành cho người mê bạo lực, hời hợt. Học kiếm là để luyện đạo, học cả tâm và thân".

CLB Nitoukan ở Nhà thi đấu Phú Thọ tạm dời về võ đường của thầy Hiệp do dịch COVID-19. Bình thường ở CLB có tới trên 50 học viên nhưng khi chuyển về võ đường nhỏ này chỉ còn chừng gần 10 người và phân nửa là các nữ kenshi.

"Mới nhìn thì ai cũng nghĩ các cô gái mà học kiếm chắc phải là "thứ dữ". Nhưng sân tôi đến nay có hơn 20 học viên là nữ. Ngày nay nhiều bạn trẻ rất yêu thích kendo vì tìm hiểu qua sách báo hoặc phim ảnh Nhật, thần tượng hình ảnh dũng, trí, nghĩa của các kiếm sĩ samurai.

Nhưng sau khi trải nghiệm thì không theo được vì đây là môn học rất mất thời gian. Như mỗi lần lên đan (đai đẳng) thì phải mất vài năm.

Mỗi đan lại cách nhau bằng số năm tương ứng với đan. Ví dụ từ shodan lên đan 2 thì phải học thêm 2 năm, lên đan 3 thì học thêm 3 năm nữa... Chưa kể còn phải qua các kỳ thi xét đan rất khó khăn" - thầy Hiệp đã dạy 15 năm chia sẻ.

Nguyễn Ngân Hà, 25 tuổi, một nữ kenshi trẻ nhưng đã có thâm niên 3 năm học kendo, chia sẻ: "Mình tập kendo được 3 năm và đã thi xong shodan. Lúc đầu mình tìm đến kendo vì luôn cảm thấy mình như thiếu cái gì đó bên trong, mình cần tìm môn võ nào có thể lấp đầy khoảng trống đó".

Nhiều người thấy học kendo sử dụng kiếm và có tính đối kháng mãnh liệt nên thường nghĩ đây là môn bạo lực, nhưng cô nàng xinh đẹp Ngân Hà khẳng định: "Cá nhân mình cảm thấy kendo an toàn, ít chấn thương vì nếu có va chạm thì đã có giáp.

Hơn nữa, kendo không dành cho người hời hợt, nếu chỉ xem qua phim ảnh thì không đủ vì nó cần người tập phải kiên nhẫn, nếu chỉ vì ham vui thì chắc chắn không theo được".

Sau 3 năm theo kendo, Ngân Hà được thầy Hiệp đánh giá cao nên hiện tại cô gái này cũng tham gia hỗ trợ CLB kèm cho học viên mới. Hà nói về dự định: "Càng theo càng mê, mình sẽ cố gắng tập lên đan cao hơn để trở thành huấn luyện viên kendo".

Đỗ Thị Kim Oanh - 29 tuổi, một nữ kiếm sĩ đang làm trong lĩnh vực marketing, TP.HCM - cũng đã luyện kiếm được 5 năm nay. Oanh đã thi xong shodan và có khá nhiều kinh nghiệm "chinh chiến" ở các giải đấu kendo toàn quốc.

Oanh chia sẻ: "Thành tích lớn với mình trong việc học kendo là bản thân trưởng thành hơn về suy nghĩ, tính cách. Mình đã dự giải vô địch kendo toàn quốc năm 2018 và được giải Fighting Spirit, đó là một sự động viên và lời nhắc nhở mình phải giữ tinh thần luyện tập, chia sẻ với các bạn đồng môn".

Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-bong-hong-thich-cam-giac-manh-ky-4-kieu-nu-va-thanh-kiem-20210613225429306.htm