Những bóng hồng thích cảm giác mạnh - Kỳ 5: Cô thợ máy tàu viễn dương


TTO - "Đàn ông đi biển có đôi, Hoài Thương đi biển... đơn côi một mình", cô thợ máy tàu viễn dương dí dỏm nói về công việc mới của mình trên tàu vận tải biển với những hải trình vòng quanh thế giới.

Khi còn bé, anh trai đã tự mày mò làm cho mình một con thuyền nhỏ chạy bằng pin AAA. Chiều nào anh em cũng ra bờ sông sau nhà thả thuyền cho nó chạy. Lúc đó, mình đã ước mơ lớn lên trở thành người làm cho con thuyền chạy khắp sông, khắp biển.

Hứa Nguyễn Hoài Thương

Bóng hồng trong khoang máy

Trên chuyến hải trình của Hoài Thương, cả tàu chỉ có mình cô là nữ thủy thủ. "Trước chưa từng có, nay có đúng hai cô. Một cô thì đã đi tàu quốc tế. Còn một cô duy nhất thuộc công ty vận tải biển của Việt Nam" - ông Lê Minh Dũng, tổng giám đốc Công ty CPTM vận tải biển Trường Phát Lộc, TP.HCM, nói về nữ thuyền viên đầu tiên của công ty. Đó là cô thợ máy tàu viễn dương Hứa Nguyễn Hoài Thương, 23 tuổi.

Ngay từ bé, Hoài Thương đã thầm mơ về những con tàu giương buồm ra biển lớn. Khi vào Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, Hoài Thương mới nhận ra niềm đam mê đặc biệt với... phòng máy của những con tàu khổng lồ. Dù biết rằng những con tàu viễn dương có hải trình nhiều khi kéo dài cả năm, nhưng Thương vẫn chọn làm nữ thuyền viên. 

Cô chia sẻ: "Mình thích cảm giác được thử thách ở nơi sẽ vận hành con tàu như buồng máy, và cũng mơ ước sẽ theo con tàu đi khắp các đại dương trên thế giới".

Cho đến nay, Hoài Thương bắt đầu công việc của một kỹ sư trong tổ máy của tàu viễn dương đã gần một năm. Trong những ngày này, cô đang lênh đênh trên chuyến hải trình quốc tế vận chuyển hàng hóa cho công ty. Thương chia sẻ về một ngày làm việc của cô trên tàu qua nhật trình:

"Mỗi buổi sáng mọi người sẽ cùng nhau tham gia buổi họp "Morning Meeting". Chief Engineer - máy trưởng là người dẫn đầu buổi họp và 2nd Engineer - kỹ sư thứ 2 sẽ phân công nhiệm vụ cần phải hoàn thành trong ngày. Tại buổi họp, mọi người cùng nhau trao đổi những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ và đưa ra những hướng giải quyết dự phòng. Thông thường buổi họp khoảng 30 phút. Sau đó mọi người sẽ cùng nhau thực hiện tuần tự các công việc theo như sự phân công của 2nd Engineer.

Đối với mình, chuyến hải trình đầu tiên trong vai trò thợ máy chính thức thật tuyệt vời. Trước khi được chính thức công tác trên tàu mình đã phải trải qua nhiều lần đi thực tập trên các con tàu của công ty ở trên đà, dưới sự quan sát của phòng kỹ thuật. Mình phải học thành thạo các dụng cụ hỗ trợ và cách sử dụng, làm quen dần với các thiết bị máy móc có trong buồng máy và cách xử lý khi có vấn đề nào đó xảy ra trên tàu.

Dù đã được công ty tập huấn rất sát sao trước khi tham gia làm việc trên tàu, nhưng mình vẫn bỡ ngỡ, lo không làm tròn nhiệm vụ. Rồi sợ tay chân vụng về sẽ làm hỏng các thiết bị, máy móc. Nhưng mình nghĩ trước hết phải tự tin với kiến thức đã được học, sau đó nhờ niềm vui khi được làm việc trực tiếp trên khoang máy đã khiến mình quên hết cả lo âu.

Hiện tại trong buồng máy vẫn chưa có khâu nào làm khó được mình vì sĩ quan buồng máy luôn tìm và giao cho các anh em những công việc phù hợp với từng người. Tuy nhiên, về mặt kiến thức thì việc nắm được tất cả hệ thống đường ống trên tàu lại làm khó mình một chút và mình cần phải tìm hiểu, tích cực học hỏi hơn nữa để vượt qua thiếu sót của bản thân. Mình nhớ lần đầu tiên vận hành thành công lò đốt rác trong buồng máy dưới sự phân công và theo dõi trực tiếp của sĩ quan, đó là một cảm xúc vui sướng, lâng lâng khó tả nên lời".

Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-bong-hong-thich-cam-giac-manh-ky-5-co-tho-may-tau-vien-duong-2021061420202706.htm