Thương cho roi cho vọt - sai lầm sao cứ tiếp nối? - Kỳ cuối: Đừng để xảy ra hậu quả mới giải quyết
DIỆU QUÍ-TTO
TTO - Giải quyết hậu quả thì dễ, còn giải quyết nguyên nhân, cội nguồn tội ác mới là cái phải chú trọng. Các vụ việc bạo hành xảy ra âm thầm, nhưng khi có hậu quả mới bắt đầu "khui" ra thì đã muộn.
Tại sao cái ác vẫn nhiều?
Từ vụ cháu bé 8 tuổi ở TP.HCM bị hành hạ đến chết, tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), nhà sáng lập Công ty Luật TNHH TNJ - Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết mỗi hành vi bạo hành trẻ em của người lớn đều có ý thức, động cơ thực hiện. Nếu không tìm ra được nguyên nhân ngọn ngành của vấn đề thì không thể có những bài giáo dục cụ thể, phù hợp.
* Bạo hành trẻ em trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ việc hết sức thương tâm, gây bức xúc trong xã hội, mới nhất là vụ cháu bé 8 tuổi tử vong. Theo bà, vì sao luật pháp VN xử rất nghiêm, cũng như có nhiều tổ chức bảo vệ trẻ, nhưng cái ác với trẻ vẫn nhiều?
- Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh: Theo tôi, về luật pháp, VN có đầy đủ các luật bảo vệ quyền trẻ em. Nhưng việc thực thi không chỉ ở Nhà nước mà còn ở mỗi địa phương, trường học, gia đình, cá nhân phải thực hiện đúng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em. Chủ yếu phát sinh từ ý thức chủ quan của người lớn, trong đó là mâu thuẫn của người lớn trong gia đình. Dù lỗi từ hai phía hay một phía, con trẻ cũng đã có sự tổn thất tinh thần khi thiếu đi sự quan tâm của cha hoặc mẹ. Cần xem xét thấu đáo vấn đề ly hôn liên quan đến quyền nuôi con, không chỉ tài chính mà còn điều kiện giáo dưỡng trẻ em có tốt không.
Bạo hành trẻ em không chỉ là đánh đập, chửi mắng, thể hiện ra bên ngoài mà ngay trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày cũng thể hiện rõ môi trường sống của trẻ có bị áp lực tinh thần không.
* Từng nhiều năm tham gia xét xử với vai trò thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân TP.HCM, vụ án phạm tội với trẻ em khiến bà ám ảnh nhất?
- Tôi từng khóc khi tham gia xét xử một vụ bạo hành trẻ em, một vụ án xảy ra ở miền Tây. Đó là tội bạo hành trẻ nhưng không phải đánh đập, mắng chửi gì cả, mà do nhận thức của người cha không cao.
Người cha đó có hai người con trai (10 tuổi và 8 tuổi), vợ chồng đều làm ruộng để sống. Trưa hôm đó, người mẹ đang ngoài ruộng, cha đi về nhà đã nhậu xỉn xỉn. Hai đứa con đợi mẹ về nấu ăn mà lâu quá, mới bảo là "ba ơi, con đói quá mà chưa có cơm ăn, ba nấu cơm đi ba". Người cha lúc này đang xỉn thì kêu con là rượu đó uống đi, đừng có đòi ăn nữa. Thế là hai cậu con cầm chai rượu nốc, mà ở quê đang chơi nghịch mồ hôi mồ kê thế là uống rượu xong cởi áo nằm lăn ra đất. Người cha thấy con nằm thì nghĩ là nó nóng quá mới cởi trần, nên ông lấy nước lạnh xối lên mình hai đứa nhỏ rồi bỏ đi ngủ. Khi ngủ dậy, ổng thấy hai thằng con đã nằm chết cứng rồi. Kết luận điều tra cho biết hai đứa trẻ bị ngộ độc rượu.
Phiên tòa xét xử kết luận người cha tội giết người. Tôi rất đau lòng!
Đọc tiếp bài từ Link gốc tại đây: Thương cho roi cho vọt - sai lầm sao cứ tiếp nối? - Kỳ cuối: Đừng để xảy ra hậu quả mới giải quyết - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)