Thương cho roi cho vọt - sai lầm sao cứ tiếp nối? - Kỳ 4: Hãy quẳng đòn roi vào quá khứ
PHẠM VŨ -TTO
TTO - Sự kiện bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết làm chấn động nhân tâm khiến những ngày tất niên - tân niên sau một năm đầy biến động tiếp tục không yên ả.
Câu chuyện của chúng tôi với cô giáo Lâm Minh Trang và tiến sĩ tâm lý học Lê Thị Linh Trang cũng không tránh khỏi chuyện không vui này với nhiều ký ức xót xa và quan điểm đáng suy ngẫm.
Những câu chuyện cần phải cất vào kho
- Cô giáo Lâm Minh Trang: Phải thú thực ngay rằng ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp) mà tôi đã giảng dạy mấy chục năm, tôi nổi tiếng là một bà giáo dữ đòn. Tôi đã từng đánh học sinh trong nhiều lớp và trải qua nhiều năm. Không nhiều đâu, chỉ 1-2 em một lớp khi phạm lỗi, khi không học bài, gây mất trật tự... và cũng không quá hai roi, nhưng phải nói là rất đau.
Tác dụng tức thời là trật tự trong lớp sẽ được vãn hồi ngay lập tức, cả lớp răm rắp học bài. Tác dụng xa hơn là đám học trò đồn thổi nhau "Cô đó dữ lắm", hình thành nên cái "uy" của mình bên cạnh cái tướng to con.
Vậy nên học sinh gặp tôi dường như ngoan hơn, tôi cũng thường được ban giám hiệu giao cho các lớp "quậy", các học sinh cá biệt để "trị"... Tiếng tăm ấy của tôi cũng kéo dài khá nhiều năm.
- TS Lê Thị Linh Trang: Cũng có khi là tai tiếng ấy chứ. Vậy có học trò nào giận cô giáo và quay về nói chuyện ấy với cô không?
- Cô Lâm Minh Trang: Không. Trái lại, có nhiều học trò quay lại cảm ơn tôi "Nhờ cô dữ mà em hết dám quậy, lo học hơn nên nay mới được vậy". Lại cũng có nhiều phụ huynh tới cảm ơn: "Cô dữ nên con tôi ngoan hơn".
Cũng như khi xưa thời anh chị em tôi còn nhỏ, mỗi năm khai giảng thì mẹ lại đi chợ roi mây ở Ông Tạ mua roi về rồi quấn cán đỏ, mang đến biếu thầy cô của từng đứa kèm theo hai chục trứng gà so và kính cẩn nói: "Mong thầy cô hãy dạy con tôi thật nghiêm khắc".
Tôi cũng bị đòn nhiều, nhận roi đau thì giận cha mẹ lúc ấy nhưng lúc qua rồi nghĩ lại thì thấy là mình sai, mình có tội thật và tội ấy đáng đánh đòn thật.
- TS Lê Thị Linh Trang: Tôi cho rằng những câu chuyện có vẻ như một truyền thống giáo dục tốt đẹp ấy cần phải cất vào kho truyền thuyết, cổ tích, và ngày hôm nay hãy quên hết đi. Có học trò đã quay lại cảm ơn cô, nhưng số những em không quay lại chắc là nhiều hơn, và trong lòng các em ấy nghĩ gì thì chúng ta không biết được.
Cũng như có rất nhiều người viết nhiều bài tâm sự rất hay, rất cảm động về sự trưởng thành, thành đạt ngày hôm nay có ngọn roi của cha mẹ - thầy cô dự phần, nhưng những người đã chìm vào cuộc đời vì phải mang ẩn ức với ngọn roi ấy thì họ không lên tiếng và có khi không còn cơ hội lên tiếng...
- Cô Lâm Minh Trang: Vâng. Nửa sau đời đi dạy của tôi là làm quản lý, khi ấy tôi không chỉ phải chịu trách nhiệm với học trò, phụ huynh mà còn cả với các thầy cô đồng nghiệp. Tôi bừng tỉnh về cách xử sự sai lầm của mình.
Tôi nhớ lại những lần đánh học trò, lần nào về nhà cũng không thể ăn ngon ngủ yên, cứ day dứt suy nghĩ, nhưng rồi lần sau lại không kìm được tính nóng nảy, lại thiếu kiên nhẫn khi chỉ nói thôi thì chưa thể có chuyện đám trẻ vâng lời, mà tiết học chỉ có 45 phút...
Tôi đã lấy chính câu chuyện sai lầm của mình để trò chuyện với đồng nghiệp: "Tôi từng là một bà giáo dữ đòn, cho đến hôm nay có những phụ huynh từng là học trò vẫn mang tôi ra dọa con mình. Thật là một tấm gương không có gì hay ho, không có gì đáng tự hào. Các thầy cô đừng lặp lại con đường của tôi.
Xã hội giờ đã thay đổi rồi, tâm lý trẻ em cũng lớn lên rất nhiều rồi, không thể chấp nhận nữa đâu. Ngày tôi nghỉ hưu, tôi đọc một diễn văn từ biệt. Trong ấy từ đầu tới cuối chỉ là những lời xin lỗi học trò, đồng nghiệp về những không nên, không phải trong xử sự do tính nóng nảy của mình...
Không một ai có quyền đánh trẻ
- TS Lê Thị Linh Trang: Câu chuyện dẫn chúng ta đến chủ đề không mong muốn này của buổi hôm nay đã là câu chuyện xảy ra lần thứ n, và vẫn còn rất nhiều các em bé ngoài kia đang phải chịu cách giáo dục bằng đòn roi, có lúc ranh giới đánh đòn bị vượt qua để trở thành bạo hành, có lúc ranh giới bạo hành bị đẩy qua nữa để người đứng vai trò giáo dục trở thành tội phạm, em bé trở thành nạn nhân trong thảm kịch đau xót.
Đọc tiếp từ Link gốc tại đây: Thương cho roi cho vọt - sai lầm sao cứ tiếp nối? - Kỳ 4: Hãy quẳng đòn roi vào quá khứ - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)