Cơ thể và những tiêu chuẩn trái ngược
CAMERON SHINGLETON-TTCT
H. Minh dịch
TTCT - Liệu người ta có quyền phô bày cơ thể của mình bao nhiêu tùy thích? Và phô bày bao nhiêu thì có thể coi là đẹp?
Đó là hai câu hỏi đã nhận được những câu trả lời rất khác nhau trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, tình hình là cả thế giới nói chung có vẻ đang ngày càng cởi mở.
Những bộ quần áo có thể bị coi là hết sức khiếm nhã 100 năm trước, ngày nay là chuyện thường tình ở nơi công cộng.
Còn trên Internet, nơi mà ranh giới giữa đời sống công cộng và riêng tư thường không rõ ràng, thì những hình ảnh trần trụi chỉ cách ta vài cái nhấp chuột.
Sự thay đổi thái độ
Chúng ta nhìn nhận những chuyện này ra sao? Một mặt, có thể thấy đó là hệ quả tự nhiên của nguyên tắc tự do cá nhân và tự do lựa chọn đang ngày càng áp đảo trong đời sống xã hội khắp nơi trên thế giới.
Mặt khác, rất nhiều người có thể thấy rối trí, đặc biệt là phụ nữ, khi phải đối mặt hai đòi hỏi đối nghịch: vừa phải xây dựng một hình ảnh quyến rũ, “sexy”, lại vừa phải duy trì những tiêu chuẩn “đoan trang, thùy mị”.
Cá nhân tôi tin rằng chắc chắn có những điểm tích cực trong lối tư duy mới về cơ thể và sự hấp dẫn tính dục ở con người, khởi nguồn ở phương Tây khoảng 100 năm về trước.
Trong tiếng Anh thì phong trào này được tóm tắt trong tuyên ngôn “the body beautiful” (thân thể đẹp đẽ) - tức quan niệm cho rằng vẻ đẹp hình thể là điều đáng ca tụng, và sự hấp dẫn tính dục nơi con người là điều chúng ta chẳng có gì phải thấy hổ thẹn.
Tư duy kiểu này bám rễ vào đời sống xã hội khi các quan niệm tôn giáo cũ về cơ thể và sự dục tính ngày càng bị coi là lỗi thời: ở phương Tây, Cơ Đốc giáo coi tình dục là nguồn gốc của tội lỗi và cám dỗ, phương Đông thì có quan niệm phụ nữ phải đoan trang, tiết hạnh và hướng về gia đình.
Giảm bớt tầm quan trọng của những ý tưởng này là một bước tiến của nhân loại, vì chừng nào những ý tưởng đó còn áp đảo, con người còn phải thấy dằn vặt vì những khao khát tự nhiên của mình: không chỉ ham muốn tình dục đơn thuần, mà cả khát khao bộc lộ bản thân qua cơ thể mình, được phô bày nó và được ngưỡng mộ những cơ thể khác.
Sự thương mại hóa
Vậy thì tại sao những diễn tiến tưởng như tích cực đó hóa ra lại dẫn tới nhiều hiệu ứng tiêu cực? Có lẽ nguyên nhân là bởi “sự thương mại hóa” cơ thể con người.
Khi các tiêu chuẩn xã hội liên quan tới vẻ đẹp hình thể và sự bộc lộ vẻ đẹp hình thể trở nên tự do hơn, nhiều lực lượng khác trong xã hội tìm cách lợi dụng quyền năng mới của cơ thể người, nhất là ở việc tính dục hóa nó, vì mục đích riêng của họ.
Hệ quả là nếu nửa đầu thế kỷ 20, việc ca tụng “thân thể đẹp đẽ” giúp giải phóng con người khỏi các ràng buộc đạo đức, tôn giáo, xã hội thì oái oăm thay, vào nửa sau thế kỷ đấy, “sex sells” (“tình dục luôn bán chạy”) lại trở thành một trong những khẩu hiệu phổ biến nhất của nền kinh tế.
Khi các xã hội phương Tây bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, trong đó nền kinh tế dịch vụ - tiêu dùng thay thế cho công nghiệp, trở thành động cơ chính cho sự phát triển kinh tế, tình dục và sự phô bày xác thịt ngày càng trở thành một công cụ lợi hại giúp thúc đẩy tiêu dùng.
Không chỉ những ngành như thời trang hay mỹ phẩm tìm cách thuyết phục phụ nữ phải thể hiện bản thân ngày càng quyến rũ hơn, đồng thời bộc lộ điều đó với sự thay đổi liên tục, ngày một nhanh hơn.
Gần như mọi sản phẩm đang được bày bán đều có sự hỗ trợ của những cơ thể gợi cảm, một phương tiện marketing khẳng định rằng cuộc sống thành đạt ắt phải là cuộc sống “sexy”.
Một xu hướng xã hội tương tự xuất hiện ở nửa sau thế kỷ 20 tại nhiều nước châu Á khi những nước này giàu có hơn, mức tiêu dùng tăng lên, và tiếp thị cùng quảng cáo trở thành những cấu phần thiết yếu của nền kinh tế, định hình lại môi trường mà con người sống trong đó: những bảng quảng cáo trên đường phố, những trang báo và tạp chí, đủ các chương trình truyền hình, và sau này là các trang web và mạng xã hội dần tràn ngập hình ảnh phụ nữ “sexy”.
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Cơ thể và những tiêu chuẩn trái ngược | cuoituan.tuoitre.vn