Xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc

 


“Tôi có một giấc mơ” (I have a dream) – câu nói nổi tiếng của mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King trong bài diễn văn bất hủ tại Đài tưởng niệm Lincoln ngày 28/8/1963, được nhắc lại trong những ngày này ở nước Mỹ, khi cường quốc hàng đầu thế giới phải đương đầu với làn sóng biểu tình lan rộng tại nhiều bang trên khắp đất nước nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc, cũng như tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng đối với các công dân da màu.

Giấc mơ 57 năm trước của vị mục sư từng được trao giải Nobel Hòa bình về tương lai của nước Mỹ, nơi người da trắng và người da màu có thể chung sống hòa thuận, bình đẳng và công bằng, sang đến thập niên thứ ba của thế kỷ 21, vẫn còn dang dở, dù nước Mỹ đã có tổng thống da màu đầu tiên.

Giấc mơ 57 năm trước của mục sư Martin Luther King vẫn còn dang dở, dù nước Mỹ đã có tổng thống da màu đầu tiên

Vụ việc mới nhất liên quan tới cái chết của người đàn ông da màu George Floyd sau khi bị một cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota ghì cổ bằng đầu gối trong hơn 8 phút, khiến người này không thở được, là mồi lửa châm ngòi cho “cơn thịnh nộ” của cộng đồng người Mỹ gốc Phi trên khắp nước Mỹ.

Sự giận dữ đã lan rộng trong các cộng đồng dân cư trên cả nước Mỹ sau khi đoạn video về những khoảnh khắc cuối cùng của ông Floyd lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Cùng với đó, trong suốt 5 ngày qua, trên khắp các phương tiện truyền thông là hình ảnh các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn không chỉ tại bang Minnesota mà lan ra nhiều nơi trên toàn nước Mỹ như New York, Los Angeles, Denver, Houston, California, Detroit, Milwaukee, Portland và Phoenix. Nhiều vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình nổ ra, các đối tượng quá khích thực hiện nhiều hành vi đập phá, cướp bóc… Chính quyền Mỹ phải điều 500 vệ binh quốc gia tới hai thành phố của bang Minnesota là Minneapolis và Saint Paul để hỗ trợ lực lượng chức năng, trong khi hàng loạt thành phố ban bố lệnh giới nghiêm để kiểm soát tình hình.

Không phải đến vụ việc ông George Floyd, nước Mỹ mới “đau đầu” về nạn phân biệt chủng tộc, bởi đâu một vấn đề nhức nhối đã tồn tại nhiều năm qua tại quốc gia này. Mỹ được biết tới là quốc gia đa sắc tộc và đa văn hóa, một xã hội phát triển hàng đầu thế giới và người Mỹ luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ. Tuy nhiên, tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng với công dân da màu, vẫn âm ỉ và hầu như năm nay cũng có những vụ việc bùng phát, dù chính quyền Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm về “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.”

Trong lịch sử nước Mỹ, nhiều vụ việc với mức độ nghiêm trọng đã xảy ra, thực sự gióng lên hồi chuông báo động rằng nạn phân biệt chủng tộc có xu hướng gia tăng ở Mỹ kể từ thập niên 1960. Điển hình như vụ đụng độ sắc tộc năm 1965 tại khu phố Watts, thành phố Los Angeles khiến 34 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng chục triệu USD, khi cảnh sát kiểm tra danh tính hai người đàn ông da màu trong một chiếc ôtô.

Một vụ việc khác xảy ra tại Newark, bang New Jersey năm 1967, khi hai sỹ quan cảnh sát da trắng bắt giữ và đánh đập một tài xế taxi da màu vì lỗi vi phạm giao thông nhỏ, đã khiến 26 người chết và 1.500 người bị thương.

Năm 1967, làn sóng bạo loạn liên quan tới phản đối phân biệt chủng tộc đã diễn ra ở Detroit, bang Michigan khiến 43 người chết và hơn 2.000 người bị thương, rồi lan rộng ra ở bang Illinois, Bắc Carolina, Tennessee và Maryland.

Ngoài ra còn có một loạt vụ đụng độ khác xuất phát từ sự bất bình đối với nạn kỳ thị chủng tộc xảy ra tại Miami, bang Florida năm 1980 khiến 18 người chết và hơn 300 người bị thương; ở Los Angeles năm 1992 với 59 người chết và 2.300 người bị thương; ở Cincinnati, bang Ohio vào năm 2001 ở Baltimore, bang Maryland năm 2015; làn sóng bạo động liên quan những người theo chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville bang Virginia năm 2017.

Bất chấp những tiến bộ đạt được trong việc thúc đẩy bình đẳng chủng tộc, người da màu ở Mỹ vẫn là nạn nhân của tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, tấn công, thậm chí sát hại, như vụ 9 người Mỹ gốc Phi ở Charleston, bang South Carolina bị một kẻ cực đoan da trắng giết chết ngày 26/6/2015.

...

Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc – Mega Story (vietnamplus.vn)