Cẩm Nang Đối Mặt Peer Pressure Dành Cho GenZ

 


Bước 1: Chấp nhận rằng peer pressure là một điều bình thường, và thay vì cho rằng chỉ có người trẻ mới gặp phải vấn đề này, hãy nhận ra peer pressure có ở cả những người lớn tuổi và những người được xã hội cho là thành công.

Bước 2: Nhận diện được những cảm xúc xảy ra khi bạn phải đối mặt với peer pressure, và hãy phân loại chúng dựa trên tính chất và mức độ ảnh hưởng đến bạn. Ví dụ, khi đối mặt với peer pressure, bạn có xu thế mặc kệ, tự ti, ghen tức, hay có thêm động lực? Những cảm xúc này xảy ra trong bao lâu, và điều gì khiến những cảm xúc này tạm thời lắng xuống? Tách bản thân ra khỏi cảm xúc là bước căn bản để chúng ta có thể từng bước điều chỉnh được chúng.

Bước 3: Ghi lại hoàn cảnh khi bạn cảm thấy peer pressure. Một trong những lý do peer pressure làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi đó là nó có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Liệu peer pressure xảy ra khi bạn lướt facebook và nhìn thấy những dòng trạng thái của người khác, hay khi bạn đọc báo mạng, hay đến từ một số người quen cụ thể mà bạn biết? Bước này giúp cho bạn dần dần chủ động hơn trong việc đoán trước lúc nào mình bị peer pressure, và có sự điều chỉnh trong những thói quen hàng ngày để tạm thời giảm bớt ảnh hưởng đó.

Bước 4: Tìm hiểu nguyên nhân. Liệt kê tất tần tật các thể loại peer pressure mà bạn có thể nghĩ ra và có thể ảnh hưởng đến bạn. Peer pressure mà bạn đang đối mặt nhiều nhất là về thành tích học tập, điều kiện tài chính, hay sự nổi tiếng trên MXH? Và ngược lại, hãy cố gắng nhận diện những peer pressure phổ biến nào mà bạn ÍT cảm thấy nhất - đây chính là bước để bạn nhận diện ra đầu mối để tìm ra sự tự tin vào bản thân.

Bước 5: Tự hỏi bản thân - có những điều gì mình đã làm có thể đã vô tình tạo ra peer pressure cho người khác không? Đừng nghĩ rằng bạn chỉ luôn là nạn nhân của peer pressure nhé - một bức ảnh đẹp của bạn trên MXH, bạn có một gia đình hạnh phúc, hay đơn giản là bạn đang được đi học ở một ngôi trường tử tế nào đó - tất cả đều có thể đã từng là lý do để một người nào đó không có những điều này cảm thấy tự ti. Bước này không phải để bạn cảm thấy “tội lỗi”, mà để nhận ra rằng cảm giác peer pressure hiếm khi bắt nguồn từ một nỗ lực của người khác cố ý làm bạn tổn thương.

Bước 6: Tập trung vào sự khác biệt giữa bạn và bạn bè. Thông thường, cảm giác peer pressure xảy ra khi chúng ta nghĩ rằng người khác cũng giống như chúng ta, nhưng vì sao họ lại hơn chúng ta được. Tuy nhiên, mỗi người có xuất phát điểm, những tài năng, hay nguồn lực khác nhau, vì thế so sánh bản thân với người khác không bao giờ là một việc hoàn toàn công bằng cả. Chính vì lẽ đó mà bạn hay nghe thấy lời khuyên về vấn đề peer pressure là hãy so sánh bạn với “bản thân bạn của ngày hôm qua”, vì đó chính là sự so sánh công bằng nhất.

Bước 7: Thay đổi mục tiêu của cảm xúc từ chủ thể sang hành động. Thông thường, phản ứng của chúng ta khi đối mặt với peer pressure là trách bản thân hoặc trách người khác. Khi trách bản thân, chúng ta cảm thấy tự ti. Khi trách người khác, chúng ta cảm thấy bất lực. Nhưng khi chuyển mục tiêu của cảm xúc sang hành động, chúng ta có thể đặt câu hỏi “họ đã làm gì để thành công” hay “liệu mình có thể làm gì để giống họ”

Bước 8: Chia nhỏ hành động, lên kế hoạch và kiên nhẫn. Khi nhận ra những điều bạn có thể làm, bạn cần sắp xếp chúng theo trình tự thực hiện để có thể đạt được những kết quả khiến bạn dần tự tin hơn. Ví dụ, nếu peer pressure đối với bạn là việc bạn bè đã có nhiều vị trí thực tập đáng mơ ước, thì bạn cần biết rằng mình có thể sẽ phải bắt đầu từ học cách viết CV, tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu thêm về các công ty, vv…

Bước 9: Hướng tới giá trị mà bạn có thể tạo ra cho chính bản thân và những người xung quanh. Peer pressure một phần là hệ quả của thói quen chúng ta từ khi bắt đầu đi học đã luôn bị đánh giá dựa trên điểm số và thứ hạng so với các bạn khác trong lớp. Thế nhưng, càng lớn lên, chúng ta sẽ cần nhận ra rằng cuộc sống mở ra rất nhiều cơ hội công bằng cho tất cả mọi người để đi con đường riêng, và vì vậy điều duy nhất mà chúng ta có thể hướng đến là cái đích của con đường đó, thay vì so sánh với con đường mà người khác đang đi.

Bước 10: Tuy đi con đường riêng, nhưng hãy nhận ra bạn không cô đơn. Có rất nhiều bạn khác cũng đang cảm thấy peer pressure và cần lời khuyên. Hãy chia sẻ nếu bài viết này có ích cho bạn nhé, vì biết đâu đấy, nó lại có thể tạo nên một “peer pressure” tích cực nho nhỏ cho những người xung quanh mà bạn quan tâm.

Tác giả: Dương Trần


Thay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Dương Trần Báo Ybox Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn!