Con người Nhật Bản - Những điều hay nên học tập!
Nguyễn Trần Hoàng My
Đất nước và con người Nhật Bản luôn là biểu tượng đặc trưng cho văn hóa của họ, khiến họ trở nên khác biệt cũng như nổi bật so với các nước còn lại. Hơn thế nữa, về những đặc tính con người nơi đây được biết đến với nhiều điểm tốt đẹp đi cùng với bề dày lịch sử cho đến ngày nay, họ đã trở thành top 3 thế giới. Những đặc điểm đặc trưng của con người Nhật Bản trong bài viết này có thể sẽ không xa lạ với bạn nhưng chúng ta sẽ có góc nhìn chung về những điều hay đáng để học tập và vận dụng cho cuộc sống của bản thân!
Tính hiếu kỳ và nhạy cảm với văn hóa nước ngoài
Chúng ta có thể nói rằng không có dân tộc nào nhạy bén về văn hoá của nước ngoài như người Nhật.
Họ không ngừng theo dõi những biến động tình hình bên ngoài, đánh giá và cân nhắc những ảnh hưởng của các trào lưu và xu hướng chính đang diễn ra đối với Nhật, và nếu như họ phát hiện ra trào lưu nào đang thắng thế thì họ có xu hướng sẵn sàng học hỏi, nghiên cứu để bắt kịp trào lưu đó.
Và chính tinh thần thực dụng, tính hiếu kỳ và óc cầu tiến của người Nhật là những động lực thúc đẩy họ bắt kịp với các nước tiên tiến.
Họ không đặt vấn đề phê phán hay chọn lọc khi học mà bằng mọi cách học cho hết. Sau đó họ mới nghiền ngẫm tìm ra những yếu tố có thể cải biến. Đến đây họ lại phát huy được thế mạnh của óc quan sát tỉ mỉ và sự tinh tế vốn có của văn hoá dân tộc.
Mặc dù rất nhạy cảm đối với văn hoá nước ngoài, hơn nữa người Nhật rất ý thức về tài sản văn hoá của họ. Tư liệu lịch sử văn hoá, đền đài, chùa chiền… đại bộ phận vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Hơn thế, các ngành nghề truyền thống không những không bị mai một đi mà còn được cải tiến kỹ thuật và càng trở nên tinh tế hơn.
Trải nghiệm cá nhân: Mình có quen một cô bạn người Nhật - Mizuki. Cô rất hay học hỏi và chịu khó tìm tòi. Và hơn thế nữa những lúc đi đền thờ tại Nhật cô chỉ cho mình các nghi thức vái, khấn như thế nào cho phù hợp. Minh rất may mắn khi có những người bạn tốt tại Nhật
Ý thức tập thể
Điều ở đây thật lạ đây là ý thức tập thể của người Nhật rất cao.
Tập thể đóng một vai trò quan trọng đối với người Nhật. Nó được thể hiện ngay từ trong cách xưng hô với người ngoài khi nói chuyện.
Trong công việc người Nhật thường đăt cái tôi dưới và đề cao cái chung, tìm sự hòa hợp giữa mình và những người xung quanh. Các tập thể có thể cạnh tranh với nhau rất gay gắt song cũng có lúc họ lại bắt tay với nhau để có thể đạt được mục đích chung như để đánh bại đối thủ nước ngoài. Vì vậy mà điều tối kỵ chính là làm mất danh dự của tập thể. Một học giả nước ngoài nghiên cứu về Nhật Bản đã đối lập “văn hóa hổ thẹn” của người Nhật với “văn hoá tội lỗi” của phương Tây.
Trải nghiệm cá nhân: Cho dù thiên tai, lũ lụt, động đất,.. thì ý thức tập thể đây có thể nói là việc xếp hàng họ rất tôn trọng, không chen hàng lẫn nhau
Nhớ lại vụ động đất năm 2011, nếu đặt ra giả sử người nước khác thì không biết họ sẽ như thế nào khi mất hết tất cả? Mọi người đều nghe trên tivi, báo đài, thì có thể thấy khi người Nhật rơi vào tình cảnh hoạn loạn họ rất bình tĩnh, xếp hàng, không chen lẫn nhau khi được nhận lương thực cứu trợ.
Tôn trọng thứ bậc và địa vị
Ý thức tôn trọng thứ bậc có lẽ đã có từ lâu trong đời sống của người Nhật.
Thái độ nhún mình trước những người có địa vị, quyền chức cũng có ở một số nước khác thời cận đại nhưng đặc biệt ở Nhật cho đến ngày nay vẫn còn đậm nét.
Ngày nay ý thức tôn trọng thứ bậc vẫn được thể hiện trong đời sống hàng ngày. Ví dụ trong phòng họp, người có chức vụ thấp nhất sẽ ngồi gần cửa ra vào, người có chức vụ càng cao thì càng ngồi gần phía bên trong. Hoặc trong các buổi tiệc tổ chức tại nhà hàng một cách đột xuất thì mọi người đều biết vị trí của mình mà không cần có sự hướng dẫn nào khác.
Sắc thái tôn ti trật tự trong xã hội Nhật Bản thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ xưng hô và hình thức chào hỏi đối với từng đối tượng xã hội cụ thể.
Chính từ cơ cấu này mà tinh thần đoàn kết và lòng trung thành của người Nhật được phát sinh, và nhờ đó mà việc động viên cho sự thực hiện mục tiêu của toàn thể tập đoàn là tương đối dễ dàng.
Trải nghiệm cá nhân: Trong khi giao tiếp, đối với người lớn tuổi hay người có địa vị thì người Nhật thường cúi đầu và dùng kính ngữ (尊敬語 - sonkeigo), khi nói về mình và những người trong gia đình mình thì dùng ngôn ngữ khiêm nhường (謙譲語 - kenjogo).
Khiếu thẩm mỹ
Ấn tượng ban đầu của bất kỳ ai lần đầu đến thăm Nhật Bản là ngạc nhiên và thán phục về óc thẩm mỹ của người Nhật, từ cách trang trí nhà cửa, sắp xếp đồ đạc trong gia đình hay cách bài trí bữa cơm đều khiến cho mọi người có cảm giác tiếp cận một sự tinh tế, một óc thẩm mỹ cao.
Nhưng óc thẩm mỹ của người Nhật không chỉ biểu hiện qua các hiện tượng bên ngoài mà còn qua lối suy nghĩ và cung cách làm việc của họ hàng ngày, hay nói rộng ra là nhân sinh quan của họ.
Một người đan quạt tre ngắm đi ngắm lại xem cái quạt của mình làm đã cân đối chưa, có cần phải trau chuốt gì không, mặc dù khi làm như vậy thì anh ta sẽ mất nhiều thời gian hơn, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thu về được ít hơn, song đối với người dân Nhật Bản ngoài mục đích lợi nhuận thì họ còn muốn đạt được một mục tiêu khác không kém phần quan trọng – đó là cảm giác thoải mái khi hoàn thành mỹ mãn một công việc dù là rất nhỏ.
Họ luôn tìm kiếm cái đẹp trong công việc của mình, người Nhật nổi tiếng là người làm việc cần mẫn, xem công việc của công ty như là công việc của mình, luôn tận tâm tận sức, nhiều khi họ làm việc không phải vì lợi ích cá nhân của mình, họ xem công việc của họ không những là “hoạt động kinh tế” mà còn là “hoạt động thẩm mỹ”.
Trải nghiệm cá nhân: Đặc sản truyền thống Nhật đó chính là sushi - họ luôn sáng tạo bằng cách tìm ra những cách trưng bày món ăn thật tỉ mỉ, chăm chút đến từng chi tiết về màu sắc, hình thù của món ăn cho đến cách sử dụng và sắp xếp các loại chén dĩa trên bàn ăn. Chính vì vậy mà món ăn Nhật luôn toát ra một vẻ đẹp từng đường nét cho đến cách phối màu khiến người thưởng thức không thể rời mắt, chỉ nhìn thôi cũng cảm thấy ngon miệng.
Tinh thần gìn giữ truyền thống
Động đất, sóng thần, núi lửa... xuất hiện liên tục trong suốt lịch sử Nhật Bản. Các thảm họa này không chỉ khiến hàng nghìn người thiệt mạng, mà còn làm sụp đổ những kiến trúc cổ như đền miếu, lâu đài.
Trong khi ở nhiều quốc gia khác, các công trình này sẽ bị bỏ hoang thì ở Nhật, nhiều đền chùa cổ đã được xây dựng lại sau khi bị phá hủy để thế hệ sau có thể chiêm ngưỡng, thán phục.
Trải nghiệm cá nhân: Khi mình còn ở Nhật mình được thấy rất nhiều đền thờ, miếu tại Nhật, có những nơi đã rất cỗ và không có người chăm sóc, nhưng người Nhật vẫn giữ lại nơi đó mà không san bằng để xây công trình khác có thể sử dụng. Mãi sau này mình mới hiểu về sự tôn sùng những di sản mang tính thời gian của người Nhật.
Sự sạch sẽ
Đến Nhật, du khách sẽ thấy mọi ngóc ngách đều rất sạch sẽ, không có chuyện người dân vứt rác ra ngoài đường.
Tuy nhiên, bạn cũng sẽ ít thấy thùng rác, trừ các thùng rác tái chế để đựng chai lọ. Thường thì người dân Nhật Bản sẽ đem rác về nhà hoặc tới nơi cho phép đổ rác.
Các trường học không thuê lao công mà chính học sinh là người dọn dẹp lớp học, sân trường. Các em được dạy thói quen ngăn nắp từ khi còn rất nhỏ. Người dân tin rằng việc giữ vệ sinh là phạm trù đạo đức chứ không còn là một việc vặt khó chịu.
Trải nghiệm cá nhân: Ngoài việc giữ vệ sinh trường học, người Nhật đảm bảo rằng tại bất kỳ nào họ ở, thì xung quanh phải luôn được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. Ở những quốc gia khác, dọn dẹp đường phố thường do những người lao công thực hiện.
Ở Nhật Bản thì khác, người ta thực sự không cần thuê những người này vì rất nhiều cư dân đã tự dọn khu vực của họ rồi.
Rất nhiều người Nhật thích dọn dẹp và giữ cho nhà cửa và văn phòng gọn gàng sạch bóng. Việc này tạo cho họ một môi trường thoải mái và hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống.
Ý tứ và xem trọng riêng tư của những người xung quanh
Mọi người thường hạ giọng xuống khi trả lời điện thoại lúc đang đi tàu, thường là để thông báo đang di chuyển và sẽ gọi lại sau.
Các ga tàu cũng thường có biển báo đề nghị hành khách tắt máy, để im lặng hay hạn chế trả lời điện thoại để tránh làm phiền người bên cạnh. Việc nói to khi trả lời điện thoại cũng bị coi là bất lịch sự.
Ví dụ cụ thể: Dân số ở Nhật Bản rất đông nhưng gần như không bao giờ có việc người dân than phiền vì bị cướp, trộm cắp. Theo như thống kê của cảnh sát Nhật Bản, mỗi năm có đến hàng triệu USD tiền mặt được đưa đến Cục thất lạc và tìm thấy thuộc sở cảnh sát Tokyo.
Sự hòa hợp tôn giáo
Là một quốc gia hiện đại với công nghệ tân tiến, Nhật Bản vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ truyền thống và tôn giáo trong đời sống thường ngày.
Du khách có thể thấy các đền miếu với đủ quy mô khắp thành phố. Điều tuyệt vời là sự hòa hợp giữa hai tôn giáo chính: đạo Phật và đạo Shinto. Phần lớn người dân đều thờ cúng các vị thần, Phật thuộc cả hai đạo.
Cụ thể: Người Nhật cũng coi trọng đạo Khổng , nhưng trên thực tế thì đạo Khổng đối với người Nhật có tư cách như những chuẩn mực đạo đức hơn là một tôn giáo. Đạo Khổng du nhập vào Nhật từ đầu thế kỉ VI, có ảnh hưởng lớn tới nếp suy nghĩ và cách xử sự của người Nhật, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ảnh hưởng của đạo này đã suy yếu đi .
Chất lượng thực phẩm
Từ những món ăn cao cấp và đắt tiền tới các hộp cơm bán sẵn ở siêu thị, đồ ăn ở Nhật có chất lượng tuyệt hảo.
Bạn hoàn toàn có thể mua một bữa ăn ngon lành ở các siêu thị mini. Nhân viên luôn sẵn lòng hâm nóng lại đồ cho khách.
Ví dụ cụ thể: Đáng chú ý, Nhật Bản có 2 hệ thống tiêu chuẩn gồm: tiêu chuẩn cơ bản trong công nghiệp (JIS) và tiêu chuẩn nông nghiệp (JAS).
Hệ thống JIS hiện có tới 8148 tiêu chuẩn và là một trong những tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất ở Nhật Bản, với tất cả các sản phẩm công nghiệp, phân hoá học, sợi tơ tằm, thực phẩm... Khi kiểm tra chất lượng, dấu chất lượng tiêu chuẩn JIS là cơ sở để xác nhận chất lượng.
Sự trung thực
Trung thực là một đức tính rất cần thiết mà ít ai làm được điều đó. Các nhân viên cửa hàng chạy theo khách để trả lại đồ lại cho khách để quên là cảnh thường thấy ở Nhật.
Cụ thể: trẻ em Nhật được dạy từ nhỏ rằng khi thấy vật rơi, cần phải tìm người để trả lại hoặc đem tới đồn cảnh sát gần nhất.
Lịch sự
Người Nhật rất coi trọng các quy tắc ứng xử, do đó bạn hãy nhớ mỉm cười và cảm ơn họ khi hỏi đường hay nhờ giúp đỡ. Thể hiện sự tôn trọng người khác và cư xử lịch sự là điều cần thiết để hòa nhập với văn hóa nơi đây.
Trải nghiệm cá nhân: Trong bữa ăn, người Nhật thường tìm cơ hội rót đồ uống cho nhau – bạn cũng nên làm tương tự. Hãy rót rượu cho những người xung quanh mình và đừng tự rót cho bản thân.
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: https://growupwork.com/blog/japan-life/con-nguoi-nhat-ban-nhung-dieu-hay-nen-hoc-tap-438