Bỏ Qua Mọi Tranh Cãi Gay Gắt - Tôn Giáo Vẫn Là Quả Ngọt Của Cái Cây Lịch Sử

 



Vài Nét Về Tôn Giáo

Ngay cả những sử gia đầy hoài nghi vẫn dành một sự kính cẩn khiêm nhường dành cho tôn giáo, bởi anh ta thấy được trọng trách dường như không thể thiếu của tôn giáo ở bất kỳ vùng đất và thời đại nào. Đối với những linh hồn bất hạnh, đau khổ, mất mát, già yếu, tôn giáo mang lại một niềm an ủi siêu nhiên mà hàng triệu người trân quý hơn bất kỳ sự viện trợ tự nhiên nào. Nó giúp các bậc cha mẹ và nhà giáo rèn luyện thế hệ trẻ. Nó mang lại ý nghĩa và phẩm giá cho cả những hữu thể thấp hèn, khốn cùng nhất; và thông qua các bí tích, tôn giáo đã tạo nên sự ổn định bằng cách chuyển hóa các giao ước giữa con người thành mối quan hệ tôn nghiêm với Thiên Chúa. Napoléon từng nói chính tôn giáo đã ngăn kẻ nghèo giết kẻ giàu. Do sự bất bình đẳng tự nhiên giữa người với người mà phần đông chúng ta thường bị đẩy đến cảnh thất bại và nghèo túng. Có lẽ chỉ một tia hy vọng siêu nhiên nào đó là giải pháp duy nhất cho nỗi tuyệt vọng ấy. Chỉ cần hủy hoại niềm hy vọng này thì sẽ nhận ngay hậu quả là cuộc chiến giai cấp trỗi dậy mạnh mẽ. Thiên Đường và một xã hội không tưởng chẳng khác nào hai chiếc gàu múc nước trong cùng một cái giếng: khi chiếc này đi xuống thì chiếc kia phải đi lên.

 

Cơ Sở Hình Thành Tôn Giáo

Ban đầu, tôn giáo dường như không có mối liên hệ nào với luân lý đạo đức. Theo tôi thì đó chỉ là phỏng đoán, hoặc nói theo Petronius, người có trùng ý tưởng với Lucretius thì có vẻ như “ Nỗi sợ chính là thứ  đầu tiên tạo nên các đấng thần linh” – chính là nỗi sợ vô hình tiềm ẩn trong lòng đất, sông ngòi, đại dương, cây cối, ngọn gió và bầu trời. Vậy nên, tôn giáo ban đầu là để thờ phụng các thế lực này nhằm làm giảm sự tác oai tác quái của chúng thông qua các lễ vật, sự hiến tế, bùa chú và lời cầu nguyện. Chỉ khi các thầy tư tế sử dụng chính nỗi sợ hãi và nghi lễ này để hậu thuẫn cho nền luân lý và luật pháp thì khi ấy tôn giáo mới trở thành một lực lượng nòng cốt mà cũng chính là lực lượng kình địch của nhà nước. Tôn giáo tuyên bố với người dân rằng bộ quy tắc đạo đức và bộ luật chính là mệnh lệnh của các đấng thần linh. Tôn giáo đã mô tả hình ảnh Thần Thoth ban luật lệ Ai Cập cho Menés, Thần Shamash trao cho Hammurabi Bộ Luật Babylonia, Thần Yahveh ban Mười Điều Răn và Sáu Trăm Mười Ba Giới Luật cho Moses để dẫn dắt dân Do Thái, và Nữ Thần Egerian ban Bộ Luật Numa Pompilius cho La Mã. Các giáo phái ngoại đạo và tín điều Kitô thì ban bố rằng những người nắm quyền cai trị trên cõi phàm trần đều được chính thần linh chỉ định và bảo hộ. Với lòng biết ơn sâu sắc, hầu như mọi chính quyền nhà nước đều san sẻ đất đai cùng lợi ích với giai cấp tu sĩ.

 

Những Gì Tôn Giáo Đã Làm Được

Những người theo Công Giáo nhưng từ chối phục tùng Giáo Hội hồ nghi việc tôn giáo từng đề cao đạo đức, vì ngay cả trong thời kỳ tôn giáo thống trị thì sự vô luân vẫn nổi lên tràn lan. Chắc chắn rằng Thời Trung Cổ, thói ham mê nhục dục, say xỉn, thô lỗ, tham lam, bất lương, trôm cướp và bạo lực đã tồn tại. Nhưng nếu không nhờ có nền luân lý Kitô hãm bớt lại, các bài khuyên răn của các tu sĩ, các vị thánh được lấy ra làm gương, các nghi lễ làm dịu lòng dân và kết liên mọi người lại, thì sự băng hoại đạo đức (vốn là kết quả của năm thế kỷ chìm trong các cuộc xâm lăng của quân mọi rợ, chiến tranh, và nền kinh tế lẫn chính trị vô tổ chức) có lẽ còn tệ hại đến nhường nào. Giáo Hội Công Giáo La Mã đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu chế độ nô lệ, thù hận giữa các gia tộc, xung đột giữa quốc gia; nhiều nỗ lực để kéo dài các giai đoạn hòa bình và đình chiến; và cuối cùng là nhiều nỗ lực thay đổi cách phân xử thông qua phán quyết của tòa án, thay vì hình thức trực chiến hay bắt vượt qua cửa ải;  cũng như làm giảm nhẹ các hình phạt được quy định trong bộ luật La Mã hoặc các luật lệ dã man; ngoài ra còn mở rộng đáng kể phạm vi và cơ cấu tổ chức của hội từ thiện.

 

Mặc dù Giáo Hội phục vụ nhà nước nhưng lại tự cho mình ở trên hết thảy các nhà nước bởi vì luân lý đạo đức thì cao hơn quyền lực. Giáo Hội dạy rằng lòng yêu nước nếu không được kiểm soát thông qua một lòng trung thành cao cả thì có thể bị méo mó thành công cụ của lòng tham và tội ác. Nó ban hành một đạo luật luân lý duy nhất khiến ngay cả chính phủ kình địch Giáo Hội Kitô cũng phải tuân phục. Khẳng định nguồn gốc thiêng liêng và quyền tối thượng về mặt tâm linh, Giáo Hội tiến cử mình như một tòa án quốc tế mà tất cả các nhà cầm quyền buộc phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức. Hoàng Đế Henry IV đã công nhận quyền lực này khi ông cúi đầu phục tùng Giáo Hoàng Gregory tại Canossa năm 1077. Một thế kỷ sau, Giáo Hoàng Innocent III đã nâng cao uy lực và thanh thế của vị trí Giáo Hoàng lên một tầm cao mới, đến mức mà cái lý tưởng rằng một siêu quốc gia là tập hợp nhiều quốc gia tuân theo một hệ giá trị đạo đức tinh thần chung của Giáo Hoàng Gregory ngỡ đâu đã thành hiện thực.

 

Mặt Trái Của Tôn Giáo

Giấc mộng vỹ đại tan vỡ dưới sự tấn công của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa hoài  nghi và sự yếu nhược của con người. Giáo Hội được vận hành bởi phàm nhân, mà đã là người phàm thì ắt có xu hướng thiên vị, ăn hối lộ, tham nhũng. Nước Pháp ngày càng phát triển về quyền lực và của cải, và biến chức Giáo Hoàng trở thành công  cụ chính trị. Các vị vua quyền lực đến mức có thể ép buộc Giáo Hoàng giải tán Dòng Tên vốn trước đó đã hết mực tận tụy cống hiến cho Giáo Hoàng. Giáo Hội thậm chí hạ thấp vai trò của mình đến mức nói dối tín đồ bằng những huyền thoại đạo đức không có thật, những thánh tích tự tạo và những phép màu đáng ngờ. Trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội kiếm lợi qua câu chuyện kỳ bí “ Constatine hiến tặng đất” nói về việc Constatine đã để lại di sản Tây Âu cho Giáo Hoàng Sylvester I (đương quyền trong giai đoạn 314-335), hay “Những Sắc Lệnh Giả Mạo” (lưu hành vào khoảng 842) tức một loạt giấy tờ được làm giả như những chứng tích cổ đại thiêng liêng nhằm chứng minh quyền hành tuyệt đối của các Giáo Hoàng. Càng ngày, tầng lớp Giáo Phẩm chỉ chuyên tâm dồn sức truyền bá tính chính thống của mình thay vì luân lý đạo đức. Suýt chút nữa thì Tòa Án Dị Giáo đã trở thành một nỗi ô nhục, một đòn chí tử hạ bệ thanh danh Giáo Hội. Ngay cả trong lúc thuyết giáo về hòa bình, Giáo Hội đã gây ra các cuộc chiến tranh tôn giáo ở Pháp vào thế kỷ XVI và Chiến Tranh Ba Mươi Năm ở Đức vào thế kỷ XVII. Tóm lại, Giáo Hội chỉ đóng góp một phần khiêm tốn trong sự tiến bộ vượt bậc của nền luân lý đạo đức hiện đại – tức sự bãi bỏ chế độ nô lệ. Nó đã mở đường cho các triết gia trở thành thủ lĩnh các phong trào nhân văn mà nhờ đó đã giảm bớt các tệ nạn trong thời đại chúng ta.

 

Đấng Sáng Thế Có Thật Sự Tồn Tại

Lịch sử biện minh cho Giáo Hội với niềm tin rằng nhân loại thật sự ước mong một tôn giáo giàu phép màu, nhiều điều huyền bí và đậm màu sắc thần thoại. Có một vài thay đổi nhỏ đã diễn ra về phương diện nghi lễ, phẩm phục, thẩm quyền giám mục; nhưng Giáo Hội không thay đổi những giáo lý với logic lạ lùng bởi những thay đổi đó sẽ xúc phạm và khiến hàng triệu người vỡ mộng. Ước vọng của ai mà chẳng gắn liền với những điều giàu cảm hứng và đầy ủi an do trí tưởng tượng vẽ nên. Không thể có sự hòa giải nào giữa tôn giáo và triết học, trừ phi các triết gia thừa nhận rằng họ không tìm được điều gì thay thế nổi trọng trách truyền bá luân lý của Giáo Hội , và Giáo Hội thì chịu công nhận quyền tự do tín ngưỡng và tự do trong tư tưởng của mỗi người.

 

Lịch sử có ủng hộ niềm tin vào Thiên Chúa không? Nếu định nghĩa “Thiên Chúa” là một đấng tối cao đầy trí tuệ và lòng nhân, chứ không phải sự sống căng tràn và đầy sáng tạo của thiên nhiên, thì ta đành phải miễn cưỡng trả lời là: “Không”. Giống như các nhánh của sinh học, lịch sử căn bản vẫn là quá trình chọn lọc tự nhiên để tìm  ra những cá nhân và tập thể mạnh nhất trong một cuộc đấu tranh mà ở đó lòng tốt chẳng có giúp ích gì, ngoài ra còn muôn trùng vây hoạn nạn, và bài kiểm tra chung cuộc chính là khả năng sống sót. Song hành với tội ác, chiến tranh, sự tàn ác của con người còn có những thứ như động đất, bão tố, lốc xoáy, dịch bệnh, sóng thần và nhiều thiên tai khác – tất cả  như được “Thiên Chúa tạo ra” theo chu kỳ để giáng xuống đầu con người và mọi sinh vật sống, khiến mọi thứ tan hoang, tiêu điều. Tất cả những bằng chứng này cho ta thấy đó là định mệnh nhuốm màu tai ương hết sức công bình và mù quáng, với vài cảnh tưởng tình cờ xuất hiện mà ta chủ quan gắn cho nào là có trật tự, huy hoàng, lộng lẫy và  kỳ vĩ. Nếu lịch sử ủng hộ bất kỳ thuyết thần học nào thì đây sẽ là một thuyết nhị nguyên giống như Hỏa Giáo và Mani Giáo: một linh hồn thiện và  một linh hồn ác chiến đấu để giành quyền điều khiển vũ trụ và tâm hồn con người. Những đức tin này cùng với Kitô Giáo (về cơ bản mang đặc tính của Mani Giáo) đảm bảo với các tín đồ rằng cái thiện tất sẽ chiến thắng; nhưng lịch sử thì không trình ra điều gì đảm bảo cho cái kết hoàn mỹ này. Với tạo hóa và lịch sử, cái gì tồn tại được thì đó mới là “tốt”, cái gì thoái trào là “xấu”. Nhưng thực tế chứng minh, cái nhân loại định nghĩa là tốt, là chân lý sẽ được thai nghén và thành hình dù phải trải qua thời gian dài tranh đấu với “những ác linh của tạo hóa và lịch sử” – vì con người là thước đo của vạn vật – và những cái tốt đã thành chân lý đó sẽ tồn tại trong một thời gian dài (nếu không phải quá dài thì cũng là đủ dài). Nhưng một lẽ dĩ nhiên, vũ trụ thì không có bất kỳ một thiên kiến nào, nó chẳng ân sủng Đấng Giêsu Kitô mà cũng không ruồng rẫy Thành Cát tư Hãn.

 

Phải Chăng Ngày Khoa Học Và Nhận Thức Con Người Phát Triển Cũng Là Ngày Tôn Giáo Bắt Đầu Suy Vi?

Càng ngày, con người càng gia tăng nhận thức về vị trí nhỏ bé vô cùng tận của mình trong vũ trụ bao la. Điều này càng khiến niềm tin tôn giáo sụt giảm nghiệm trọng. Tại các xứ sở mà Kitô Giáo bao trùm, thời kỳ suy thoái có thể tính từ thời Copernicus (năm 1543). Quá trình này diễn ra chậm chạp, nhưng vào năm 1611, John Donne đã rầu rĩ mà than rằng trái đất  hóa ra chỉ là một “vùng ngoại ô” của vũ trụ, và “nền triết học mới hoài nghi tất thảy”. Còn Francis Bacon, mặc dù thi thoảng vẫn ngả mũ trước các đức giám mục, lại tuyên bố hùng hồn rằng khoa học đích thị là tôn giáo của con người hiện đại. “Cái chết của Thiên Chúa” đã bắt đầu từ đó (ở đây Thiên Chúa hiểu theo nghĩa một đấng thần linh như một thực thể bên ngoài).

 

Để một hệ quả to lớn như vậy xảy ra, ắt phải có nhiều nguyên nhân bên cạnh sự truyền bá của khoa học và tri thức lịch sử. Đầu tiên phải kể đến phong trào cải cách Tin Lành với mục đích ban đầu là để bảo vệ quyền định đoạt của mỗi cá nhân. Sau đó vô số nhóm Tin Lành và Thần Học mâu thuẫn nhau, mỗi nhánh đều viện dẫn cả Kinh Thánh lẫn lý lẽ. Rồi ngay cả chính Kinh Thánh cũng ngày càng bị chỉ trích, nhiều bằng chứng  cho thấy bộ sách tuyệt vời này chẳng qua cũng là một tác phẩm kém hoàn hảo của đám phàm nhân hay sai sót như bao tác phẩm lẫy lừng khác trong lịch sử. Tiếp đến là phong trào Tự Nhiên Thần Giáo ở Anh đã giới hạn tôn giáo thành một niềm tin mơ hồ vào một Đấng Thiên Chúa không khác tạo hóa là bao. Rồi thì người ta phát hiện ra sư tương đồng giữa Kitô Giáo và các tôn giáo khác, vốn mang theo những huyền thoại trước thời Giêsu Kitô, mà đáng tiếc thay lại giống một cách đáng kinh ngạc với cơ sở thực tế của tín điều Kitô Giáo. Sau nữa, phía Tin Lành tiết lộ về các phép lạ của Công Giáo, Tự Nhiên Thần Giáo thì bóc trần các phép lạ của Công Giáo, còn quần chúng nhân dân thì phát hiện ra các vụ gian lận lừa đảo, các cuộc điều tra lạm quyền của Tòa Án Dị Giáo và các vụ thảm sát trong lịch sử của đạo này. Kế đến, nông nghiệp – thứ đã dẫn dắt con người tin vào Thiên Chúa bởi chu kỳ tái sinh hàng năm của sự sống và bí ẩn của nhịp sinh trưởng – rốt cuộc đã bị công nghiệp thay thế. Với công nghiệp, nhịp điệu ồn ã của máy móc đang hoạt động mới là tiếng kinh cầu, và cả thế giới không khác gì một cỗ máy vỹ đại. Thêm vào đó là sự tiến bộ táo bạo của giới học thuật theo chủ nghĩa hoài nghi (ví dụ như Bayle), và triết học phiếm thần (mà Spinoza là đại diện). Ngoài ra còn phải kể đến cuộc tổng tấn công của phong trào khai sáng Pháp nhằm nhắm vào Kitô Giáo, cuộc nổi dậy ở Paris nhằm chống lại Giáo Hội trong cuộc Cách Mạng Pháp. Chưa hết, thời đại chúng ta phải chứng kiến việc thảm sát thường dân bừa bãi trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Và cuối cùng, những thắng lợi vẻ vang của khoa học kỹ thuật hứa hẹn trao cho con người quyền sinh sát tuyệt đối,  đồng thời cũng thách thức những giới luật thiêng liêng từ trên trời ban xuống.

 

Theo một cách nào đó, Kitô Giáo đã “đào hố chôn mình” khi chính nó dung dưỡng trong mỗi tín đồ một ý thức đạo đức khiến họ không thể chấp nhận một Đấng Chúa đầy “sân hận” trong thần học truyền thống. Ý niệm về địa ngục biến mất khỏi tư tưởng những người có học thức và cũng không còn chỗ đứng trên bục giảng thuyết. Những người theo Giáo Hội Trưởng Lão dần thấy ngượng về Bản Tuyên Xưng Đức Tin Westminster, vì bản này buộc họ phải tin vào một Đấng Chúa đã tạo ra hàng tỷ con người dẫu cho Người quá rõ số phận an bài là họ sẽ bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn, bất kể  họ sống đức độ hay tội lỗi ra sao.

 

Những Kitô hữu có trình độ học vấn trong một lần đến thăm nhà Nguyện Sistine đã bị sốc nặng trước bức họa của Michelangelo vẽ cảnh Chúa đang ném những kẻ phạm tội vào lửa hỏa ngục để ngọn lửa không bao giờ tắt ấy thiêu đốt họ. Có lẽ nào đó lại là “Chúa Giêsu hiền lành, ôn nhu”, người đã truyền cảm hứng cho một thời tuổi trẻ của họ?

 

Cũng giống như sự tinh tấn về mặt đạo đức của người Hy Lạp cổ đại đã làm lung lay niềm tin của họ vào những vị thần trên đỉnh Olympus vốn ham gây gổ và dâm dật, phóng đãng (Plato từng viết: “Một phần dân số nhân loại hoàn toàn không tin vào sự tồn tại của thần linh)Vậy nên, sự phát triển tinh tấn  của nền đạo đức Kitô Giáo đã từ từ bào mòn nền Thần Học Kitô. Đấng Kitô đã soán ngôi Đấng Giêhôva.

 

Việc thay thế các thiết chế Kitô Giáo bằng các cơ quan thế tục là hệ quả đỉnh điểm và then chốt mà Cách Mạng Công Nghiệp mang lại. Việc một quốc gia nên cố gắng dừng cậy nhờ Thần Học giúp sức có lẽ là một trong những thí nghiệm xoắn não quan trọng và đảo lộn cuộc sống chúng ta ngày nay. Thời xưa luật pháp từng là những sắc lệnh mà Thiên Chúa ban xuống cho vương quốc trị vì, ngày nay nó chỉ còn là những giới luật hỗn độn do những người hay sai sót soạn thảo nên. Giáo dục, vốn trước đây là lãnh địa thiêng liêng của giới tu sĩ được thần linh dẫn lối, nay đã trở thành trọng trách của những người chẳng khoác lên mình chiếc áo thầy tu hay chịu nỗi kính sợ thế lực siêu nhiên; họ chỉ dựa vào lý lẽ và dùng cách thuyết phục để giáo hóa đám thanh niên ngỗ ngược, không biết lý lẽ là gì, vốn chỉ sợ uy nghiêm của cảnh sát. Các trường đại học xưa kia từng là liên minh của Giáo Hội nay đã được các doanh nhân và cộng đồng khoa học thâu tóm. Việc tuyên truyền chủ nghĩa ái quốc, chủ nghĩa tư bản, hoặc chủ nghĩa cộng sản cho sinh viên nay đã thay thế việc khắc ghi tín ngưỡng và luân lý đạo đức siêu nhiên. Những ngày thánh lễ thì biến thành kỳ nghỉ. Các rạp hát chật kín ngay cả vào ngày chủ nhật, và thậm chí vào chủ nhật thì các hàng ghế trong Giáo Đường cũng chỉ kín một nửa. Trong các gia đình Anglo-Saxon, tôn giáo đã trở thành một sự tuân thủ của xã hội và một lớp vỏ ngụy trang; trong các gia đình Công Giáo Mỹ, nó phát triển mạnh mẽ; còn với giới thượng lưu và trung lưu ở Pháp và Ý, “tôn giáo là đặc điểm tình dục thứ cấp của nữ giới”. Có cả ngàn dấu hiệu chứng tỏ Kitô Giáo đang trải qua sự suy thoái hệt như nhũng gì đã xảy ra đối với hệ tôn giáo Đa Thần của Hy Lạp sau sự xuất hiện của giới ngụy biện trong thời Khai Sáng Hy Lạp.

 

Vì Sao Tôn Giáo Tồn Tại Được – Vai Trò Của Tôn Giáo Trong Lịch Sử

Công giáo tồn tại được vì nó hấp dẫn trí tưởng tượng, gợi lên niềm hy vọng và kích thích giác quan; bởi vì những câu chuyện mang màu sắc thần bí của nó mang lại niềm an ủi và thắp sáng cuộc sống của những người cùng khổ. Do sinh sản con đàn cháu  đống đúng như những gì Thiên Chúa răn dạy mà tín đồ Kitô Giáo đã dần lấy lại được những vùng đất từng  bị tước đoạt trong cuộc Cải Cách Tôn Giáo. Công Giáo đã bỏ qua cho sự bất tuân của giới trí thức, và hậu quả là nó càng phải hứng chịu sự thoát ly tín ngưỡng do việc tiếp xúc với nền giáo dục và văn chương thế tục đem lại. Nhưng Công Giáo cũng cảm hóa và thu phục được một số người cải đạo – những người vốn đã quá mỏi mệt với việc hệ thống niềm tin, luân lý của họ - hay những người trông mong rằng Giáo Hội sẽ ngăn chặn được sự rối loạn nội bộ và nguy cơ đến từ làn sóng đức tin mới trỗi dậy.

 

Chỉ khi một cuộc đại chiến mới phá hủy nên văn minh Phương Tây, hậu quả là toàn bộ thành phố bị tàn hại, tình trạng đói nghèo tràn lan, khoa học bị ruồng rẫy thì Giáo Hội mới có thể lấy lại vị thế hoàng kim, trở thành niềm hy vọng duy nhất, dẫn dắt, soi đường, giúp những kẻ sống sót vượt qua cơn đại nạn ấy, như những gì đã từng diễn ra vào năm 475.

 

Một bài học của lịch sử là tôn giáo có rất nhiều mạng và thường tái sinh. Trong quá khứ, các Đấng Chúa Trời và các tín ngưỡng đã chết và tái sinh thường xuyên nhiều biết bao! Ikhnaton đã sử dụng mọi quyền lực của một Pharaoh để tiêu diệt tín ngưỡng Amon; trong vòng một năm sau cái chết của Ikhnaton, tín ngưỡng Amon đã được khôi phục. Chủ nghĩa vô thần phát triển rầm rộ ở Ấn Độ khi Đức Thích Ca còn trẻ, và bản thân ông đã thành lập một tôn giáo không thờ phụng bất kỳ vị thần nào; chỉ sau khi Đức Thích Ca tịch diệt, Phật Giáo mới phát triển thành một hệ thống Thần Học phức tạp bao gồm nhiều vị thánh thần và bao gồm cả địa ngục. Triết học, khoa học, và giáo dục  đã tiêu diệt đền thờ các vị thần Hy Lạp, và bởi tình trạng trống trải triền miên về khía cạnh tôn giáo đó mà có sự thu hút hàng tá, hàng chục tín ngưỡng Phương Đông ngoại đạo mang theo rất nhiều huyền thoại phục sinh. Năm 1793, Hébert và Chaumette đã cắt nghĩa sai ý của Votalire mà bắt đầu việc sùng bái (một cách vô thần) và thiết lập điện thờ Nữ Thần Lý Trí ở Paris. Một năm sau, Robespierre, bởi sợ hãi cảnh hỗn loạn và được Rousseau truyền cảm hứng, đã lập nên đền thờ đấng tối cao. Năm 1801, Napoleon, vốn là một người khá thông thạo lịch sử, đã ký kết một thỏa ước với Giáo Hoàng Pius VII, cho khôi phục lại Giáo Hội Công Giáo ở Pháp. Giai đoạn vô tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII ở Anh đã chấm dứt sự  thỏa hiệp giữa Nữ Hoàng Victoria và Kitô Giáo: nhà nước đồng ý ủng hộ Giáo Hội Anh Giáo, giới trí thức sẽ bớt thể hiện sự hoài nghi của mình bởi họ ngầm hiểu rằng Giáo Hội phải chấp nhận phục tùng nhà nước, và giáo dân sẽ kính cẩn phục vụ giới quý tộc Anh. Ở Mỹ , chủ nghĩa duy lý của các vị có công sáng lập đất nước đã nhường bước cho sự phục hưng tôn giáo diễn ra trong thế kỷ XIX.

 

Chủ Nghĩa Thanh Giáo và Chủ Nghĩa Tà Giáo – một bên là sự đàn áp, kiềm chế còn một bên là sự thể hiện, phô diễn các xúc cảm và lòng ham muốn – hai thứ này luân phiên nhau khởi ra các động thái xuyên suốt dòng lịch sử. Nói chung, tôn giáo và thanh giáo thịnh hành trong những thời kỳ mà nền luật pháp còn non yếu và luân lý phải đảm nhận vai trò giữ gìn trật tự xã hội. Nếu giữ cho các yếu tố khác bất biến, chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa tà giáo sẽ phát triển khi luật pháp được tăng cường thêm sức mạnh và khi chính quyền chấp nhận sự suy vi của nhà thờ, gia đình, luân lý, mà không sợ có bất kỳ sự tổn hại nào đến sự bền vững của quốc gia.

 

Và Cuối Cùng Tôn Giáo Là Bất Tử Vì Lợi Ích Nó Mang Lại Cho Lịch Sử Là Quá Lớn

Trong thời đại của chúng ta, sức mạnh của nhà nước đã liên kết với các lực lượng kể trên để nới lỏng đức tin và đạo đức, bởi vậy tà giáo mới được dung túng để tiếp tục phát triển theo đà tự nhiên của nó. Có thể sự dung túng thái quá ấy sẽ mang lại một phản ứng khác; sự rối loạn đạo đức biết đâu sẽ khởi  ra một tiến trình phục hưng tôn giáo; những người vô thần có thể một lần nữa gửi con cái của họ vào học tại các trường Công Giáo để rèn luyện theo tác phong kỷ luật mang màu sắc tín ngưỡng (như ở Pháp sau cuộc đại bại năm 1870) Hãy cùng nghe lời hiệu triệu của Renan – triết gia theo quan điểm bất khả tri vào năm 1866:

Nào ta hãy cùng tận hưởng sự tự do trong tâm thế con cái của Đức Chúa Trời, nhưng nhớ phải thận trọng, bởi không khéo ta sẽ thành đồng lõa với thói suy đồi đạo đức. Nhỡ đâu Kitô Giáo suy vong thì tình trạng này sẽ gây họa cho toàn thể xã hội. Một mai không còn Kitô Giáo thì ta còn biết phải làm gì và sống ra sao?... Nếu chủ nghĩa duy lý muốn nắm quyền kiểm soát cả thế giới mà không màng đến nhu cầu tín ngưỡng của mỗi linh hồn, thì vẫn còn đó kinh nghiệm từ Cuộc Cách Mạng Pháp dạy cho ta bài học xương máu về hậu quả bắt nguồn từ sai lầm nghiêm trọng ấy.

Liệu lịch sử có xác nhận kết luận của Renan: rằng tôn giáo là cần thiết đối với đạo đức – và rằng một nền đạo đức tự nhiên quá yếu ớt để có thể chống chọi với cái ác tồn tại ngầm dưới lớp vỏ văn minh, cứ lâu lâu lại trồi lên, hiện hiển trong những mộng tưởng, tội lỗi chiến tranh của con người? Josheph de Maistre đã đáp lại: “Tôi chẳng rõ tâm can của một kẻ bất lương ra sao, nhưng tôi hiểu thấu tâm can của một người lương thiện: nó thật mãnh liệt, mãnh liệt đến ghê gớm”. Tính đến nay, trong lịch sử không có một ví dụ nổi bật nào về một xã hội duy trì thành công đời sống đạo đức mà không cần đến sự trợ giúp của tôn giáo. Chính quyền các nước như Pháp, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác đã ly khai, tách bạch và không còn giao kết với Giáo Hội, nhưng họ vẫn cần đến tôn giáo để duy trì trật tự xã hội. Một vài quốc gia khác không chỉ tách nhà nước ra khỏi tôn giáo mà còn cự tuyệt sự giúp đỡ của tôn giáo. Ở Nga, thử nghiệm này có thể xem là tạm thành công. Phần lớn có lẽ là nhờ người ta thấy rằng Chủ Nghĩa Cộng Sản thay cho nhà thờ đem lại hy vọng và niềm an ủi cho nhân dân. Khi một học thuyết hay lý thuyết nào đó chưa triệt tiêu được hết tình trạng đói khổ trong quần chúng nhân dân thì lúc đó chính quyền có thể lại dung túng cho việc khôi phục lại các tín ngưỡng siêu nhiên như một biện pháp giúp xoa dịu sự bất mãn. “Chừng nào còn cảnh khốn cùng thì khi ấy thần linh vẫn tồn tại”.

Tác Giả: Thần Ánh Sáng

Thay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Thần Ánh Sáng & Báo Ybox Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn.