PNO - Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ trẻ tiếp cận được các biện pháp tránh thai sẽ có nhiều cơ hội để học hành, nâng cao trình độ và cải thiện thu nhập.
Tạp chí y khoa The Lancet vừa đưa ra một con số đáng quan ngại: hơn 160 triệu phụ nữ trên khắp thế giới hiện không được đáp ứng nhu cầu tránh thai, trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm phụ nữ trẻ thuộc khu vực Nam Á và châu Phi Hạ Sahara.
Hàng trăm triệu phụ nữ trẻ vẫn chưa được tiếp cận các biện pháp tránh thai hiệu quả - Ảnh: Getty Images/iStockphoto |
Các nghiên cứu viên đã phân tích bộ dữ liệu đồ sộ được thu thập từ 1.192 cuộc khảo sát để đưa ra ước tính về tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) sử dụng các biện pháp tránh thai cũng như nhu cầu tránh thai của nhóm đối tượng này mà chưa được đáp ứng.
Việc sử dụng các biện pháp tránh thai đã tăng lên đáng kể kể từ năm 1970 nhờ sự sẵn có của các biện pháp tránh thai được xem là hiện đại, như: thuốc uống tránh thai, vòng tránh thai, triệt sản nam và nữ.
Mặc dù tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 28% vào năm 1970 lên 48% vào năm 2019, thế nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể về khả năng tiếp cận dịch vụ tránh thai.
Tính đến năm 2019, có hơn 163 triệu phụ nữ cần các biện pháp tránh thai nhưng đã không thể tiếp cận được.
“Mặc dù đã có những bước tiến vượt bậc về khả năng sử dụng các biện pháp tránh thai ở cấp độ toàn cầu kể từ những năm 1970, thế nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đảm bảo mọi phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên đều có thể hưởng lợi từ các biện pháp tránh thai, từ đó nâng cao vị thế kinh tế và xã hội”, Giáo sư Annie Haakenstad công tác tại Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, Đại học Washington bình luận.
Nghiên cứu cũng nêu bật sự khác biệt đáng kể giữa việc sử dụng các biện pháp tránh thai ở các quốc gia và khu vực khác nhau.
Châu Phi Hạ Sahara là khu vực có tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai rất thấp - Ảnh: Simon Townsley/Telegraph |
Cụ thể, Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương là những nơi có tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cao nhất (65%), với 90% phụ nữ cho biết họ được đáp ứng đầy đủ nhu cầu tránh thai. Ngược lại, châu Phi Hạ Sahara là khu vực có tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại thấp nhất (24%) và chỉ có 52% nhu cầu được đáp ứng.
Số liệu thống kê cho thấy, miền nam Sudan có tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ đạt 2% trong khi Na Uy đạt tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai cao nhất (88%).
Những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 chiếm 16% tổng nhu cầu, nhưng 27% nhu cầu của nhóm này không được đáp ứng. Con số này lên tới 43 triệu phụ nữ trẻ không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai, theo thống kê được thực hiện năm 2019.
“Nhóm phụ nữ này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Bởi trì hoãn sinh con có thể giúp phụ nữ tiếp tục được đi học hoặc có được các cơ hội đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng để phục vụ công việc cũng như thăng tiến trong nghề nghiệp, Giáo sư Haakenstad nói.
Theo vị chuyên gia về sức khỏe sinh sản này thì đây chính là tác động tích cực đến các lợi ích kinh tế và xã hội kéo dài trong suốt cuộc đời của phụ nữ, và là động lực cần thiết để hướng tới một mức độ bình đẳng giới cao hơn.
Cần đa dạng hóa các biện pháp tránh thai dành cho phụ nữ - Ảnh: Milenio |
Một yếu tố chính dẫn đến tình trạng nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng chính là sự thiếu đa dạng trong các biện pháp tránh thai.
Ở châu Á, triệt sản phụ nữ chiếm hơn một nửa số biện pháp tránh thai được sử dụng, trong khi ở các nước có thu nhập cao, thuốc uống tránh thai và bao cao su chiếm ưu thế hơn.
“Nghiên cứu của chúng tôi nhận nhận thấy rằng, không nên chỉ có một biện pháp tránh thai cho tất cả phụ nữ mà cần đa dạng các biện pháp tránh thai để phụ nữ có được nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn”, Giáo sư Rafael Lozano thuôc Đại học Washington, và là tác giả của nghiên cứu cho biết.
Nguyễn Thuận (theo The Independent)
Thay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Nguyễn Thuận và Báo Phụ Nữ Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn!