PNO - Hàng chục ngàn lao động nhập cư đến từ các nước châu Á, phần lớn là phụ nữ, đang phải sống với điều kiện thiếu thốn tại các trang trại ở Hàn Quốc.
Những người phụ nữ hành nghề lặn biển trên đảo Jeju được xem là một trong những biểu trưng của hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc.
Các "haenyeo" (còn gọi là Hải nữ) và kỹ năng lặn biển để thu hoạch hải sản đại dương được truyền lại từ thời xa xưa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Những người phụ nữ lặn biển săn hải sản được xem là biểu tượng của đảo Jeju - Ảnh: Korea Herald/ANN |
Tương truyền vào thế kỷ 15, khi một vị quan mới nhậm chức đi thị sát đến hòn đảo này, ông đã vô cùng ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến những người phụ nữ địa phương mặc chiếc áo dệt bông mỏng manh dũng cảm nhảy xuống dòng nước biển lạnh ngắt để tìm bắt sản vật.
Ngay sau đó, vị quan thanh liêm đã chỉ thị không được phục vụ bào ngư và rong biển cho những bữa ăn của mình.
"Làm sao tôi có thể thưởng thức chúng khi chứng kiến những người phụ nữ tội nghiệp đó làm việc trong những điều kiện khó khăn và thời tiết khắc nghiệt như vậy chứ?".
Thực tế phủ phàng của lao động nữ nhập cư tại Hàn Quốc
Chi tiết đầy ấn tượng nêu trên đã được đưa vào một cách đầy ẩn ý trong bộ phim tài liệu sản xuất năm 2018 có tựa đề “A Greenhouse is Not a House” (tạm dịch: Nhà kính không phải là ngôi nhà để ở).
Bộ phim có thời lượng một giờ đồng hồ này do hai nhà hoạt động vì quyền của lao động nhập cư Shekh al Mamun (Bangladesh) và Jeong So-hee (Hàn Quốc) đồng đạo diễn, đã vạch trần một sự thật đáng xấu hổ về thực tế khắc nghiệt mà người dân từ nhiều quốc gia châu Á khác đang phải chịu đựng khi tham gia vào ngành nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp của Hàn Quốc.
Quang cảnh khu nhà kính tại một trang trại ở Pocheon - Ảnh: Ahn Young-joon/AP |
Như tựa đề của bộ phim tài liệu có nhắc tới, đại đa số những người nông dân nhập cư - hầu hết là phụ nữ trẻ - phải sống trong những “căn nhà kính”.
Theo đó, sau nhiều giờ làm việc liên tục với mức lương thấp, họ ăn, ngủ và sinh hoạt trong những công trình tạm bợ được dựng lên bằng các tấm bìa các-tông hoặc thùng chứa hàng bên trong một nhà kính lớn phủ nilon.
Thế nhưng, điều khác biệt lớn giữa những khu phòng với nhiều dãy nhà kính để tạo ra nhiều mảng xanh tươi quanh năm chính là những mảng màu tối tăm xám xịt của cái gọi là “ký túc xá” mà các nữ lao động nhập cư đang ở.
Lao động nhập cư, phần lớn là phụ nữ, được bố trí ở trong những "căn phòng" thiếu tiện nghi như thế này - Ảnh: Ahn Young-joon/AP |
Những khu sinh hoạt tồi tàn được che đậy dưới lớp màn màu đen tối tăm này bao gồm các phòng nhỏ, trung bình mỗi phòng có từ ba đến năm nữ công nhân chia nhau khoảng không gian sinh hoạt chung chật chội, thiếu thốn hệ thống sưởi ấm hoặc làm mát cơ bản.
Không có nhà bếp, phòng tắm, nhà vệ sinh, thậm chí một số phòng còn không được trang bị khóa cửa.
Trong bộ phim tài liệu nói trên, những người lao động nhập cư sống chui rúc trong những căn phòng thiếu tiện nghi cơ bản đó kể về những vấn đề mà họ gặp phải hàng ngày.
Thường có từ 3 đến 5 nữ lao động nhập cư sống chen chúc trong căn phòng nhỏ như thế này - Ảnh: Ahn Young-joon/AP |
Những hình ảnh thực tế này khiến người ta liên hệ đến cái chết của cô Nuon Sokkheng, 31 tuổi người Campuchia vào một buổi tối tháng 12/2020 tại một trang trại trồng rau ở thành phố Pocheon, tỉnh Gyeonggi.
Không kịp chờ đến ngày đoàn tụ với gia đình ở Phnom Penh chỉ trong 3 tuần tới cùng chiếc vé máy bay hồi hương đã được mua sẵn, người phụ nữ xấu số này đã được tìm thấy nằm bất động trong căn lều chật chội thiếu máy sưởi của mình giữa đêm khuya khi nhiệt độ giảm xuống mức -18°C.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho rằng, biến chứng của căn bệnh xơ gan là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của cô Nuon Sokkheng. Thế nhưng, không phải là không có ý kiến cho rằng, điều kiện sống tồi tệ đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cô, và cuối cùng là cái chết cô độc trong căn lều nhỏ, khác hoàn toàn với những gì mà cô gái người Campuchia này được nhìn thấy trước đó qua các bộ phim truyền hình Hàn Quốc được chiếu trên TV ở đất nước cô trước đó.
Nhà vệ sinh tạm bợ được dựng lên bên ngoài khu nhà ở của những lao động nhập cư - Ảnh: Ahn Young-joon/AP |
Góc khuất bên trong các trang trại lá tía tô
Tuy nhiên, Nuon Sokkheng chỉ là một trong hơn 58.000 người lao động nhập cư đến từ 16 quốc gia châu Á khác đã đến Hàn Quốc hàng năm bằng visa E-9, là diện visa dành cho các lao động phổ thông làm việc tại Hàn Quốc.
Dựa trên các nghiên cứu thực địa ở Hàn Quốc và Campuchia cùng những cuộc trò chuyện với 40 công nhân nhập cư và 20 chủ trang trại Hàn Quốc, nhà hoạt động xã hội Woo Choon-hee đã tìm hiểu và thảo luận với họ về cuộc sống hàng ngày của những người nước ngoài làm việc trong các trang trại lá tía tô ở một số tỉnh tại Hàn Quốc.
Một nữ lao động nhập cư người Campuchia đang đứng tại khu nông trại trồng rau ở thành phố Miryang, tỉnh Gyeongsangnam-do - Ảnh: Anthony Kuhn/NPR |
Theo giải thích của cô Woo thì tía tô là một loại cây trồng phát triển nhanh, vì vậy cần nhiều lao động quanh năm. Những người lao động nhập cư rất thích công việc này vì tính thường xuyên giúp họ có thêm thu nhập. Loại cây này cũng mang lại lợi nhuận lớn cho các chủ trang trại vì họ có thể tận dụng được nguồn lao động giá rẻ từ những người lao động nhập cư nước ngoài, vốn rất dồi dào.
Do đó, các trang trại trồng và thu hoạch lá tía tô đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện ngày càng nhiều của lao động nước ngoài bổ sung vào lực lượng lao động nông nghiệp nội địa đang ngày càng sụt giảm.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, bên cạnh điều kiện sống thiếu thốn và khắc nghiệt thì hầu hết các lao động nhập cư người nước ngoài đều làm việc quá sức và được trả lương thấp mà không dám đòi hỏi gì thêm từ các chủ trang trại. Chưa kể, để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp, các cơ quan quản lý của Hàn Quốc còn tạo ra các “hàng rào kỹ thuật” khiến người lao động trên thực tế không thể rời bỏ người sử dụng lao động ngay cả khi họ bị lạm dụng sức lao động và bị đối xử tệ.
Chẳng hạn như, trong khi hợp đồng quy định thời gian làm việc hàng ngày là 11 tiếng đồng hồ cùng với 3 giờ nghỉ ngơi, thế nhưng hầu hết người lao động nhập cư phải làm việc nhiều hơn thế với thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi. Họ được trả mức thù lao thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định cùng với tình trạng nợ lương, chậm lương xảy ra một cách phổ biến.
Nữ lao động nhập cư người Campuchia đang làm việc bên trong trang trại lá tía tô ở tỉnh Gyeongsang - Ảnh: Woo Choon-hee/Korea Times |
Theo nhà hoạt động xã hội Woo Choon-hee, chính phủ Hàn Quốc cần xem xét và có các biện pháp kịp thời nhằm giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong ngành nông nghiệp nước này càng sớm càng tốt, trước khi hình ảnh quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực trước con mắt của cộng đồng quốc tế.
Nguyễn Thuận (theo Korea Herald, AP, NPR)
LINK gốc: https://www.phunuonline.com.vn/hon-non-bo-nam-trong-du-an-da-duoc-quang-ninh-phe-duyet-a1470777.html
Thay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Nguyễn Thuận và Báo Phụ Nữ Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn!