Tính nam – Tính nữ: Những tiêu chuẩn tưởng tượng

 

Hình ảnh: https://spiderum.com/

Những vấn đề của cặp nhị nguyên giới tính nam-nữ

Vào tháng 9 năm 2020, trong mục Điểm tuần của VTV24 với tiêu đề Chuyện đánh ghen và nói tục[1], BTV Việt Hoàng bình luận về sự việc đánh ghen xảy ra vào thời điểm đó như sau:

“Cuộc chiến sức mạnh để giành bạn tình vốn là nét đẹp của tự nhiên. Và bản năng đó vẫn tồn tại ở cả loài người. Nhưng khác với thế giới động vật, nơi những trận chiến chủ yếu dành cho những quý ông. Công khai và sòng phẳng. Thì ở xã hội chúng ta, lại thường xuất hiện giữa những quý bà. Lén lút và bất ngờ.”

Chuyện đánh ghen và nói tục được cho là ngầm ẩn nhiều thông điệp định kiến giới tính. Tại bình luận trên, có thể thấy rõ ràng rằng trong khi tính nam (masculinity), đại diện bởi hình ảnh “quý ông”, được gán với sự sòng phẳng và công khai, thì tính nữ (femininity), đại diện bởi hình ảnh “quý bà”, được cho là có những đặc tính như bất ngờ và lén lút.

Nhận định về định kiến có tính chất giới như trên không phải là không có căn cứ. Trong suốt lịch sử của văn học và văn hoá, những định kiến như vậy là rất phổ biến. Tác phẩm Orientalism[2] của học giả văn hoá Edward W. Said, phê phán dự án “khai phá văn minh” đầy bạo lực của thực dân phương Tây đối với vùng Cận Đông, chỉ ra chiến lược áp đặt tư tưởng thuộc địa phổ biến là gán phương Tây với sự nam tính và phương Đông với sự nữ tính. Sự nam tính ở đây ám chỉ tính chất duy lý, chủ động và tiến bộ, ngược lại với sự duy cảm, bị động và nhục dục, được cho là thuộc về sự nữ tính.

Thái độ trước chuyện đánh ghen của hai giới cũng đầy định kiến:

Chuyện nữ giới đi đánh ghen được dân gian xem như chuyện nội tình lục đục của một gia đình. Trong bức tranh Đông Hồ Đánh ghen, bối cảnh của cuộc đụng độ giữa hai người phụ nữ bị gói gọn trong quang cảnh sân vườn của một gia đình quyền thế với bức bình phong và cây cổ thụ. Người vợ búi tóc vì không muốn người kia nắm được tóc của mình, cầm kéo chĩa vào đối thủ vì người xưa quan niệm kỵ nhất là đàn bà bị cạo đầu bôi vôi. Người tình nhân thì ngang nhiên loã lồ thân thể, thể hiện thái độ khiêu khích trong sự bảo vệ của người chồng. Điều đặc biệt nhất là trong bi kịch gia đình diễn ra toàn bộ trước mắt người con trai như vậy, người chồng vẫn không ngần ngại đặt tay lên bầu ngực của bồ.

Nam giới đánh ghen, trong khi đó, được mô tả dưới dạng một trận đánh truyền thuyết đầy tính anh hùng ca. Thuỷ Tinh mang sính vật đến sau, không được trở thành con rể của vua Hùng, bèn đem quân đi đánh ghen với Sơn Tinh – người đến trước. Hai người đàn ông tranh giành nhau một người phụ nữ, tình cờ lại có sức mạnh thần thánh có thể dời non lấp biển. Vì vậy, trận đánh của họ trở thành phép ẩn dụ ám chỉ cuộc đụng độ nhiều thiên nhiên kỷ giữa con người với thiên nhiên.


Hình 1: Tranh Đông Hồ “Đánh ghen”.

Hình 2: Đại chiến Sơn Tinh Thuỷ Tinh, tranh minh hoạ trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, tập 1.

Khi nói về các cặp nhị nguyên nam-nữ, nam tính-nữ tính, chúng ta thường hay hiểu rằng hai thành tố trong các cặp này có vị trí ngang bằng nhau và tồn tại độc lập với nhau. Tuy vậy, trong bài phỏng vấn Choreographies[1] giữa nhà báo Christie McDonald và triết gia Pháp Jacques Derrida, Derrida cho rằng trong một xã hội phụ hệ – hệ thống xã hội thống trị ở hầu hết các khu vực trên thế giới, người nam và tính nam là những yếu tố được đặt ở trung tâm; trong khi đó, người nữ và tính nữ bị gạt ra ngoài lề, trở thành “kẻ khác”. Tính nam định vị chính mình thông qua “kẻ khác”, định nghĩa chính mình thông qua cái không phải là mình. Ví dụ, nam tính được coi là không ủy mị, không dễ dàng bộc lộ cảm xúc.

Tuy nhiên, nhận định này vẫn chưa đầy đủ. Trong cuốn sách Masculinities[2] của nhà xã hội học R. W. Connell, tính nam không phải một phạm trù đơn nhất. Nội trong tính nam có thứ tự quyền lực của nó:. Một loại nam tính bá quyền đang lề hoá các loại nam tính khác.

Hai câu chuyện trên là minh chứng rõ ràng cho việc định kiến giới là một vấn đề đã được bồi đắp và kiến tạo thông qua văn học và văn hoá trong suốt hàng ngàn năm. Vì vậy thật khó để đương đầu và chiến thắng nó chỉ trong một vài thập kỷ gần đây khi các phong trào Nữ quyền giành được vị trí của mình trên vũ đài chính trị. Là một vấn đề lâu năm, tuy nhiên không có nghĩa rằng định kiến giới xuất phát từ bản chất tự nhiên của giới tính nam-nữ.

Định kiến giới xuất phát từ bản thân sự tồn tại của các cặp nhị nguyên nam-nữ, nam tính-nữ tính. Chúng ta thường hay hiểu hai thành tố cấu thành nên một cặp nhị nguyên có vị trí ngang bằng nhau và tồn tại độc lập với nhau. Tính nam cân bằng với tính nữ, người nam và người nữ tồn tại độc lập và được định vị bởi những bản chất tự nhiên cố định. Lập luận này làm lộ ra vấn đề rằng với toàn bộ sự khác biệt giữa nam và nữ như vậy, ta sẽ không thể so sánh tính chất và phẩm chất của hai giới dựa trên cùng một hệ quy chiếu. Ta sẽ không thể nói phẩm chất A của người nam đối lập với phẩm chất B của người nữ. Ta sẽ không thể nói người nam giỏi việc X hơn người nữ, và ngược lại, người nữ giỏi việc Y hơn người A.

Nam-nữ, nam tính-nữ tính không phải những phạm trù có vị trí cân bằng với nhau. Trong bài phỏng vấn Choreographies[3] giữa nhà báo Christie McDonald và triết gia Pháp Jacques Derrida, Derrida cho rằng trong một xã hội phụ hệ, người nam và tính nam là những yếu tố được đặt ở trung tâm; trong khi đó, người nữ và tính nữ bị gạt ra ngoài lề, trở thành “kẻ khác”. Tính nam định vị chính mình thông qua “kẻ khác”, định nghĩa chính mình thông qua cái không phải là mình.

Cấu trúc trung tâm-lề như trên rất khó bị lật nhào và xoá bỏ, vì nó đã bám rễ vào toàn bộ lịch sử tư tưởng. Yếu tố trung tâm thường được gắn liền với tự nhiên, chân lý, tiêu chuẩn và cái đẹp; yếu tố lề bị định nghĩa bởi trung tâm, bị bỏ qua, đàn áp, bị cho là yếu tố phụ không quan trọng. Giống như trong phóng sự của VTV24, tính nam được gắn liền với nét đẹp của tự nhiên – công khai và sòng phẳng, còn tính nữ bị mô tả với sự dị biệt và có tính vấn đề – lén lút và bất ngờ.

Derrida vì thế nhận định, khi một người phụ nữ đứng lên và đối đầu trực diện với tính nam, cô ấy vẫn tự gieo mình vào cấu trúc trung tâm-lề, tự định vị mình là yếu tố khác so với tính nam, từ đó công nhận quyền lực cấu trúc của tính nam.

 

Nam tính bá quyền

Nam tính bá quyền (hegemonic masculinity) là thuật ngữ được sử dụng bởi nhà xã hội học R. W. Connell. Trong cuốn sách Masculinities[4] của tác giả, tính nam không phải một phạm trù đơn nhất. Có thể nói sự bá quyền của nam tính đang lề hoá nữ tính, nhưng nhận định này là chưa đủ. Nội trong tính nam có thứ tự quyền lực của nó. Một loại nam tính bá quyền còn đang lề hoá các loại nam tính khác.

Trong khám phá về thứ bậc quyền lực của các loại tính nam, Connell chia tính nam thành 3 bậc: Nam tính bá quyền, nam tính thứ cấp (subordinated masculinity) và nam tính lề hoá (Marginalized masculinity).

Nam tính bá quyền được Connell định nghĩa là hiện thân của một tập hợp các thực hành xã hội mang tính giới có tác dụng duy trì quyền lực của người nam đối với người nữ, và bảo tồn chế độ phụ hệ. Kiểu nam tính này trùng khớp với hình dung của xã hội phụ hệ về một người đàn ông hoàn hảo trên cả phương diện ngoại hình và phẩm chất. Nam tính bá quyền thường trùng khớp với hình ảnh của người đàn ông phương Tây xuất hiện trong các bộ phim hành động, với cơ bắp, hình xăm, có gia đình hoặc trong các mối quan hệ với nữ giới, điêu luyện trong chuyện giường chiếu, v.v.

Nam tính thứ cấp ám chỉ những người đàn ông có ngoại hình và phẩm chất thiên tính nữ. Họ thiếu sự hấp dẫn về mặt tình dục so với những người có nam tính bá quyền. Nam tính thứ cấp thường trùng khớp với hình ảnh của người đồng tính và người thuộc nhóm LGBTQ+ da trắng.

Nam tính lề hoá chỉ những người đàn ông có xuất thân thuộc nhóm sắc tộc, chủng tộc không phải da trắng. Họ thường xuyên bị mô tả là suy nhược, yếu đuối và kém hấp dẫn hơn hai nhóm phía trên.

Cả ba loại nam tính này, mặc dù đứng ở các vị trí quyền lực khác nhau, song đều được sử dụng để áp đặt sự thống soát lên người phụ nữ, và lên tính nữ. Có thể thấy rất rõ ràng rằng người đàn ông được xếp vào nhóm nam tính bá quyền là người đàn ông hoàn toàn không mang tính nữ. Các nhóm nam tính yếu thế hơn thường được gán với những đặc điểm nữ tính hơn.

Connell nhấn mạnh với chúng ta rằng xét về mặt tự nhiên, tính nam và tính nữ hoàn toàn là những khái niệm không có thật. Chúng là những giá trị xã hội được gán vào thực hành của con người cốt để phân loại dân số vào các nhóm quyền lực khác nhau, từ đó trật tự của chế độ nam quyền được bảo tồn và trao thẩm quyền mạnh mẽ.


Nguồn ảnh: pinterest

Cụm từ bá quyền (hegemony) được Connell mượn của triết gia Marxist người Ý Antonio Gramsci. Bá quyền không có nghĩa là nhóm này sử dụng bạo lực vật lý lên nhóm khác để duy trì quyền lực của mình. Ở đây, quyền lực của một nhóm có được sự đồng thuận và thoả hiệp của số đông trong xã hội thông qua những thiết chế công cộng và thiết chế văn hoá như trường học, bệnh viện, toà án, báo chí, v.v.

Tính chất áp chế dựa vào sự đồng thuận như vậy khiến cho thứ bậc quyền lực phía trên rất khó bị xê dịch.

Nữ tính bá quyền

Phê phán công trình của Connell thiếu vắng sự quan tâm đến tính nữ, nhà xã hội học giới tính Mimi Schippers đã viết về khái niệm nữ tính bá quyền (hegemonic femininity). Trong công trình Recovering the feminine other: masculinity, femininity, and gender hegemony[5], Schipper định nghĩa nữ tính bá quyền là một ý niệm trùng khớp với sự nữ tính theo nghĩa truyền thống: tính tình ngọt ngào, khiêm tốn, có ngoại hình ưa nhìn và thu hút về mặt tình dục.

Schippers nhấn mạnh, sự tồn tại của nữ tính bá quyền không thể hiện sự bình đẳng về giới. Nữ tính bá quyền không phải yếu tố nhị nguyên tồn tại bình đẳng với nam tính bá quyền, mà nó là đòn bẩy giúp hợp thức hoá thêm một lần nữa quyền lực của nam tính và chế độ nam quyền. Khi một người phụ nữ tin vào những phẩm chất họ phải đáp ứng cốt để làm hài lòng người đàn ông, và rộng hơn là làm hài lòng xã hội, sự đồng thuận với chế độ nam quyền ngày càng được làm vững chắc.

Như vậy, mặc dù có tính chất bá quyền so với các loại nữ tính khác, nữ tính bá quyền vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ cấp so với nam tính bá quyền. Nó chính là sự thích nghi của nữ giới đối với quyền lực của nam giới. Tương tự như cấu trúc quyền lực trong sự nam tính, đứng dưới nữ tính bá quyền là nữ tính thứ cấp (subordinated femininity) và nữ tính lề hoá (marginalized femininity).

Tuy nhiên, khi cố gắng đặt tất cả các dạng thức của tính nam và tính nữ trên cùng một kim tự tháp quyền lực, ta sẽ thấy thật khó để đánh giá thứ bậc của các loại tính nam và tính nữ yếu thế. Thay vì được xếp theo một chiều dọc tuyến tính từ trên xuống dưới, Schippers cho rằng những dạng thức này có mối quan hệ phức tạp và cần được đánh giá tuỳ thuộc vào văn cảnh xã hội.

...

Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Tính nam – Tính nữ: Những tiêu chuẩn tưởng tượng - CEPEW