Khủng hoảng nam giới
Nguồn: Zingnews
Ở Mỹ, nam giới nói chung gặp khó khăn ở trường học, nơi làm việc và ngày càng ít tham vọng hơn. Xu hướng tương tự được thấy trên toàn cầu.
Trẻ em gái Mỹ có khả năng sẵn sàng đi học cao hơn 14 điểm phần trăm so với trẻ em trai ở tuổi lên 5. Đến trung học, 2/3 học sinh trong 10% đứng đầu lớp, được xếp hạng dựa theo điểm trung bình học tập, là nữ sinh, trong khi khoảng 2/3 có điểm kém nhất là nam sinh.
Năm 2020, không có tổng biên tập nam nào tại các tạp chí luật của 16 trường luật hàng đầu Mỹ, theo The New York Times.
Trong thị trường lao động, cứ 3 đàn ông Mỹ có bằng tốt nghiệp trung học thì có một người thất nghiệp. Sự sụt giảm việc làm nhiều nhất là ở nam giới 25-34 tuổi.
Những người đàn ông tham gia lực lượng lao động vào năm 1983 sẽ kiếm được ít hơn khoảng 10% thu nhập trọn đời so với những người bắt đầu sớm hơn. Trong cùng thời kỳ, thu nhập suốt đời của phụ nữ tăng 33%.
Phần lớn thu nhập mà các gia đình trung lưu Mỹ được hưởng kể từ năm 1970 là do thu nhập của phụ nữ tăng.
Mất tham vọng
Đàn ông cũng gặp khó khăn về thể chất. Nam giới chiếm gần 3/4 trường hợp “chết vì tuyệt vọng” - tự tử và sử dụng ma túy quá liều. Cứ 100 phụ nữ trung niên chết vì Covid-19 tính đến giữa tháng 9/2021 thì có 184 đàn ông trung niên tử vong.
Cuốn sách Of Boys and Men của tác giả Richard V. Reeves, học giả tại Viện Brookings (Mỹ), là cái nhìn toàn diện về cuộc khủng hoảng nam giới.
Theo đó, thứ nhất, đàn ông bị cản trở bởi hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn phụ nữ. Những cô gái ở các khu dân cư thu nhập thấp và gia đình không ổn định có thể thoát nghèo. Con trai thường ít làm được như vậy.
Ở Canada, trẻ em trai sinh ra trong các hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ vẫn nghèo cao gấp đôi so với trẻ em gái. Tại các trường học Mỹ, kết quả học tập của nam sinh bị ảnh hưởng bởi nền tảng gia đình nhiều hơn so với kết quả học tập của nữ sinh. Trẻ em trai do cha mẹ đơn thân nuôi dưỡng có tỷ lệ nhập học đại học thấp hơn trẻ em gái do cha mẹ đơn thân nuôi dưỡng.
Thứ hai, các chính sách và chương trình được thiết kế để thúc đẩy dịch chuyển xã hội thường có hiệu quả với phụ nữ, không phải nam giới. Reeves đến thăm thành phố Kalamazoo - nơi học sinh tốt nghiệp trung học được vào học miễn phí tại các trường đại học trong bang Michigan nhờ tiền tài trợ. Chương trình giúp tăng 45% phụ nữ có bằng đại học. Tỷ lệ tốt nghiệp của nam giới vẫn không đổi.
Reeves liệt kê loạt chương trình, từ giáo dục mầm non đến đại học, tạo ra mức tăng ấn tượng cho phụ nữ, nhưng không thúc đẩy học vấn của nam giới.
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Khủng hoảng nam giới - Đời sống - ZINGNEWS.VN