Nếu Đã Chọn Độc Thân, Hãy Sống Một Cách Tinh Tế
“Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra” - Picasso. Tôi nghĩ sống một mình là một món quà. Bởi chỉ khi đó, bạn mới tự do tự tại, muốn ăn gì, đi đâu hay mặc gì, chẳng ai quản cả. Khoản tiền kiếm được có thể dành hết cho việc tạo niềm vui cho bản thân. Một mình sẽ tiết kiệm khối thời gian để chăm sóc lấy mình, để sáng tạo, để làm mọi thứ mà mình yêu thích.
Nhưng. Độc thân cũng có “this" và “that". Có người nguồn năng lượng của họ bừng sáng như mặt trời. Cũng có người, lại xem cuộc sống của họ khá tuỳ tiện, thích thì ở nhà và không thích thì ra đường, vui thì đọc sách đi gym, buồn thì nhậu nhẹt bê tha đến cái phòng ngủ cũng tung toé, chẳng gấp nổi cái chăn mỗi sáng.... Cái nguồn năng lượng của những người độc thân tuỳ tiện giống như một ngọn nến vậy. Nến cháy ánh sáng le lói, cháy càng lâu thì càng cạn, cái bấc ở tâm nến cũng cháy đen dần và tiêu biến, cơn gió nhẹ thoáng qua cũng có thể thổi tắt nến bất kỳ lúc nào.
Tôi từng đọc tập truyện ngắn nổi tiếng của tác giả Murakami kể về Những người đàn ông không có đàn bà. Sách hay lắm, dù đa phần đều không có cái kết bình yên. Hôm nay tới lượt tôi kể, cũng về những câu chuyện của những người độc thân, chỉ có điều tôi không phân biệt là nam nữ hay LGBT. Tuy nhiên, tôi đảm bảo những câu chuyện của tôi sẽ tươi sáng hơn. Nếu bạn đang có mong muốn sẽ sống một mình cả đời, hay là nghe tôi kể một tí nhé!
CHUYẾN DU LỊCH “MIỄN PHÍ"
Tôi thích du lịch lắm, tất cả những đối tượng hẹn hò của tôi , 90% là “cuồng chân". Lúc "dating" tìm hiểu nhau, thay vì hỏi những câu vu vơ như: bạn thích chó hay mèo, Coca Cola hay Pepsi, BTS hay BlackPink,..., tôi lại thường tò mò “Anh có hay đi du lịch và ở nhờ nhà người quen không?”
Câu trả lời không có đúng và sai. Có người nói với tôi rằng chỉ thích nghỉ dưỡng hạng sang thôi nên chưa bao giờ ở nhờ người thân bạn bè cả. Cũng có người mê đi phượt và cũng hay ở nhờ ai đó bất kỳ (cả lạ lẫn quen) để vừa tiết kiệm vừa có thêm nhiều trải nghiệm.
Ấy vậy, có một lần tôi hẹn hò cùng anh kia, câu trả lời làm tôi đặc biệt ấn tượng: “Thật ra anh không thích ở nhà người quen lắm. Em biết đấy, việc mình ở cùng ai đó đòi hỏi mình phải làm nhiều thứ lắm. Như em gái anh đến nhà anh nhờ vài hôm, anh bắt nó phải làm đúng mọi thứ theo yêu cầu của anh: phải báo lúc nào đi, lúc nào về để anh không phải đợi cửa, phải luôn nhớ khóa nước, tắt đèn, ngủ xong gấp chăn, dọn sạch tóc và rác phòng vệ sinh, sàn toilet là phải khô,....Bản thân anh không chắc là mình có thể làm tốt những thứ đó hay không, vì vậy nếu không phải là bất đắc dĩ, anh sẽ không tiết kiệm chi phí mà bất chấp sự bất tiện của chủ nhà”.
Tôi học được rất nhiều từ người đàn ông độc thân có hơn 34 năm kinh nghiệm ấy. Cái cách mà anh ta yêu cầu người khác sống tử tế với mình và cũng yêu cầu bản thân phải biết tinh tế với người khác, đều là thứ hay ho. Hiện tại, anh đang sống tại Hàn Quốc, đã có nhà, xe và vẫn độc thân, cuối tuần tự chạy đi camping đâu đó một mình, dăm ba tháng lại bay nơi này nơi khác. Tôi hiểu tại sao anh ta độc thân và hoàn toàn xứng đáng với cuộc sống độc thân ngập tràn màu sắc ấy.
MỜI AI ĐÓ ĂN TỐI VÀO CUỘC HẸN LẦN THỨ 3
Thời điểm mới ra trường, tôi làm việc tại một công ty truyền thông và cực mến một chị đồng nghiệp. Chị năm ấy đã tầm 30, độc thân nhưng không “ế". Hằng tuần, chị sẽ dành tối thứ 5 và thứ 7 để hẹn hò còn tôi thì chị thường dành cho tôi vào sáng chủ nhật.
Có một lần, chúng tôi thảo luận trong bữa ăn trưa với vài người bạn nữa về chủ đề “Có phải mọi cuộc hẹn đều nên là đàn ông trả tiền hay không?”.
Đa phần, mọi người sẽ đồng tình với quan điểm đó, mọi người tán thành bởi đàn ông cần sự galant và họ sẽ thấy thoải mái hơn khi được là người chủ động thanh toán. Chị ngồi ậm ừ, tôi quay sang hỏi chị có phải có suy nghĩ khác hay không.
- Chị đáp: “Phụ nữ ai lại chẳng thích được mời. Vậy mọi người có nghĩ đàn ông họ cũng thế? Chị thường mời lại vào lần thứ 3 hẹn hò.”
- Tôi hỏi tiếp: “Tại sao phải đặt ra quy tắc như thế?”
- Chị cười: “Không phải quy tắc gì cả, cũng có khi là lần thứ 1, 2,3….chỉ là chị cảm thấy vui khi làm điều đó. Chị rất vui khi được ai đó mời ăn tối, và chị cũng muốn người đó được tận hưởng niềm vui đó giống như chị. Thế thôi!”
Nếu là bạn bè, chúng ta thường rất rõ ràng về mặt tiền bạc, mỗi bữa ăn cứ share tiền đồng đều là xong. Nhưng với những đối tượng hẹn hò, bạn đang mời ai đó vào lần gặp gỡ thứ mấy?
ĐỐI XỬ VỚI ĐAM MÊ CỦA MÌNH MỘT CÁCH TỬ TẾ
Tôi có 1 cậu em làm Designer. Thời sinh viên, cậu tốt nghiệp thủ khoa đấy. Nhưng ít ai biết trước đó cậu đã tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán và mất thêm vài năm để học lại Thiết kế đồ hoạ.
Sau khi ra trường, cậu về làm thiết kế cho Agency rồi lần lượt chuyển vào phòng Marketing của các công ty mỹ phẩm. Nhưng dù công việc nhiều hay ít, tôi vẫn chưa thấy cậu nhận làm thêm bất cứ dự án nào bên ngoài.
Chúng tôi đủ thân để tôi hỏi về lý do tại sao cậu không nhận việc Freelance bên ngoài như bao bạn Designer khác. Bởi cậu còn độc thân, còn cả khối thời gian rảnh rỗi để có thể “kiếm” nhiều hơn. Cậu trả lời tôi một cách đơn giản: “Mỗi ngày em đã dành tận 8 tiếng đồng để kiếm tiền với cái thứ gọi là đam mê đó rồi, nếu em dùng tận 10 tiếng, 12, 14 tiếng thì hẳn là em đối xử tệ với cái đam mê của mình quá!”.
Thú vị đúng không? Tôi còn chưa nghĩ tới khoản đó, nhưng tôi cũng từng trải qua giai đoạn tôi dùng hết sức bình sinh để viết lách kiếm thêm và tôi từng ngán ngẩm trước cái thứ mà tôi đam mê nhất - viết lách.
Cũng có một đoạn khá hay ho có liên quan đến chủ đề này mà tôi đọc được trên mạng: “Có lẽ sự tử tế nhất bạn có thể làm cho đam mê của mình là đừng kiếm tiền bằng nó. Tất nhiên sẽ luôn có vài kẻ may mắn hay quá giỏi để có thể vừa sống đúng với sở thích, vừa không bị đồng tiền tha hoá nó. Nhưng với phần lớn, khi phải phục vụ cho ham muốn cho người khác, bạn sẽ luôn phải hy sinh mong muốn của mình….Trẻ con có thể thích được vô số thứ (nó có thể ăn cả siêu thị), nhưng người lớn lại hay mắc kẹt trong những cá tính của mình (tớ chỉ có thể ăn món này, nghe nhạc này, yêu mẫu người này, đọc loại sách này...) - trích Minh Đào.
Trang Medium từng đăng tải bài viết với tựa đề “Be Careful What You Get Good At” (tạm dịch: Hãy cẩn thận với những gì bạn giỏi) và câu nói này cũng là câu thoại khá nổi tiếng của Rush Cohle “. Có một nghịch lý rằng khi tìm được một công việc đúng chuẩn “gu" thì công việc ấy lại không mang lại nguồn tài chính quá lớn. Một công việc kiếm rủng rỉnh hơn thì thường trái với “khẩu vị". Life’s barely long enough to get good at one thing. So be careful what you get good at. (Source: S1.Ep7: After You've Gone).
ĐI PHỎNG VẤN DÙ CHƯA CÓ Ý ĐỊNH CHUYỂN VIỆC
Tôi có một nhóm bạn LGBT, trong số đó có 1 anh gay lớn hơn tôi 2 tuổi. Chúng tôi 1 năm gặp nhau 2 lần để đi camp vào tháng 3 và tháng 10. Người anh ấy thường xuyên đi phỏng vấn việc làm lắm. Tôi hỏi anh chẳng ngại việc nếu lỡ chẳng may đồng nghiệp và cấp trên của anh biết tin à? Anh bảo tôi giơ 4 ngón tay lên, anh gập từng ngón tay tôi cho từng lý do hết sức thuyết phục:
Anh sẽ trao đổi thẳng nếu cấp trên thắc mắc về lý do anh đi phỏng vấn. Anh chỉ muốn thường xuyên được tiếp xúc để cập nhật liên tục môi trường lao động bên ngoài đang yêu cầu những gì để cải thiện bản thân.
Anh cũng cần một lý do để chứng minh bản thân mình hoàn toàn có năng lực, và nếu anh được đánh giá cao, công ty nên xem xét để review đánh giá nếu muốn giữ chân anh.
Anh luôn làm hết trách nhiệm của mình ở công ty này, chẳng có lý do gì để sa thải anh chỉ vì 1 buổi phỏng vấn. Nếu thật sự sa thải anh vì việc phỏng vấn, anh nghĩ anh cũng chẳng hợp làm việc cùng người lãnh đạo có tư duy như thế.
Mặt khác, anh luôn tin rằng vũ trụ cho ta nhiều cơ hội, tại sao anh cứ ngồi im mà không đi gõ cửa xem cơ hội của anh nằm ở đâu.
Câu chuyện ấy sẽ khó xảy ra đối với một người đã lập gia đình, vì họ cần sự ổn định. Nhưng đối với một người độc thân, tôi nghĩ tư duy ấy cũng là một cách tử tế với “tương lai" của mình.
KẾT
Chuyên gia tâm lý Venka de Rooij tại trường London College of Hypnosis, cho biết: “Những người bị cô đơn dễ tăng cholesterol máu, tiểu đường, lo âu và trầm cảm hơn những người không cô đơn”.
Còn bác sỹ tâm lý Fran Walfish thì nhấn mạnh, “Cảm giác hiu quạnh tạo cơ hội cho một người có thời gian để suy nghĩ. Nhưng những suy nghĩ này thường mang chiều hướng tiêu cực. Một người bị bủa vây bởi suy nghĩ tiêu cực dễ mắc những bệnh về tim. Triệu chứng tiền đề gồm tim đập nhanh, ra mồ hôi hột, đau ngực…”
Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thuận giữa những người bị cô đơn kinh niên và tỉ lệ mắc bệnh mãn tính như huyết áp cao, béo phì, hệ miễn nhiễm kém, lo lắng và Alzheimer’s. Họ cũng tìm đến những thói quen xấu cho sức khỏe, như hút thuốc, nghiện rượu và ăn uống thực phẩm béo vô điều độ, như một phương thức giải sầu.
Thật ra đứng trên phương diện khoa học, đời sống sức khoẻ thì độc thân/cô đơn một mình không mấy được khuyến khích. Thậm chí tất cả những bài viết của tôi trước giờ, tôi đều cổ vũ mọi người hãy “yêu” đi. NHƯNG MÀ, yêu ai đó mà bạn cảm thấy xứng đáng, là một người đúng mẫu người bạn mến thì yêu đi ngay khi có thể. Còn bằng không, yêu chính bạn cũng là một dạng của tình yêu đấy! Vậy thì, nếu bạn đang chọn độc thân, tôi hi vọng bạn "enjoy" với cuộc sống hiện tại và hãy xem những mẩu chuyện nhỏ của tôi như một chút gia vị, kiểm tra xem chúng có giúp bạn nêm nếm thêm một "xíu xiu" nào cho cuộc sống độc thân của bạn yummy hơn không nhé!
Tác Giả: Bunny
Link bài gốc: Nếu Đã Chọn Độc Thân, Hãy Sống Một Cách Tinh Tế - YBOX