Một số vấn đề về kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta hiện nay


 

GS, TS. TẠ NGỌC TẤN

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

11:02, ngày 28-07-2021

TCCS - Ở đâu có quyền lực thì ở đó có yêu cầu kiểm soát quyền lực với vai trò như một công cụ điều tiết, bảo đảm cho quyền lực được sử dụng hợp lý, hiệu quả; không bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích, dẫn đến hậu quả tiêu cực. Trong lĩnh vực chính trị, vấn đề kiểm soát quyền lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến lợi ích sống còn của một dân tộc, sự bền vững của một quốc gia, sự tồn vong của một chế độ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

Nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về kiểm soát quyền lực chính trị

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực luôn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng. Đặc biệt, từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, vấn đề kiểm soát quyền lực nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm cho sự bền vững của chế độ và sự thắng lợi của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội càng được chú trọng hơn, bắt đầu từ nhận thức về sự cần thiết, ý nghĩa, yêu cầu và phương pháp, cách tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị.

Tháng 2-1947, chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ mới trải qua hơn một năm trong khi đất nước ngổn ngang những khó khăn, thiếu thốn, phức tạp. Ngay từ thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo và phê bình nghiêm khắc tình trạng “quân phiệt quan liêu”, “óc địa vị”, “tính kiêu ngạo” trong hàng ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước ở một số địa phương. Trong hai bức thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và gửi các đồng chí Trung Bộ, Người thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, những biểu hiện tiêu cực trong hàng ngũ cán bộ. Đó là tình trạng: “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân”(1). Hoặc, “có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh làm cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Còn có những đồng chí chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, đạo đức cách mệnh thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”(2). Đó là biểu hiện của thói quan liêu, đồng thời cũng phản ánh tình trạng buông lỏng, chưa có cơ chế, giải pháp kiểm soát quyền lực trong các cơ quan của chính quyền cách mạng lúc đó. Nhận thấy những biểu hiện tiêu cực ấy sẽ ảnh hưởng xấu đến sự đoàn kết nội bộ, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm cho tổ chức đảng và chính quyền suy yếu, không đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ cách mạng nặng nề và vẻ vang, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức đảng và chính quyền ở các địa phương trong cả nước phải “mang toàn bộ tinh thần cách mạng” mà sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đó. Người chỉ rõ, một trong những nội dung phải thực hiện nhằm khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đó là: “Trong các cơ quan chỉ huy, chọn người phải đích đáng, quyền hạn phải phân minh, liên lạc phải mật thiết, hợp tác phải chặt chẽ, phải tuyệt đối tránh cái lối lạm quyền, bao biện, xung đột, phù diện và suy tỵ, không phụ trách”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội (năm 1960) _Nguồn: hochiminh.vn

Đặc biệt, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh một cách cụ thể yêu cầu về công tác kiểm tra đối với cán bộ và kiểm soát trong lãnh đạo. Theo Người, việc kiểm tra công tác đối với cán bộ là “một trong năm cách đối với cán bộ”, tức là 5 phương pháp bồi dưỡng, quản lý cán bộ của Đảng. Người viết: “Kiểm tra - Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”(4). Đó là công việc nội bộ trong tổ chức, hàng ngũ của Đảng. Song với trách nhiệm là người lãnh đạo xã hội, lãnh đạo nhân dân tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, thì phải dựa vào nhân dân để làm tốt công việc kiểm soát hiệu quả lãnh đạo, đồng thời cũng là kiểm soát quyền lực của tổ chức đảng và các cán bộ, đảng viên. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, lãnh đạo đúng là cùng với việc “phải quyết định mọi vấn đề cho đúng”, “phải tổ chức sự thi hành cho đúng”, còn “phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(5). Có nghĩa là phải dựa vào dân, lấy dân làm lực lượng để thực hiện công việc kiểm soát mới có thể mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nhất quán với nhận thức về những tác hại của chủ nghĩa cá nhân dẫn đến “phạm nhiều sai lầm”, trong đó có sai lầm, khuyết điểm về lạm dụng quyền lực, mưu lợi cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, cùng với giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”(6). Những yêu cầu trên đây thuộc trong số các giải pháp, nguyên tắc xây dựng Đảng, kiểm soát những biểu hiện lạm dụng quyền lực trong tổ chức đảng và đảng viên. Trong bản Di chúc để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(7); “trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(8).

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực được thể hiện nhất quán trong nhận thức lý luận cũng như trong các chủ trương, đường lối của Đảng về lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị. Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), nhấn mạnh: “Chúng ta đã xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”(9). Báo cáo chính trị nhấn mạnh, yêu cầu mọi người bình đẳng trước pháp luật, phải tôn trọng và chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh: “Trong điều kiện đảng cầm quyền, mọi cán bộ, bất cứ ở cương vị nào, đều phải sống và làm việc theo pháp luật, gương mẫu trong việc tôn trọng pháp luật. Không cho phép bất cứ ai dựa vào quyền thế để làm trái pháp luật. Mọi vi phạm đều phải được xử lý. Bất cứ ai phạm pháp đều phải đưa ra xét xử theo pháp luật, không được giữ lại để xử lý “nội bộ”. Không làm theo kiểu phong kiến: dân thì chịu hình pháp, quan thì xử theo “lễ”. Hiến pháp quy định: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”(10). Có thể nói, yêu cầu trên đã làm rõ nhận thức của Đảng về vấn đề tôn trọng, thực thi pháp luật trong xã hội - nội dung cốt lõi của nhà nước pháp quyền, lấy pháp luật là cơ sở tối cao trong quản lý và điều chỉnh mọi hoạt động trong xã hội. Mặt khác, còn thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và kiên quyết đấu tranh nhằm loại bỏ sự lạm dụng quyền lực trong bộ máy, tổ chức Đảng và Nhà nước nói riêng, vì mục đích cá nhân vụ lợi, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) xác định đường lối chung của Đảng về xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời cũng chỉ ra phương hướng, nguyên tắc chung về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Cương lĩnh năm 1991 chỉ rõ vai trò, tính chất của Đảng, đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc xây dựng Đảng: “lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”, “liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”, “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và “tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái”. Đối với bộ máy nhà nước, Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất quyền lực, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương”. Đặc biệt, Cương lĩnh năm 1991 xác định cơ chế vận hành và kiểm soát quyền lực nhà nước, theo đó, “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”.

...

Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ve-kiem-soat-quyen-luc-chinh-tri-o-nuoc-ta-hien-nay