Thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay

 

(Hình ảnh: Mr.Linh's adventures)

(LLCT) - Quyền của phụ nữ là một vấn đề mang tính thời đại. Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung. Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới cũng hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền cho phụ nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập của đất nước hiện nay. Thực trạng thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu song cũng còn nhiều rào cản khó khăn. Bài viết trình bày những vấn đề lý luận chung về quyền chính trị của phụ nữ và có những đánh giá ban đầu về việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ Việt Nam hiện nay.

1. Quyền chính trị của phụ nữ trong văn kiện quốc tế và pháp luật Việt Nam

* Các văn kiện quốc tế về quyền chính trị

Đề cập đến vấn đề quyền phụ nữ và quyền chính trị của phụ nữ, trên thế giới đã có một hệ thống các văn kiện mang tính tổng quát cũng như các văn kiện liên quan đến những vấn đề cụ thể, trong đó có các văn kiện quy định rõ ràng về quyền chính trị của con người và quyền chính trị của phụ nữ.

Hoạt động chính trị là các hoạt động nhằm ảnh hưởng tới các quyết định của nhà nước, của tổ chức xã hội mà trong đó mình là thành viên. Khi đó, chính trị trở thành quyền và lợi ích của mọi thành viên và của toàn xã hội. Hay nói cách khác, chính trị là tất cả các hoạt động, các vấn đề liên quan đến quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề chung và cũng là trung tâm, đó là giành, giữ và sử dụng quyền lực chính trị. Tuy nhiên, quyền lực đó cần được giới hạn bằng hiến pháp và các đạo luật để nó không thể xâm phạm trở lại quyền cá nhân của con người.

Từ đó, ta cần hiểu quyền chính trị của con người hay quyền con người về chính trị là những nhu cầu, lợi ích chính trị tự nhiên, vốn có và khách quan của con người, được ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ trong luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia(1).

Quyền chính trị của con người đã được nhắc đến trong các văn bản pháp lý quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc - 1945, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) - 1948, Công ước quốc tế về quyền chính trị của phụ nữ - 1952 và được thể hiện tập trung trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) -1966.

Các quyền chính trị của con người đã được nêu ngay trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) - 1948 bao gồm:

- Quyền tự do ý kiến và biểu đạt, được tự do giữ quan điểm của mình. (Điều 19).

- Quyền tự do lập hội và không bị ép buộc vào bất cứ hiệp hội nào. (Điều 20)

- Quyền tự do hội họp một cách hòa bình. (Điều 20)

- Quyền được tham gia vào đời sống chính trị. Theo điều này, mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình một cách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đại diện và họ được lựa chọn. (Điều 21)

Các quyền trên đều được tái khẳng định, cụ thể hóa trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) -1966(2).

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 đã nêu hai quyền cơ bản và khái quát của công dân Việt Nam là: “tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6); “tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 7). Trong đó, quyền chính trị quan trọng hàng đầu của công dân mà Hiến pháp 1946 quy định là “quyền được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7) và quan trọng hơn,Hiến pháp 1946 cũng nói rõ việc tham gia đó “không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo” (Lời nói đầu Hiến pháp 1946).

 Hiến pháp 1959 đã kế thừa và bổ sung những điều cụ thể hơn về quyền chính trị của công dân Việt Nam. Trong đó có quyền bầu cử và ứng cử một cách bình đẳng, quyền bãi miễn, quyền khiếu nại và tố cáo cũng như nhấn mạnh việc bảo đảm tính pháp lý cho các quyền chính trị của công dân Việt Nam.

Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân như một nguyên tắc hiến định của việc xác lập các quyền của công dân. Các bản Hiến pháp cũng quy định thêm quyền chính trị mới là quyền tham gia quản lý các công việc của Nhà nước và xã hội; đồng thời quy định cụ thể và rõ ràng hơn về các quyền chính trị cũng như sự bảo đảm của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện các quyền chính trị của công dân một cách nghiêm túc và công bằng nhất(3).

Đặt trong bối cảnh về bình đẳng giới thì quyền chính trị của phụ nữ là một trong những quyền con người quan trọng nhất của phụ nữ được hiến pháp và pháp luật bảo vệ, nó xác lập năng lực pháp lý bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong việc tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào quản lý nhà nước và xã hội.

Đặc điểm của quyền chính trị của phụ nữ:

Xét mối tương quan quyền chính trị của phụ nữ với các quyền khác của con người và giữa các xã hội khác nhau, có thể rút ra các đặc điểm về quyền chính trị của phụ nữ như sau:

- Quyền chính trị của phụ nữ là yếu tố xác lập vị thế bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong đời sống chính trị - xã hội. Chỉ thông qua đó, phụ nữ mới được bảo đảm cho sự tham gia vào quá trình ra các quyết định gắn liền với quyền và nghĩa vụ của họ trên mọi lĩnh vực. Đây là sự bình đẳng về thực chất.

- Quyền chính trị của phụ nữ là hình thức pháp lý thể hiện bản chất dân chủ và bình đẳng của xã hội. Sự tham gia của phụ nữ vào các cấp ra quyết định sẽ bảo đảm cho những chính sách của nhà nước có sự cân bằng về giới hơn, điều đó cũng phản ánh sự dân chủ trong xã hội.

Theo Hiến chương Liên Hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, việc thực thi quyền chính trị của phụ nữ phải được bảo đảm dựa trên 3 nguyên tắc: bình đẳng, không phân biệt đối xử và trách nhiệm quốc gia. Trong đó, vấn đề trách nhiệm quốc gia sẽ bảo đảm cho sự dân chủ của xã hội với vấn đề này.

- Việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ sẽ là điều kiện thực hiện đầy đủ các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của phụ nữ vì quyền con người là một thể thống nhất 2 nhóm quyền: nhóm quyền dân sự chính trị và nhóm quyền kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thực tiễn cũng chứng minh chỉ khi phụ nữ được tham gia vào các vị trí lãnh đạo và quản lý trong xã hội thì họ mới có cơ hội để thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Do đó, quyền chính trị là quyền cơ bản và quan trọng nhất để thực hiện bình đẳng giới cho người phụ nữ.

2. Thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi việc thực hiện quyền chính trị là thước đo quan trọng nhất của bình đẳng giới. Quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị gồm quyền được bầu cử, ứng cử, tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn khoảng cách xa giữa các quyền được quy định trong luật và thực tiễn, khoảng cách chênh lệch giữa nam giới và nữ giới trong lĩnh vực này. Tỷ lệ trung bình phụ nữ tham gia trong cơ quan lập pháp của các nước chỉ chiếm 16%, đại sứ tại Liên hợp quốc là 9% và 7% trong nội các chính phủ các nước. Trong số hơn 190 quốc gia trên thế giới, chỉ có 7 quốc gia có người đứng đầu chính phủ (Tổng thống hoặc Thủ tướng) là phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội cũng là một tiêu chí về sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị. Tính đến năm 2009, chỉ có 23 quốc gia trên thế giới đạt được tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội chiếm 30% trở lên(4).

Ở Việt Nam, hàng loạt các văn bản pháp luật của Nhà nước đã được ban hành nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội và thực hiện bình đẳng giới như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.

Điều 11, Chương II, Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị: nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; Bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp...

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cũng quy định phụ nữ có quyền bầu cử, ứng cử cũng như các cơ chế để bảo đảm phụ nữ được thực hiện những quyền đó.

Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI (2002-2007), phụ nữ chiếm 27,31% trong tổng số đại biểu, khóa XII (2007-2011): 25,76%, khóa XIII (2011-2016): 24.40%(5). Đây là tỷ lệ tương đối cao qua các kỳ bầu cử Quốc hội và đã đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan lập pháp cao nhất châu Á và cũng như trên thế giới (trên 25%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nước ta cao hơn hẳn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực. Theo Liên minh các nghị viện thế giới, Việt Nam đứng thứ 37 trong tổng số 188 nước trên thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp (số liệu tính đến ngày 31-1-2011 trên cơ sở báo cáo của cơ quan lập pháp các nước).

Số liệu của trang tin Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam (thuộc Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho thấy, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta liên tục tăng lên trong thời gian qua và duy trì ở mức cao. Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam luôn có nữ Phó chủ tịch nước. Tỷ lệ phụ nữ là bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng cũng tăng lên. Tại các cấp địa phương, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân cũng tăng lên và nhiều nơi có nữ chủ tịch.

Chính phủ cũng có các cơ quan chuyên trách chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ như Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế),... Đặc biệt là Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam được thành lập từ năm 1985 với tổ chức từ trung ương đến địa phương, có chức năng, nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề liên ngành liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ.

Phụ nữ Việt Nam tham gia vào các cơ quan nhà nước: lập pháp, hành pháp, tư pháp, và còn tham gia vào các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp... Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một tổ chức chính trị rộng lớn dành cho phụ nữ hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ. Tổ chức này hoạt động rộng khắp trên cả nước từ trung ương đến địa phương và cấp cơ sở với các chi hội phụ nữ.

Trong các cấp ủy Đảng, sự tham gia của phụ nữ Việt Nam vào hệ thống chính trị cũng có sự thay đổi. Năm 2010, tỷ lệ đảng viên nữ đạt 32,8%, tăng đáng kể so với năm 2005 khi số nữ đảng viên chỉ chiếm 20,9%. Mặc dù vậy tỷ lệ đảng viên nữ vẫn thấp hơn nhiều so với đảng viên nam và sẽ dẫn tới tác động là sẽ có ít phụ nữ được đề bạt, tiến cử vào những chức vụ lãnh đạo quan trọng.

Cùng với số lượng nữ đảng viên, số lượng phụ nữ tham gia các cấp thể hiện rõ nét thực trạng sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Một thực trạng là ở cấp ủy càng cao, tỷ lệ phụ nữ giữ trọng trách càng thấp. Tỷ lệ nữ đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương và tỉnh không tăng trong vòng 3 nhiệm kỳ gần đây, ở cấp huyện và xã có tăng nhưng rất ít. Tỷ lệ nữ giữ các vị trí bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ chỉ chiếm khoảng 10% ở mọi cấp. Bên cạnh đó, dù tham gia vào cấp ủy, nhưng phần lớn các nữ ủy viên chỉ phụ trách các công việc hành chính, ít liên quan đến nhiệm vụ chiến lược(6).

Chất lượng phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị cũng được tăng lên về trình độ và năng lực quản lý. Rất nhiều phụ nữ đã trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý, nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các cơ quan mà mình tham gia. Với những tính cách ưu việt của người phụ nữ Việt Nam, rất nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trên mọi lĩnh vực với 7 mực tiêu cụ thể. Trong đó, mục tiêu 1 là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Phấn đấu cán bộ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Mặc dù, Việt Nam xếp thứ hạng cao trên thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa tỷ lệ nam và nữ, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Vẫn còn những rào cản từ phía gia đình, xã hội đối với phụ nữ khi tham gia công tác xã hội, chính trị.

Dù pháp luật không có sự phân biệt nam nữ, nhưng thực tế các quy định cho nam và nữ vẫn còn khoảng cách, bất lợi lớn vẫn nghiêng về phụ nữ. Bất bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ.

Cụ thể, số lượng cán bộ nữ trẻ tuổi còn ít, điều kiện thể hiện năng lực và phát huy vai trò còn hạn chế; vị thế lãnh đạo và quản lý chưa tương xứng với tiềm năng, chưa kịp thời khắc phục những tồn tại để có những chính sách phù hợp trong xây dựng nguồn cán bộ nữ; cán bộ nữ thường được bố trí đảm nhận các công việc liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội; việc thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ hiện nay tùy thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo từng đơn vị...

Bên cạnh đó, do sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu dẫn đến sự phân biệt độ tuổi trong quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt giữa nam giới và nữ giới; nhiều cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành còn chưa nhận thức đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ; gánh nặng công việc gia đình và những định kiến về năng lực quản lý của phụ nữ gây trở ngại đối với phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị; sự bất bình đẳng trong vấn đề tham chính của phụ nữ, có những trở lực khiến phụ nữ khi bước chân ra xã hội khó tiến thân như: cơ quan thẩm quyền thiếu quy hoạch, kế hoạch đào tạo chưa hợp lý; về phía chị em, hạn chế xuất phất từ bản tính thiếu ý chí phấn đấu, thiếu tự tin hay đố kỵ...

Cùng với đó, trong nhận thức định kiến giới còn tồn tại tư tưởng trọng nam, khinh nữ và những ảnh hưởng của nền văn hóa Nho giáo. Đây là một vấn đề thực sự cần quan tâm, không chỉ là định kiến giới của xã hội, của gia đình, của giới nam đối với giới nữ mà còn là định kiến, sự mặc cảm, tự ty của bản thân chị em phụ nữ về năng lực lãnh đạo, quản lý của chính mình hoặc sự tin tưởng của chính chị em vào năng lực lãnh đạo của lãnh đạo cùng giới. Điều này dẫn đến tâm lý an phận, triệt tiêu ý thức phấn đấu của chị em. Đây là một thách thức không nhỏ và nó đòi hỏi người phụ nữ phải vượt qua những cản ngại từ chính bản thân mình.

3. Một số khuyến nghị nhằm thực hiện tốt hơn quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam

Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung cũng như trong thực hiện Bình đẳng giới nói riêng. Các tổ chức quốc tế và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị và giải pháp để triển khai thực hiện từ tất cả các cấp, các ngành, địa phương cũng như với nhận thức của mỗi thành viên trong xã hội và chính bản thân người phụ nữ:

1- Cần có nhiều nguồn lực hơn để nâng cao nhận thức về giới cho toàn xã hội và tập trung vào việc thực hiện, giám sát thực hiện Luật Bình đẳng giới.

2- Tăng cường sự tham gia của nam giới khi giải quyết các vấn đề về giới. Điều này đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ...

3- Tăng cường các nghiên cứu phân tích và theo dõi về tình hình thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ nói chung và thực hiện quyền chính trị của phụ nữ nói riêng.

4- Quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho cả nam và nữ là như nhau theo tinh thần Công ước CEDAW.

5- Xây dựng năng lực để phụ nữ được trao quyền và tham gia vào đời sống chính trị xã hội của đất nước.


...

Đọc tiếp từ LINK gốc tại đây:Thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay (lyluanchinhtri.vn)