Bị giục đẻ

 Khi con gái khóc ngằn ngặt mà chẳng gửi được ai để đi làm, Hoa hối hận vì vợ chồng đã không bản lĩnh, bị thúc giục có con là vội đẻ khi chưa chuẩn bị kỹ càng.

Giờ con gái đã ba tuổi, chị Hồng Hoa (30 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chạnh lòng mỗi lần nghĩ đến hành trình đã trải qua, sinh con khi công việc không ổn định, kinh tế eo hẹp.

Bốn năm trước, vợ chồng chị làm đám cưới. Nghĩ mình còn trẻ, mới chuyển công tác nên chị bàn với chồng đợi một vài năm sau mới có con. Cũng từ đó, vợ chồng Hoa bị bố mẹ hai bên "khủng bố tinh thần".

Ngày nào bố chồng chị cũng gọi cho con trai, mẹ chồng gọi con dâu khuyên có cháu để "ông bà còn khỏe có người chăm giúp". "Bố mẹ có mỗi mày là con trai, tao cần đứa cháu nội", ông nói. Bố mẹ đẻ chị cũng bảo với con gái "lấy chồng phải sinh con, nhiều người vì để lâu nên bị vô sinh đấy". Mỗi lần về quê, họ hàng, hàng xóm đều hỏi "Sao chưa có bầu?". Khi chị giải thích thấy chưa sẵn sàng, chưa đủ tiền nuôi con, họ mỉa mai "nhà mày đợi nhiều tiền mới đẻ".

5 tháng sau ngày cưới, bố mẹ chồng gọi về họp gia đình. Tưởng có chuyện hệ trọng, hóa ra các cụ chỉ muốn có cháu. Các chị chồng cũng xúm vào khuyên đôi trẻ trước sau gì cũng phải sinh thì đẻ sớm để ông bà yên tâm, mình cũng không phải lo lớn tuổi, chửa đẻ khó khăn.

"Thế là chúng tôi có con dù mới cưới được nửa năm, vẫn ở trọ và trong tay không xu dính túi", Hồng Hoa nói.

Thu Hương có con sau bốn năm cưới, khi đã bỏ ngoài tai những giục giã, thúc ép của gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp

Thu Hương có con sau bốn năm cưới, khi đã bỏ ngoài tai những giục giã, thúc ép của gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp

Ở Thanh Hóa, Minh Hạnh (25 tuổi) đang sống những ngày muốn ngộp thở khi tháng thứ ba sau khi cưới vẫn chưa có bầu.

Trước khi về làm dâu, Minh Hạnh được chị gái khuyên đừng vội có em bé. Hai vợ chồng yêu nhau chưa đầy một năm, nên tận hưởng cuộc sống hai người trước khi vướng bận bỉm tã. Vợ chồng cô thấy hợp lý nên không đặt nặng chuyện phải có con ngay.

Nhưng mới đám hỏi, cô chồng đã ghé tai hỏi "có bầu chưa cháu?", thấy Minh Hạnh lắc đầu, người này cười "giờ người ta bầu rồi mới cưới". Bố mẹ chồng Hạnh bảo sắp gần đất xa trời nên muốn nhìn mặt cháu nội càng sớm càng tốt. Mẹ chồng đích thân cắt thuốc bắc để con dâu uống, bà kéo cô đi lễ cầu tự...

Thấy nhà chồng tha thiết, vợ chồng Minh Hạnh quyết định sinh con luôn. Mới qua ba tháng chưa có bầu, làng trên, xóm dưới, nội ngoại ai cũng hỏi "sao cưới lâu rồi còn chưa có con", làm cô phát hoảng. Đôi vợ chồng trẻ dù thấy sức khỏe ổn vẫn lo sợ mình hiếm muộn. Mỗi lần ai đến nhà hỏi, mẹ chồng lại thở dài bảo "chắc do con bé Hạnh lớn tuổi". "Tôi mới 27, chồng còn hơn tôi tận 5 tuổi", Hạnh nói. Tuần trước, đôi vợ chồng đi khám sức khỏe sinh sản, các kết luận đều bình thường.

Trong một khảo sát của VnExpress với hơn 200 độc giả, 38% rơi vào tình cảnh như Hồng Hoa và Minh Hạnh, mới cưới về đã bị hỏi "có con chưa", "sao đến nay vẫn chưa có".

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Viện phó Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, vẫn còn một bộ phận người Việt giữ thói quen tò mò, hỏi han đời sống riêng tư của người khác, đặc biệt chuyện có con hay chưa. Cách hỏi xuất phát từ quan niệm của người Việt Nam trước đây ăn sâu vào họ, xem con cái là phúc đức, là của để dành, có nhiều con là nhiều phúc.

Theo chuyên gia, câu hỏi về con cái thường xuất phát từ sự quan tâm thật lòng, nhưng thiếu hiểu biết và tinh tế, khiến người được hỏi khó chịu, áp lực, đặc biệt nếu họ có vấn đề về sức khỏe sinh sản.

...

Đọc bài từ LINK gốc tại đây: Bị giục đẻ - VnExpress Đời sống