Quấy Rối Tình Dục/Xâm Hại Tình Dục – Lỗi Là Ở Ai?

 


Xâm hại tình dục (XHTD) chính là những hành động dùng vũ lực đe doạ, ép buộc các nạn nhân tham gia vào các hành vi liên quan tới tình dục.  Khái niệm XHTD được hiểu rất rộng chứ không chỉ là có hành vi QHTD như nhiều người vẫn nghĩ. XHTD có thể được hiểu là hành vi tình dục không tự nguyện, trong một số trường hợp còn dùng đến vũ lực. Theo một thống kê, riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm có gần 250.000 người khai báo đã bị XHTD. 

Quấy rối tình dục (QRTD) là các hành động dùng lời nói, hành vi có tính chất không được mong muốn, chấp nhận và hợp lý gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nạn nhân. QRTD có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lứa tuổi, mọi giới tính và được thể hiện bằng nhiều hành vi khác nhau. Có những kẻ sử dụng lời nói, gạ gẫm, trêu ghẹo hoặc đe doạ, trong khi đó, có những kẻ thậm chí còn có hành vi động chạm vào cơ thể của người bị hại. QRTD bao gồm bất kì hành vi tình dục ngoài ý muốn nào - kể cả việc đụng chạm hoặc thậm chí lời nói về tình dục. 

Tội phạm XHTD/QRTD là những người thực hiện hành vi xâm phạm nhân phẩm và thân thể của người khác để thoả mãn nhu cầu sinh lý của bản thân. Tội phạm XHTD và QRTD là những kẻ đáng lên án và phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hành vi này. Tội phạm XHTD và QRTD là những kẻ có hành vi, lời nói xâm phạm đến tự do, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển về tâm sinh lý của người khác. Một sự thật đáng buồn khác, trong một cuốn sách về cách giáo dục giới tính công bố: “Trong 2/3 các vụ XHTD/QRTD, thủ phạm là người mà nạn nhân quen biết, hắn không phải là một người lạ đột nhiên xuất hiện”. Nạn nhân là những người bị thiệt hại về vật chất và tinh thần do hậu quả của những tội ác này gây ra. Nạn nhân của XHTD và QRTD thường ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính và không phụ thuộc vào ngoại hình. Nạn nhân XHTD và QRTD có thể là cả nam lẫn nữ, trong đó số nạn nhân nam chiếm khoảng 10%. Dù ở giới tính, độ tuổi nào, việc bị XHTD và QRTD luôn để lại những nỗi đau và ám ảnh không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần. Phần lớn các nạn nhân thường không dám tố cáo do bị đe doạ hoặc mặc cảm với điều tiếng xã hội. 

"Victim blaming" là hiện tượng xảy ra khi nạn nhân ở những vụ XHTD/QRTD bị kết tội là đã mời chào đối phương do ăn mặc hay hành vi không đứng đắn. Thực tế, sau mỗi vụ XHTD và QRTD, luôn có một bộ phận không nhỏ đổ lỗi cho nạn nhân - những người phải chịu tổn thương trực tiếp từ vấn nạn XHTD và QRTD mà bỏ qua thủ phạm thật sự. Trên thực tế, việc ăn mặc và vẻ ngoài của nạn nhân không đồng nghĩa với việc họ muốn - hay đồng ý việc mình bị XHTD hay QRTD. Mỗi người có quyền tự do ăn mặc và thể hiện cá tính. Cần nhìn nhận đúng rằng: việc XHTD và QRTD là hành vi CỐ Ý và là lỗi của thủ phạm, không phải là lỗi nạn nhân hay bất kì cách ăn mặc nào.

Trong một vụ QRTD/XHTD không bao giờ nạn nhân là người có lỗi, mà 100% chắc chắn lỗi thuộc về người thực hiện hành động ấy. Một câu hỏi mà dường như câu trả lời đã quá rõ ràng như thế nhưng khi mỗi khi có một vụ QRTD xảy ra mọi người lại tìm rất nhiều lý do để chỉ trích ngược lại.


Tại sao mọi người thường có khuynh hướng đổ lỗi cho nạn nhân sau những vụ việc đáng tiếc như thế? Xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân xuất phát một phần từ nhu cầu tin rằng thế giới này là bình đẳng và công bằng. Khi điều tồi tệ xảy ra với người khác, nhiều người thường tin rằng họ phải làm điều xấu nên mới chịu số phận như vậy. Các nhà tâm lý học xã hội gọi khuynh hướng này là hiện tượng thế-giới-công-bằng. Để bảo vệ “cảm giác an toàn” và niềm tin của mình, nhiều người sử dụng việc quy kết rằng nạn nhân đáng bị như vậy. Họ làm vậy để tin rằng điều đó sẽ không xảy đến với mình, miễn là họ sống tốt và không trái đạo đức. Ngoài ra, hiện tượng nay cũng đến theo hiệu ứng đám đông, khi một người quy chụp lỗi là của nạn nhân thì những người không có chính kiến dễ bị cuốn theo và tạo thành một làn sóng dư luận chỉ trích nạn nhân.

Việt Nam hiện nay đang đứng thứ 27/75 trong việc xảy ra vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục với phụ nữ (XHTD), trong đó 87% bị quấy rối ở nơi công cộng, 67% người chứng kiến hành động không có phản ứng gì. QRTD hiện nay vẫn bị coi nhẹ ở Việt Nam khi mọi người không hiểu rằng, ngay cả những lời đùa như: “trông em ngon quá” tưởng như là lời khen nhưng thực chất đó không chỉ là những lời nói vô cùng thô thiển, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác thậm chí cũng được coi như một khía cạnh của QRTD. Một trò đùa chỉ vui khi cả người đùa và người được đùa thấy vui. Đây là điều mà ai cũng biết. Một câu “đùa” là hành vi QRTD bằng lời nói khi câu “đùa” đó mang những lời lẽ có tính dục, ám chỉ hoặc trực tiếp nhắm đến một người hay thậm chí một nhóm người, và người (hay nhóm người) bị nhắm đến không đồng tình/chấp nhận hành vi, lời nói đó. Mình cũng từng chứng kiến khoảng một vài tháng trước, ca sĩ Thái Trinh cũng tố cáo trên facebook cá nhân bị QRTD bằng lời nói tục tĩu khi quay chương trình gameshow. Mình không biết Thái Trinh có được nhận một lời xin lỗi không, nhưng lúc ấy vụ việc cũng chỉ nổi cộm trong 1-2 ngày và chìm xuống trong quên lãng. 

Hay như một chiếc clip Tiktok được viral trên nền tảng này với nội dung của clip là một cô gái uống rượu say và được người bạn đi cùng đưa vào phòng với lời hứa "không làm gì cả". Tuy nhiên, sau đó tiếng kêu cứu thảm thiết của cô gái phát ra từ trong phòng, còn TikToker D.V.P trong vai người anh trai đang đứng ở ngoài đã tấm tắc đầy tự hào: "Đúng là em trai của mình”. Và sau đó chính D.V.P cũng diễn là mình đi vào, thực hiện hành vi với cô gái ấy. Đáng lẽ chiếc clip này nên nhận nhiều sự phản đối, phê phán kịch liệt ngay từ lúc mới đăng nhưng ngược lại, lúc mình xem thì chiếc clip này đã nhận được đến hơn 100k tim cùng rất nhiều comment mà đại loại nội dung như: “em này số hưởng phải biết”. Điều này làm mình thực sự rất khó hiểu về việc tại sao một chiếc clip như này lại được duyệt và xuất hiện trên một nền tảng mà khi thống kê vào cuối tháng 3 năm 2020 có 13 triệu người Việt sử dụng. Độ tuổi chủ yếu là học sinh, sinh viên từ 12-24 tuổi. Đây là độ tuổi mà nhiều em nhỏ vẫn đang trong thời kỳ hình thành nhân cách. Thử hỏi với một đoạn clip viral với nội dung sai lệch nghiêm trọng như này, liệu các em ấy sẽ có suy nghĩ, hay sẽ trở thành một người thực hiện vụ việc QRTD giống thế trong tương lai không? Tuy dù sau đó clip đã bị xoá và cũng có nhiều Tiktoker lên tiếng phản đối, nhưng vụ việc cũng đã đi quá xa và đâu đó vẫn có rất nhiều những suy nghĩ, tư tưởng lệch lạc của một bộ phận không hề nhỏ các thanh niên Việt Nam.

Mình từng được đọc một vụ việc, một bạn du học sinh Việt bên Hàn bị XHTD tập thể. Sự việc khiến mình vô cùng đau lòng khi một người bạn cũng trạc tuổi với mình gặp phải những điều kinh khủng, tồi tệ đó. Nếu như sự phẫn nộ của mình dành cho thủ phạm là 10 thì mình thực sự tức giận khi đọc những dòng miêu tả của bạn ấy lúc bị cảnh sát hỏi rằng:”Bạn có cảm giác như thế nào khi việc ấy xảy ra?”. Mình không hiểu tại sao vẫn có những câu hỏi như này đặt ra mỗi khi nạn nhân đi trình báo vụ việc với cảnh sát. Bọn mình nên có cảm xúc như nào khi vụ việc diễn ra nhỉ? Nên vui sướng, cảm thấy thoả mãn ư? Và rồi sẽ có người bảo là: “Sướng bỏ m* đi còn làm trò.” Tin mình đi, dù là QRTD ở mức độ nào, thì nạn nhân sẽ luôn cảm thấy ghê tởm, bẩn thỉu và họ tự thấy bản thân mình vô cùng dơ bẩn và chắc chắn sẽ có những vấn đề về tâm lý nhất định. 


Từng có một trend trên Tiktok ở nước ngoài về việc họ mặc gì khi bị QRTD. Đó chỉ là những bộ quần áo hết sức bình thường như áo phông, sweater, quần jeans thậm chí là đau lòng nhất là thấy những bộ quần áo trẻ sơ sinh được lưu trữ trong một bảo tàng. Dù bạn có mặc như thế nào hay thậm chí là bạn vẫn còn là một đứa trẻ chưa phát triển hết thì bạn vẫn có khả năng bị QRTD. Nên đừng bao giờ đổ lỗi cho nạn nhân vì trang phục họ mặc, rằng tại chiếc váy họ mặc ngắn quá, cổ áo sâu quá, mà họ “xứng đáng” bị QRTD. Hãy đổ lỗi cho những kẻ không có học thức, vô văn hoá, biến thái đã không biết giữ cái tay, cái mồm ở đúng chỗ. Chính họ mới là những kẻ có lỗi chứ không phải nạn nhân. 

Để đòi lại sự công bằng và nâng cao nhận thức đúng đắn về vấn nạn xâm hại tình dục, buổi triển lãm có tên "Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?" đã được tổ chức ở quận Molenbeek tại Brussels, Bỉ. Không cần nhiều lời, những gì được trưng bày đã chứng minh: Phụ nữ luôn có khả năng trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục, bất kể trang phục họ đang mặc là gì đi nữa. Tại buổi triển lãm "Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?" trưng bày 18 bộ trang phục từ các nạn nhân sống sót sau các vụ cưỡng bức - từ áo váy có phần mát mẻ cho đến những bộ cánh kín mít từ đầu đến chân.

Mình cũng là một nạn nhân của vụ việc QRTD. Và mình đã nghĩ, chắc việc ấy không xảy ra với nhiều người đâu. Nhưng sau đó, mình đã từng đọc rất nhiều câu chuyện, rất nhiều chiếc comment mọi người kể về những điều họ trải qua. Có rất nhiều người cũng đang trải qua điều mình đã/đang cảm thấy. Tưởng như cuộc sống này quá yên bình nhưng thực chất xung quanh ta vẫn có quá nhiều đau đớn, đen tối mà chúng ta không hề hay biết. Mình đã được tận mắt chứng kiến lúc ấy là mình lớp 7, khi đó đang đi bộ với bạn trên vỉa hè. Đột nhiên có một kẻ đi xe máy ngang qua và bóp ng** bạn mình (vì bạn mình ở ngoài, còn mình đi sát trong). Giữa ban ngày, người xe đông đúc, và với 2 đứa trẻ con, vậy mà vẫn có kẻ ngang nhiên làm cái trò đồi bại đấy. Tất nhiên sự việc xảy ra quá nhanh, khiến chúng mình còn không kịp định hình được chuyện gì đang xảy ra, và cũng không kịp để ý mặt mũi người vừa làm trò đó. Nhưng từ đó, bạn mình không bao giờ dám đi bộ ở ngoài mà luôn đi vào trong. Mình không biết bây giờ bạn ấy đã khá hơn chưa, nhưng mình biết để quên một việc như thế là điều không thể.

Vậy nếu cậu là nạn nhân của một vụ QRTD/XHTD thì phải làm sao? 

Thứ nhất, hãy đừng im lặng. Đừng sợ bị đánh giá, vì hãy nhớ cậu không làm gì sai cả. Việc cậu im lặng cũng sẽ khiến hung thủ còn rất nhiều cơ hội để thực hiện hành vi đó với cậu và thậm chí nhiều người khác. Nếu cậu nhún nhường một lần, rất có thể đó sẽ không phải lần đầu tiên và sẽ có rất nhiều lần sau đó. Hãy nói chuyện với bố mẹ, và tìm đến sự hỗ trợ của công an, các tổ chức cộng đồng. Chắc chắn, mọi người sẽ đứng về phía cậu, và kẻ gây ra tội ác sẽ phải chịu trách nhiệm và lên án chứ không phải cậu. 


Thứ hai, hãy chia sẽ. Đúng vậy, cậu không nên giữ tâm sự ấy một mình. Hãy tìm một ai đó mà cậu tin tưởng để kể hết những điều cậu đang cảm thấy trong lòng. Hãy để sự đau đớn được vơi bớt đi và có thể cảm thấy được an ủi. Bố, mẹ, bạn thân hay thậm chí là tâm sự với những người lạ. Mình đã từng đọc được rất nhiều tâm sự của rất nhiều bạn trên các diễn đàn. Mỗi người một câu chuyện, và dù biết có kể thì cũng sẽ không thay đổi được câu chuyện nhưng ít nhất cậu sẽ nhận lấy một chút ấm áp giữa người với người, để cậu thấy rằng cậu không hề đơn độc và một mình mà vẫn còn rất nhiều người bên cạnh cậu, giúp cậu vượt qua chuyện này. 

QRTD hay XHTD xảy ra ở tất cả mọi nơi, không trừ giới tính, độ tuổi hay màu da. Ai cũng có nguy cơ gặp phải chuyện kinh khủng này. Mình hi vọng, đất nước mình sẽ có những chế tài xử phạt mạnh hơn chứ không phải nghe những câu chuyện 200k trong thang máy. Hi vọng xã hội sẽ hiểu và thông cảm với các nạn nhân thay vì đổ lỗi cho họ mặc dù lỗi không bao giờ là do họ. Hi vọng rằng mọi người hãy học cách tôn trọng cơ thể của người khác từ cả lời nói đến hành động. Và cuối cùng, mình hi vọng sẽ có một ngày không ai phải trải qua những điều tồi tệ như thế nữa.  

Nếu các cậu cần một ai đó để tâm sự, giãi bày thì có thể tìm đến mình. Link fb mình ở dưới, hãy cảm thấy thoải mái nhé. Mình rất vui nếu như được cùng các bạn trò chuyện và giúp đỡ được các cậu bất kể điều nhỏ bé gì. 

Tác giả: Hà Trang 

Xem LINK bài gốc từ đây: https://ybox.vn/triet-hoc-tuoi-tre/quay-roi-tinh-duc-xam-hai-tinh-duc-loi-la-o-ai-60c63a402f864378327967ae