Cái đẹp nam tính và quyền lực ngôi sao

 


TTCT - Không chỉ nữ giới mới được coi là “phái đẹp”, mà đàn ông cũng là đối tượng để nhìn ngắm. Yếu tố đặc trưng này của K-drama giúp thỏa mãn khao khát giới tính sâu kín của người xem.

Trong phim ảnh truyền thống ở phương Đông lẫn phương Tây, cái nhìn (the gaze) thường được xác định với chủ thể là người nam còn “đối tượng” (object) là người nữ. Chính vì thế, phim ảnh truyền thống thường hướng sự chú ý vào cơ thể phụ nữ.

Người xem đã quá quen thuộc với các cảnh quay khoe những cái eo gọn gàng, những bầu ngực nở nang, hay làn mi cong, mái tóc xõa của người phụ nữ. Nếu như trước đây phim ảnh có mô tả ngoại hình của người đàn ông đi nữa, thì phần lớn chúng chỉ khắc họa vẻ ngoài của đàn ông như một cách để tôn lên vai trò và quyền lực của họ (ví dụ như chiều cao và thể lực vượt trội để cho thấy khả năng bảo vệ hoặc áp chế người nữ).

Thời nay, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng, truyền thông quốc tế bắt đầu chuyển hướng “cái nhìn” sang vẻ đẹp của người đàn ông. Và phim truyền hình Hàn Quốc (K-drama) nắm bắt thời cơ này đúng lúc. Trong các K-drama, ta dễ dàng bắt gặp những cảnh quay cận cảnh người đàn ông mang đậm tính “erotic” (gợi tình), như cảnh nam giới ở trần, khoe bờ vai vạm vỡ và cơ bụng sáu múi dưới vòi sen nhà tắm, hay cận cảnh đường nét gương mặt sắc sảo và làn da mịn màng của họ.

Lối khắc họa ấy thể hiện một cái nhìn mới: không chỉ nữ giới mới được coi là “phái đẹp”, mà đàn ông cũng là đối tượng để nhìn ngắm. Yếu tố đặc trưng này của K-drama giúp thỏa mãn khao khát giới tính sâu kín của người xem.

Khao khát ấy không chỉ có ở khán giả nữ, mà còn có ở khán giả nam. Nếu như người nữ ngắm nhìn “trai đẹp” trên phim để tha hồ nuôi mộng về người tình tưởng tượng, thì người nam có cơ hội thử nghiệm, ướm mình vào một bản ngã mới: đây là cách để họ khám phá và nuôi dưỡng nữ tính trong mình nhờ thế giới tưởng tượng (fantasy) mà K-drama đem tới, dù họ có bộc lộ điều đó trong cuộc sống thường ngày hay không.

Quyền lực của ngôi sao

Sức hút của “nam tính mềm” Hàn Quốc mạnh mẽ đến vậy còn là vì nó đến đúng thời điểm. Làn sóng Hàn Quốc thổi vào Việt Nam từ thập niên 1990, nhưng phải đến cuối thập niên 2000, nam tính mềm mới bắt đầu trở thành một trào lưu.

Đây chính là thời điểm kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh và chủ nghĩa tiêu dùng bùng nổ với sự xuất hiện của hàng loạt các tạp chí thời trang khuyến khích tiêu thụ (ban đầu phần lớn dành cho nữ giới, sau đó có thêm những ấn phẩm cho nam giới).

Đọc tiếp bài viết từ link gốc tại đây: https://cuoituan.tuoitre.vn/cai-dep-nam-tinh-va-quyen-luc-ngoi-sao-1440593.htm