Những câu hỏi khó cần tự hỏi nếu muốn phát triển bản thân.
Có đường tắt nào để phát triển bản thân không, kiểu sáng ngủ dậy trở thành Thánh Gióng? Xin thưa là không. Phát triển bản thân đòi hỏi một quá trình, vừa học, vừa kiểm chứng, vừa trải nghiệm, vừa hiệu chỉnh sao cho thứ mình học nó trở thành kiến thức đã được cá nhân hoá cho phù hợp với hoàn cảnh và hiện thực của mỗi người. Cũng vì vậy, kinh nghiệm và công thức của người khác chỉ là những thứ để bạn tham khảo, vì nó là kiến thức cá nhân hoá của người ta, phù hợp với hoàn cảnh của người ta. Bạn chỉ có thể tham khảo để học được những nguyên tắc chung, tránh được những gập ghềnh vốn có. Còn lại, hành trình của người nào thì chính người đó phải là người mở đường, dò đường, dấn thân hành động và hiệu chỉnh, cá nhân hoá bài học cho mình trên hành trình về phía tương lai.
Nếu tôi vẫn cứ như vầy, với những thói quen này, liệu tôi sẽ tốt hơn hay tệ đi trong 3-5 năm tới?
Này gọi là nhìn hiện tại đoán tương lai. Thật ra, tương lai chỉ là hiện tại của quá khứ thôi. Những gì bạn làm hay đầu tư vào trong hiện tại, kết quả của nó sẽ trình diễn ra trong tương lai chứ không có gì quá thần bí ở đây. Nếu bạn học và rèn luyện quản trị bản thân thì tương lai bạn sẽ trở thành người đủ bình tĩnh để hiểu mình hiểu ta, trăm trận trăm thắng. Còn nếu bạn cứ phí phạm 7-8 tiếng mỗi ngày để quẹt quẹt ngón tay cái trên màn hình thì, tương lai bạn sẽ mờ mắt, rối loạn thông tin, rối loạn sức khoẻ tinh thần, và chẳng tiến bộ miếng nào vì có học gì đâu mà tiến bộ.Những việc tôi đang làm có đóng góp cho mục đích hay giấc mơ mà tôi mong muốn, hay kỳ thực chỉ để thoả mãn yêu cầu, đỏi hỏi của người khác?
Đây là một câu hỏi khó, vì nó thách thức sự dũng cảm của mỗi người. Ai cũng nghĩ mình đang làm nhiều thứ, vì nhiều lý do, có lý do tự nguyện, có lý do bị ép buộc gói trong chiếc bao bì “hoàn cảnh”. Dù là gì, đây có lẽ là nỗi đau lớn nhất của rất nhiều người mà tôi từng gặp, có khi mất 5-10 năm, có người mất 15-20 năm, có người mất cả đời chỉ để nhận ra mình đã và đang không làm gì mình yêu thích hay mong muốn, không xếp thẳng hàng với mục đích và giá trị sống của bản thân, nhưng….