Nhìn lại tiếng nói nữ quyền trên báo chí Quốc ngữ

 

Những tiếng nói đầu tiên 

30 năm đầu thế kỷ XX là một giai đoạn đặc biệt, đánh dấu sự thay đổi trên mọi bình diện của đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam. Đó cũng là giai đoạn mà những tiếng nói đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới đã cất lên, kéo dài suốt gần 3 thập niên, cho đến khi vai trò xã hội của phụ nữ được khẳng định thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (ngày 3/2/1930) và Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (sau đổi tên là Hội LHPN Việt Nam) được thành lập vào ngày 20/10/1930.

 
Cuộc đấu tranh cho nữ quyền trên báo chí Quốc ngữ 30 năm đầu thế kỷ XX diễn ra sôi động, một phần được thể hiện trong các tựa sách được xuất bản thời gian gần đây

Một trong những tiếng nói đầu tiên về vấn đề nữ học trên báo chí Quốc ngữ đầu thế kỷ XX là của Lương Khắc Ninh. Trên Nông cổ mín đàm (số ra ngày 28/8/1902), ông viết: “Tôi xin nhà nước giúp sức lập trường dạy con gái”. Nhưng đó mới chỉ là tiếng nói đơn lẻ của một trí thức tân học. Đến năm 1907, khi Đăng cổ tùng báo ra đời, vấn đề phụ nữ mới có thêm những bài viết thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn. Chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh cùng một số trí thức cấp tiến lúc bấy giờ đã lên tiếng bảo vệ quyền bình đẳng cho nữ giới: khuyến khích phụ nữ đi học, chăm sóc bản thân, nhận thức vai trò trong gia đình và xã hội; phản đối tảo hôn, ép duyên, hôn nhân đa thê… Những góc nhìn mới mẻ này đã tạo nên một cuộc tranh luận gay gắt giữa trí thức tân học và Nho học lúc bấy giờ.

Sau Đăng cổ tùng báo, những tiếng nói đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới tiếp tục được đăng tải trên Đông Dương tạp chí (1913-1919) và các tờ báo hoạt động cùng thời điểm này: Trung Bắc tân văn, Lục tỉnh tân văn, Nam Phong tạp chí, Nữ giới chung… Tiến trình đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới có sự đóng góp to lớn của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Đạm Phương nữ sử, Đặng Văn Bảy (in sách Nam nữ bình quyền, 1928)…

 

Luôn có sự xung đột giữa tư tưởng cũ - mới trong hệ quy chiếu Đông - Tây, nhưng chính những góc nhìn tiến bộ đã tạo được ảnh hưởng tích cực. Từ việc chỉ ở chốn “khuê môn” với “tam tòng tứ đức”, một lớp nữ lưu trí thức đô thị hình thành. Họ còn xuất hiện trên công luận, bày tỏ ý kiến về những vấn đề của giới mình (qua các mục Văn nữ giới, Du ký, Diễn đàn phụ nữ, Ngôn luận cộng đồng…). Đây là điều không thể có trên báo chí Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm đầu thế kỷ XX. 

Đọc tiếp bài viết tại link gốc tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/nhin-lai-tieng-noi-nu-quyen-tren-bao-chi-quoc-ngu-a1503769.html