Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia trách nhiệm việc nhà
Dựa vào dữ liệu Điều tra Lao động và Việc làm thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và cuộc khảo sát qua điện thoại với 1.000 hộ dân tộc thiểu số ở Việt Nam vào năm 2021 có tính đại diện toàn quốc, do Trung tâm Phân tích và Dự báo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện, bài viết phân tích thực trạng tham gia việc nhà của phụ nữ dân tộc thiểu số và đề xuất hàm ý chính sách nhằm huy động trách nhiệm tham gia việc nhà của nam và nữ, đóng góp vào sự phát triển gia đình và quốc gia.
Tóm tắt
Việc nhà là những công việc như nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ và vệ sinh hộ gia đình, các hoạt động chăm sóc trẻ em và người già, chăm lo sức khỏe cho thành viên hộ, các hoạt động giáo dục, đào tạo kỹ năng trong phạm vi gia đình. Có thể nói, việc nhà là một hoạt động rất quan trọng sản sinh sức khỏe thể chất, tinh thần, tri thức cho các thành viên trong gia đình, không chỉ tác động đến cuộc sống của mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự tham gia vào thị trường lao động, đem lại tăng trưởng kinh tế cho địa phương và quốc gia. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách về việc chia sẻ trách nhiệm việc nhà giữa nam và nữ trong gia đình nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng cho các nhóm trong quá trình phát triển. Song thực tiễn vẫn tồn tại khoảng cách giới về trách nhiệm tham gia việc nhà và điều này đặt ra câu hỏi cần nghiên cứu trả lời về hiện trạng và giải pháp thúc đẩy để giảm khoảng cách giới này. Dựa vào dữ liệu Điều tra Lao động và Việc làm thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và cuộc khảo sát qua điện thoại với 1.000 hộ dân tộc thiểu số ở Việt Nam vào năm 2021 có tính đại diện toàn quốc, do Trung tâm Phân tích và Dự báo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện, bài viết phân tích thực trạng tham gia việc nhà của phụ nữ dân tộc thiểu số và đề xuất hàm ý chính sách nhằm huy động trách nhiệm tham gia việc nhà của nam và nữ, đóng góp vào sự phát triển gia đình và quốc gia.
Từ khóa: Trách nhiệm việc nhà, phụ nữ dân tộc thiểu số, khoảng cách giới, chính sách giới
Abstract:
Housework is work such as cooking, cleaning, laundry and household cleaning, child and elderly care activities, health care for household members, educational and training activities. skills within the family. It can be said that housework is a very important activity that produces physical, mental and intellectual health for family members, not only affecting the life of each family but also affecting the health and well-being of the family. participate in the labor market, bring economic growth to the local and national. Vietnam has issued many legal documents and policies on sharing housework responsibilities between men and women in the family to ensure equal opportunities for groups in the development process. However, in reality, there is still a gender gap in the responsibility of participating in housework and this raises questions that need to be researched and answered about the current status and solutions to promote to reduce this gender gap. Based on data from phone survey of 1,000 ethnic minority households in Vietnam in 2021 with a nationwide representation, conducted by the Center for Analysis and Forecasting, under the Vietnam Academy of Social Sciences. The article analyzes the current situation of ethnic minority women's participation in housework and proposes policy implications to mobilize men and women's responsibility to participate in housework, contributing to family and national development.
Keywords: Housework responsibility, ethnic minority women, gender gap, gender policy
- Đặt vấn đề
Tuy rằng bình đẳng giới luôn được đặt trọng tâm trong các chính sách phát triển của Việt Nam, nhưng bối cảnh hiện nay cho thấy bất bình đẳng đối với việc nhà không được trả công thuộc về phụ nữ. Theo định nghĩa của ILO và thống kê của Tổng cục Thống kê (dẫn theo Trung tâm Phân tích Dự báo và tổ chức CARE tại Việt Nam, 2021), việc nhà bao gồm các công việc: (1) việc lau nhà, giặt quần áo, nấu nướng, đi chợ, xay bột, phơi thịt cá cho hộ gia đình, (2) chăm sóc, giúp đỡ hoặc hỗ trợ các thành viên (từ 18 tuổi trở lên) của hộ gia đình là người tàn tật, ốm đau hoặc già yếu, ví dụ: chăm sóc, cho thuốc, giúp việc mua sắm, đưa đi khám bệnh…, và (3) chăm sóc con cái dưới 18 tuổi của hộ gia đình, ví dụ: tắm cho trẻ, chơi với trẻ, đưa trẻ đi học, chơi thể thao hoặc các hoạt động khác với trẻ, hướng dẫn, kèm cặp hoặc giúp trẻ làm bài tập, cho lời khuyên, trò chuyện… Theo cách đo lường này, bài viết này bỏ qua các việc nhà không được trả công mở rộng khác bao gồm các hoạt động nông nghiệp, xây dựng, sửa chữa công nghiệp đồ dùng… phục vụ gia đình, là những hoạt động có thể không xuất hiện trên diện rộng hoặc thường xuyên hàng ngày.
Bình đẳng giới đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra rõ nét gánh nặng việc nhà đè lên vai người phụ nữ ở Việt Nam. Việc nhà, hay còn gọi là công việc nhà chăm sóc không lương (CVCSKL), là lý do khiến 42% phụ nữ trong độ tuổi lao động ra ngoài lực lượng lao động được trả lương, trong khi con số đó ở nam giới chỉ là 6% (Oxfam, 2020). Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (2018) cũng ra báo cáo cho thấy số giờ làm việc nhà của phụ nữ trung bình cao hơn 5 giờ/ngày so với nam giới. Gần đây, Báo cáo về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 tiếp tục chỉ ra số giờ làm việc nhà: trung bình 20,2 giờ mỗi tuần đối với nữ và 10 giờ mỗi tuần đối với nam (Australian Aid, ADB, ILO, UNWOMEN, 2021). Báo cáo cho biết gần 20% nam giới cho biết không dành thời gian cho việc này. Điều này hạn chế khả năng của phụ nữ trong việc tăng giờ làm việc được trả công trên thị trường lao động. Báo cáo của Trung tâm Phân tích Dự báo và tổ chức CARE tại Việt Nam (2021)[1] cũng đã ghi nhận có tới 1/3 phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số không tham gia thị trường lao động do hoàn cảnh phải làm việc nhà. Nói cách khác, một nhóm phụ nữ đang chịu thiệt thòi không tiếp cận được các dịch vụ để giảm bớt gánh nặng việc nhà, từ đó họ có ít tự do lựa chọn cơ hội tham gia thị trường lao động một cách hiệu quả. Có thể thấy rằng, trong bối cảnh đầy thách thức của bất bình đẳng giới, cần phải nhận diện rõ hiện trạng bất bình đẳng giới để đề xuất các chính sách tạo sự bình đẳng có yếu tố nhạy cảm về giới để nữ giới tham gia vào tăng trưởng một cách hiệu quả hơn.
Bài viết này tập trung vào việc tổng hợp hiện trạng bất bình đẳng giới đối với việc tham gia việc nhà để tập trung khuyến nghị tới 2 mảng chính sách lớn tập trung cho nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)[2] - là nhóm đối tượng yếu thế cần tập trung vì mục tiêu “không bỏ lại ai ở phía sau” trong tăng trưởng bao trùm. Thứ nhất, nhóm chính sách thúc đẩy tái phân bổ lại trách nhiệm việc nhà trong gia đình. Đó chính là việc thực hiện tuyên truyền, đẩy mạnh việc san sẻ trách nhiệm việc nhà trong gia đình, giữa vợ và chồng, giữa các thành viên trong gia đình. Nhờ những chính sách này, sự tự do lựa chọn cơ hội việc làm được thúc đẩy tốt hơn cho phụ nữ, nhờ giảm bớt gánh nặng việc nhà, hay nói cách khác, bình đẳng giới đã được tăng cường và phụ nữ có thêm nhiều cơ hội tham gia vào tăng trưởng. Ở khía cạnh này, việc giảm bất bình đẳng có tác động tăng tính bao trùm của tăng trưởng. Thứ hai, nhóm chính sách thúc đẩy tái phân bổ lại giữa nhà nước và tư nhân để giảm trách nhiệm đè nặng lên nữ giới. Đó chính là việc nhà nước sử dụng đầu tư công để tăng cường các dịch vụ giúp cho nữ giới thực hiện việc nhà một cách hiệu quả hơn, tăng được thời gian tham gia thị trường lao động, từ đó tạo thu nhập tốt hơn cho gia đình. Trong số đó, có thể kể tới chính sách tăng cường hệ thống giáo dục từ mầm non để giảm bớt gánh nặng chăm sóc và dạy dỗ con nhỏ. Đặc biệt, chính sách bán trú thực hiện ở mầm non và tiểu học đã giúp giảm thời gian phụ nữ phải chăm sóc con nhỏ, và dành được nhiều thời gian hơn cho hoạt động kinh tế. Hay có thể kể tới, chính sách tăng cường hệ thống y tế, bao gồm cả việc tăng cường bảo hiểm y tế cho trẻ nhỏ, để giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế, tới hệ thống lão khoa, nhà dưỡng lão, giúp giảm thời gian phụ nữ phải chăm sóc người ốm đau, đặc biệt trẻ nhỏ ốm đau và người già trong gia đình.
- Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia trách nhiệm việc nhà
Bất bình đẳng trong tham gia việc nhà là thách thức đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số được quan sát thấy rõ rệt ở việc chăm sóc trẻ em trong gia đình. Đây chính là kết cục đan xen do ảnh hưởng chính từ bất bình đẳng vùng miền về sự phát triển các dịch vụ chăm sóc phục vụ gia đình.
Tỷ trọng dân số (chỉ xét đối với dân số trong độ tuổi lao động) không khác biệt giữa nhóm dân tộc Kinh - Hoa và nhóm dân tộc thiểu số trong việc tham gia việc nhà thường nhật và chăm sóc y tế cho thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ em có sự khác biệt 6,7 điểm % giữa sự tham gia của nhóm dân tộc Kinh - Hoa và nhóm dân tộc thiểu số (xem Hình 1). Có tới 62,2% dân tộc thiểu số dành thời gian chăm sóc trẻ em trong gia đình trong khi tỷ lệ này chỉ ở mức 55,5% đối với nhóm dân tộc Kinh - Hoa. Báo cáo tách riêng từng nhóm nhỏ trong các dân tộc thiểu số cũng càng cho thấy sự khác biệt tăng lên đáng kể nhất là với nhóm dân tộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Có thể thấy ở khu vực miền núi, nông thôn, nơi phần lớn dân tộc thiểu số sinh sống, gặp phải một rào cản là việc có ít dịch vụ việc nhà hơn so với khu vực đô thị, nơi nhóm Kinh - Hoa sinh sống chủ yếu. Theo đó, càng ở khu vực miền núi có nhịp độ chậm phát triển các dịch vụ việc nhà trên thị trường, càng tăng gánh nặng việc nhà cho nữ giới, nhất là ở công việc chăm sóc trẻ em. Vì vậy, bất bình đẳng theo giới và đối với DTTS vì thế đan xen, càng làm nới rộng khoảng cách lẫn nhau cụ thể đối với công việc chăm sóc trẻ em.
Nguồn: Điều tra Lao động việc làm năm 2020 của TCTK, Báo cáo TTPTDB và Care (2022)
Bất bình đẳng theo giới trong tham gia việc nhà trở nên rõ nét khi khoảng cách giới trong tỷ trọng dân số tham gia công việc này ở mức trung bình 7,6 điểm % gánh nặng hơn cho phụ nữ. Khoảng cách giới lớn nhất đối với nhóm phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở việc nhà thường nhật.
Dù đối với nhóm Kinh - Hoa hay nhóm DTTS đều có tỷ lệ nữ giới tham gia việc nhà nhiều hơn so với nam giới, thể hiện rõ nét ở chỉ tiêu tỷ trọng dân số tham gia việc nhà (xem Hình 2). Khoảng cách giới xuất hiện rõ nét ở việc nhà thường nhật, tiếp đó là chăm sóc trẻ em và thu hẹp lại đối với chăm sóc y tế trong gia đình. Khoảng cách giới đạt mức cao nhất 15,4 điểm % đối với việc nhà thường nhật (khác biệt giữa 93,2% dân số nữ và 77,8% dân số nam tham gia việc nhà thường nhật). Trong khi đó, khoảng cách giới này là 6,2 điểm % đối với việc chăm sóc trẻ em (khác biệt giữa 59,4% dân số nữ và 53,2% dân số nam tham gia việc nhà thường nhật). Tương tự, khoảng cách giới này chỉ ở mức 0,6 điểm % đối với việc chăm sóc y tế trong gia đình.
Nguồn: Điều tra Lao động việc làm năm 2020 của TCTK, Báo cáo TTPTDB và Care (2022)
Hình 3 cho thấy cụ thể so sánh giữa nhóm Kinh-Hoa và nhóm DTTS, khoảng cách giới tăng lên tới mức 2,7 điểm % gánh nặng hơn cho phụ nữ DTTS trong việc chăm sóc trẻ em. Có nghĩa là khác biệt theo giới rõ rệt giữa 8,7 điểm % đối với DTTS với mức 6 điểm % đối với nhóm Kinh Hoa trong khoảng cách dân số theo giới tham gia việc chăm sóc trẻ em. Đây là sự khác biệt giới giữa các nhóm dân tộc cao nhất, vượt xa so với việc so sánh đối với việc nhà bất kỳ, việc nhà thường nhật (chỉ ở mức 0,1 điểm %), hoặc đối với chăm sóc y tế (ở mức 0,5 điểm %).
Nguồn: Tính toán của tác giả từ Điều tra Lao động việc làm năm 2020 của TCTK
Bất bình đẳng theo giới thể hiện ở số giờ làm việc nhà luôn là thách thức đối với nữ giới, dù với nhóm Kinh - Hoa hay nhóm DTTS. Tính trung bình, nữ giới làm việc nhà nhiều hơn so với nam giới 8,3 giờ/tuần nhưng khoảng cách giới này tăng lên tới 10,5 giờ/tuần đối với nhóm DTTS khác (bao gồm rất nhiều các nhóm có trình độ phát triển thấp nhất).
Hình 4 thể hiện trung bình, nữ giới làm việc nhà nhiều hơn so với nam giới 8,3 giờ/tuần. Cụ thể, khoảng cách giới này là 5 giờ/tuần đối với việc nhà thường nhật, 3,7 giờ/tuần đối với chăm sóc trẻ em và 0,9 giờ/tuần đối với chăm sóc y tế. Có thể thấy không hề có sự chênh lệch khoảng cách giới khác biệt giữa nhóm Kinh Hoa và nhóm DTTS. Nhưng nếu xét theo từng nhóm nhó, có thể thấy thời gian dành cho việc nhà bất kỳ của một số nhóm DTTS như nhóm Chăm-Khmer hay nhóm DTTS khác vượt cao hơn hẳn so với nhóm Kinh - Hoa. Đặc biệt đáng lưu ý, nhóm DTTS khác (bao gồm rất nhiều các nhóm có trình độ phát triển thấp nhất) có khoảng cách giới trong thời gian làm việc nhà vượt cao nhất: 10,5 giờ/tuần đối với việc nhà bất kỳ. Nhóm dân tộc miền núi phía bắc khác (ngoài nhóm Tày – Thái - Mường - Nùng, viết tắt là DTMNPB) có khoảng cách giới trong thời gian làm việc nhà thấp nhất: 6,2 giờ/tuần đối với việc nhà bất kỳ.
Nguồn: Điều tra Lao động việc làm năm 2020 của TCTK, Báo cáo TTPTDB và Care (2022)
- Rào cản phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia thị trường lao động
Gánh nặng việc nhà chính là rào cản khiến một bộ phận không nhỏ (gần 1/3 nhóm DTTS) không tham gia thị trường lao động có lương, bên cạnh nhiều lý do khác ví dụ như hạn chế sức khoẻ cá nhân, hay không phù hợp kỹ năng.
Điều tra riêng với 53 DTTS ở cấp đại diện toàn quốc cho giai đoạn 2021 đã cho thấy 23,9% chủ hộ DTTS đang thất nghiệp vì việc nhà khiến họ không tìm được công việc có trả lương.
Nguồn: Điều tra Việc nhà của DTTS 2021 của TTPTDB, Báo cáo TTPTDB và Care (2022)
Dữ liệu toàn quốc cho thấy thời gian phụ nữ đi làm có lương chỉ bằng 76,3% thời gian nam giới đi làm có lương. Có thể thấy thách thức tham gia thị trường lao động là rất lớn đối với phụ nữ DTTS khi tỷ lệ này tăng lên tới 86% đối với nhóm này.
Hình 6 cho thấy thời gian phụ nữ dành cho việc làm có trả lương chỉ bằng 76,3% thời gian dành cho việc làm có trả lương của nam giới. Ở mức độ thấp nhất, thời gian làm việc có lương của phụ nữ Khmer-Chăm chỉ bằng 68% thời gian làm việc có trả lương của nam giới, so với tỷ lệ chung của tất cả các DTTS là 86%. Bất bình đẳng giới càng rõ nét ở góc độ theo nhóm dân tộc.
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên ĐTLĐVL năm 2020 của TCTK
Hơn 2/3 nhóm DTTS cho rằng phụ nữ nên gánh việc nhà vì đây là công việc phù hợp với khả năng của họ.
Rào cản tham gia thị trường lao động đang đến từ chính sự cân nhắc trách nhiệm việc nhà đè lên vai nữ giới. Vẫn còn rào cản lớn về mặt định kiến cho rằng việc nhà là của riêng phụ nữ. Điều này được khẳng định qua dữ liệu điều tra đối với nhóm DTTS (xem Hình 7). 70,8% hộ DTTS cho rằng phụ nữ nên đảm nhiệm việc nhà thường nhật. 66,6% hộ DTTS quan niệm rằng phụ nữ nên gánh vác việc chăm sóc trẻ em. Theo 68,6% hộ DTTS, phụ nữ nên chịu trách nhiệm chăm sóc người ốm. Đáng chú ý, bản thân nhóm nữ giới càng có suy nghĩ này nhiều hơn nhóm nam giới (tỷ lệ phụ nữ có quan điểm này cao hơn (76,8%) so với nam giới (70%)).
Nguồn: Điều tra Việc nhà của DTTS 2021 của TTPTDB, Báo cáo TTPTDB và Care (2022)
- Khuyến nghị chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong tham gia việc nhà và thị trường lao động
Kế hoạch hành động quốc gia năm 2017 đã được Việt Nam đề ra để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Theo đó, tới năm 2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, trong đó có 119 chỉ tiêu, và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) làm đơn vị điều phối. Trong đó, Chỉ tiêu 49, tỷ lệ thời gian làm việc nhà chăm sóc không lương của phụ nữ không nhiều hơn quá 1,5 lần so với nam giới vào năm 2020, 1,4 lần so với nam giới vào năm 2025 và 1,3 lần so với nam giới vào năm 2030. Có thể thấy đây là mục tiêu kép hướng tới bình đăng giởi và thúc đẩy lao động nữ lựa chọn công việc tốt nhất với khả năng của họ, từ đó tăng thu nhập bền vững và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Những phân tích trên cho thấy 4 kết luận quan trọng sau:
- Rào cản tham gia thị trường lao động sẽ được gỡ bỏ khi quan niệm giới về trách nhiệm việc nhà được thay đổi theo hướng san sẻ trách nhiệm hơn nữa để tạo cơ hội tự do lựa chọn hơn nữa cho phụ nữ DTTS.
- Tháo gỡ được rào cản việc nhà sẽ giúp được gần 30% hộ DTTS tiếp cận tới thị trường lao động một cách hiệu quả, đó là cơ sở không chỉ mở rộng cơ hội bình đẳng tham gia xã hội của phụ nữ mà còn đóng góp vào thu nhập hộ gia đình, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế.
- Rào cản việc nhà lớn nhất nhìn chung cho cả nhóm Kinh-Hoa và cộng đồng DTTS được ghi nhận đối với việc nhà thường nhật, cho thấy dư địa chính sách cần tập trung hơn nữa nỗ lực vào giảm tải việc nhà thường nhật cho các nhóm dân cư.
- Rào cản việc nhà có khoảng cách giới lớn nhất đang là gánh nặng ở công việc chăm sóc trẻ em. Điều này cho thấy dư địa chính sách giới cần tập trung hơn nữa cho việc tiếp cận các dịch vụ xã hội để giảm tải việc chăm sóc trẻ em cho nhóm DTTS.
Việc tháo dỡ rào cản việc nhà thường nhật cũng như công việc chăm sóc trẻ em là có tính tiềm năng vì hiện trạng mức độ sẵn có của nhiều dịch vụ xã hội giảm tải việc nhà đều đang chưa ở mức cao, đặc biệt đối với dịch vụ chăm sóc trẻ em ở nhóm DTTS (Hình 8).
Nguồn: Điều tra Việc nhà của DTTS 2021 của TTPTDB, Báo cáo TTPTDB và Care (2022)
Hình 8 cho thấy 48,7% hộ DTTS cho biết hiện có các dịch vụ chăm sóc học sinh sau giờ học, ví dụ như giáo viên trông học sinh và giúp các em làm bài tập về nhà. 62,9% hộ DTTS có trẻ dưới 2 tuổi và 43,9% hộ DTTS có trẻ trên 2 tuổi cho biết hiện có dịch vụ giáo dục mầm non ở khu vực họ sinh sống. Trong khi đó, chỉ 19,7% hộ DTTS cho biết cho biết có sẵn dịch vụ đưa đón trẻ đến trường. Tình hình cung cấp dịch vụ này khác nhau đáng kể giữa các nhóm dân tộc; thấp nhất ở nhóm dân tộc ở khu vực Tây Nguyên, chỉ có 7,3% các hộ nhóm này cho biết sẵn có dịch vụ đưa đón trẻ em đến trường. Chỉ 11,4% hộ DTTS cho biết sẵn có nhà dưỡng lão cho người già, 11,2% cho biết sẵn có trung tâm dành cho người khuyết tật, và 18,9% cho biết sẵn có trung tâm giới thiệu việc làm cho phụ nữ. 38% hộ DTTS cho biết có các khóa đào tạo kỹ năng nghề, và 46% cho biết có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư tại địa phương.
Tuy nhiên, ngoài mức độ sẵn có thấp đối với dịch vụ xã hội để san sẻ trách nhiệm việc nhà hơn nữa giữa gia đình và nhà nước, còn có một rào cản nữa là khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ sẵn có đấy. Một tình trạng điển hình đó là việc sử dụng dịch vụ chăm sóc trẻ em hiện có của các hộ DTTS có con em dưới 6 tuổi còn rất hạn chế. Hình 9 cho thấy cứ 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có trẻ dưới 6 tuổi thì chỉ 3 hộ cho biết họ có gửi trẻ đến các cơ sở trông trẻ mặc dù độ sẵn có dịch vụ ở một tỷ lệ cao hơn đáng kể.
Nguồn: Điều tra Việc nhà của DTTS 2021 của TTPTDB, Báo cáo TTPTDB và Care (2022)
Tổng kết lại, các khuyến nghị chính sách cần tập trung hơn nữa vào 2 mảng chính sách:
- Tăng cường san sẻ trách nhiệm việc nhà giữa các thành viên trong gia đình: mảng chính sách này cần tập trung theo đuổi mục tiêu thay đổi quan niệm và hành vi giới về trách nhiệm việc nhà.
- Tăng cường san sẻ trách nhiệm việc nhà giữa gia đình và nhà nước: mảng chính sách này tập trung theo đuổi mục tiêu khả năng tiếp cận tới các dịch vụ xã hội để giảm tải gánh nặng việc nhà cho gia đình nói chung và phụ nữ nói riêng, trong đó có phụ nữ DTTS.
PGS. TS. Nguyễn Đức Chiện*
TS. Nguyễn Thị Thu Phương *
(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia
“Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Thực trạng và giải pháp)
Tài liệu tham khảo
1. Australian Aid, ADB, ILO, UNWOMEM (2021), Báo cáo Tổng quan Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021.
https://cwd.vn/public/media/files/tai_lieu/mien_phi/CCGEP_Executive%20Summary_VIE.pdf
2. Baulch, B., Pham, H., và Reilly, B. (2008). Decomposing the ethnic gap in Vietnam, 1993 to 2004 [Phân rã khoảng cách dân tộc ở Việt Nam, 1993 đến 2004]. Oxford Development Studies, 40(1), 87-117.
3. Baulch, B., Pham, H., Nguyen, H., và Nguyen, P. (2010). Ethnic Minority Poverty in Vietnam [Nghèo dân tộc thiểu số ở Việt Nam]. Chronic Poverty Research Centre, Working Paper 169. Báo cáo đầu vào cho Báo cáo Đánh giá nghèo 2010
4. Baulch, B. and Vu, H. D. (2012). Exploring the Ethnic Dimensions of Poverty in Vietnam [Khám phá các khía cạnh nghèo đói của các dân tộc ở Việt Nam]. Báo cáo đầu vào cho Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012.
5. Tổng cục Thống kê (2021). Điều tra Lao động và việc làm năm 2020. Nhà xuất bản Thống kê.
6. Trung tâm Phân tích dự báo và Care (2022). Giảm bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc và việc nhà không được trả lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Báo cáo chính sách.
7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2018). Việc nhà không lương – Tái phân bổ để phát triển bền vững.
[1] Báo cáo do TTPTDB thực hiện dựa trên dữ liệu tính toán từ Điều tra Lao động và Việc làm do Tổng cục Thống kê thực hiện, và dữ liệu từ cuộc khảo sát qua điện thoại với 1.000 hộ dân tộc thiểu số ở Việt Nam vào năm 2021. Cả 2 bộ dữ liệu này đều được thu thập trên 63 tỉnh thành, chọn mẫu có trọng số, có tính đại diện toàn quốc.
[2] Dựa theo Baulch và cộng sự (năm 2008, và 2010) và Baulch và Vũ (năm 2012), các nhóm dân tộc được phân nhóm dựa trên sự tương đồng (tương đồng về điều kiện địa lý tự nhiên, địa mạo, đất đai, khí hậu, ngôn ngữ , quy mô dân số và tình hình phát triển nói chung). 6 nhóm dân tộc đó là (1) Kinh và Hoa; (2) Chăm và Khmer; (3) Tày, Thái, Mường, Nùng; (4) các DTTS khác ở miền núi phía Bắc; (5) DTTS ở Tây Nguyên; (6) và “khác”, bao gồm các nhóm dân tộc ít người hơn còn lại, hầu hết sống dọc theo duyên hải Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Kinh-Hoa được coi là nhóm dân tộc đa số, với trình độ phát triển nói chung ở mức cao tương đồng nhau. Năm nhóm dân tộc còn lại được coi là các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.
* Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
* Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam