Sao Hollywood và nạn phân biệt chủng tộc
GD&TĐ - Diễn viên nữ casxe thường thấp hơn nam, diễn viên da màu bị phân biệt đối xử, bị cướp mất vai diễn, hay không được đóng những vai chính, vai nhiều đất diễn. Nhiều bộ phim họ thủ vai quan trọng nhưng ngày công chiếu cũng không mời họ.
Việc Emma Stone được chọn vào vai nữ chính trong phim "Aloha" vốn được tạo hình từ một phụ nữ gốc da đỏ và Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi. |
Diễn viên ngoại quốc hay nhập cư thường không được trân trọng, bị miệt thị… “Phụ nữ buộc phải làm việc cật lực hơn để được lắng nghe, được lưu tâm. Hollywood phân biệt giới tính một cách ghê tởm. Thật khó chịu, thật điên rồ”- nữ diễn viên Kristen Stewart bức xúc.
Ở đất nước của Nữ thần tự do, dù bị lên án, phản đối rộng rãi, rất nhiều lần nhưng nạn trên vẫn tiếp diễn. Và cuộc đấu tranh chống sự kỳ thị màu da, giới tính sẽ là cuộc chiến trường kỳ tại kinh đô điện ảnh của thế giới.
Theo báo cáo hàng năm về sự đa dạng chủng tộc tại Hollywood của Đại học California cho thấy, có tới 94% số người trong hàng ngũ điều hành các hãng phim là người da trắng. Thêm vào đó, một số ít đại diện cho bộ phận sản xuất cả trước và sau ống kính vẫn do người da trắng đảm nhận. Vì thế, đợi cho đến khi Hollywood có sự thay đổi thì cuộc tranh đấu vẫn còn là chặng đường dài ở phía trước.
Tước đoạt vai của diễn viên da màu
Mickey Rooney vào vai doanh nhân người Nhật với hàm răng vẩu và cặp kính đít chai. |
Các thập kỷ trước, những bộ phim về người da màu nhưng các diễn viên da trắng đã nắm gọn vai chính trong tay như Gods and Kings, The Lone Ranger, The Sands of Time hay bộ phim hài Aloha nổi tiếng mà hình tượng nhân vật đều là người châu Phi.
Ở bộ phim Breakfast at Tiffany"s (1961), đạo diễn đã chọn Mickey Rooney – nam diễn viên da trắng vào vai Yunioshi – doanh nhân người Nhật rõ ràng là người gốc Á.Và nạn phân biệt chủng tộc tại kinh đô điện ảnh cũng biểu hiện ngày càng rõ thời gian gần đây.
Mới đây nhất, các nhà làm phim Cậu bé Peter Pan đã chọn Rooney Mara – nữ diễn viên da trắng vào vai công chúa Tiger Lily vốn được tạo hình và có gốc gác của người da đỏ bản xứ. Điều này đã làm dấy lên làn sóng phản đối của người hâm mộ về sự phân biệt màu da ở Hollywood.
Thậm chí, có 94.000 người đã ký tên vào một bản kiến nghị trực tuyến đề nghị không chọn các diễn viên da trắng vào các vai được tạo hình từ người da màu. Peter Pan chỉ là một trong số ít các bộ phim mà nhà sản xuất luôn dành phần ưu ái cho các diễn viên da trắng trong thời gian gần đây…
Vì sao phân biệt vẫn xảy ra?
Kristen Stewart thẳng thắn nói về kỳ thị giới tính |
Vì sao nạn kỳ thị chủng tộc ở Hollywood vẫn tiếp diễn và những diễn viên da màu vẫn hàng ngày phải chịu đựng sự bất công này? Theo Jeffery Mio, tác giả cuốn sách nghiên cứu về tâm lý học đa văn hóa cho rằng, những ông chủ trong ngành công nghiệp làm phim ở Hollywood chỉ thuê những diễn viên quen thuộc và làm việc với họ sẽ thấy thoải mái hơn.
Và một lý do khác không kém phần quan trọng đó là những ngôi sao da trắng như những thỏi nam châm hút khách cho các phòng vé và tấm vé đảm bảo doanh thu cao cho bộ phim.
Tuy nhiên, thật không công bằng khi cho rằng chỉ khi bộ phim có các diễn viên da trắng đảm nhận vai chính thì mới hút khán giả. Will Smith, Denzel Washington, David Oyelowo, Thành Long… đều là các diễn viên da màu, da vàng đã mê hoặc biết bao khán giả và đã giành được những giải thưởng diễn xuất danh giá.
Giám đốc hãng phim Sony - Tom Rothman cho rằng, cần có sự cân bằng giữa các diễn viên da trắng và da màu trên màn ảnh để tạo sự đa dạng cho điện ảnh. Còn theo Guy Aoki, giám đốc và là sáng lập viên Mạng Lưới Hành Động Truyền Thông cho người Mỹ gốc Á (MANAA), hiện nay Trung Quốc đang trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Và nếu những bộ phim của Hollywood có nhiều diễn viên Mỹ gốc Á hơn thì khán giả sẽ đón nhận nồng nhiệt hơn vì như được thấy bản thân chính họ trên phim. Thế nên, cực kỳ vô lý khi cho rằng khán giả không chấp nhận diễn viên là người gốc Á.
David White, Giám đốc điều hành Liên đoàn nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình, phát thanh tại Mỹ SAG-AFTRA quả quyết: “Các điều luật của Liên đoàn khẳng định, chủng tộc không hề phản ánh phẩm chất, năng lực của một diễn viên và chúng tôi không ủng hộ việc ưu ái một diễn viên chỉ vì màu da của họ”. Mỹ là quốc gia đa văn hóa và Hollywood cũng không phải là ngoại lệ khi các tài năng điện ảnh của mọi màu da đều có cơ hội tỏa sáng ngang nhau.
Kỳ thị giới tính một cách ghê tởm, điên rồ
“Phụ nữ buộc phải làm việc cật lực hơn để được lắng nghe, được lưu tâm. Hollywood phân biệt giới tính một cách ghê tởm. Thật khó chịu, thật điên rồ”- nữ diễn viên Kristen Stewart bức xúc.
Lương nữ diễn viên thấp hơn 40%
Từ các nữ diễn viên Patricia Arquette đến Emma Watson, những ngôi sao nữ hàng đầu đều đã lên tiếng về sự bất bình đẳng lương trong ngành điện ảnh, cho thấy sự phân biệt giới tính sâu sắc trong ngành công nghiệp mà nam giới thống trị này. Thực tế, nhiều năm qua đã chứng minh phụ nữ cũng có thể kiếm ra nhiều tiền như nam giới trong ngành công nghiệp điện ảnh. Các bộ phim lấy một nhân vật nữ làm trung tâm cũng đã thu hút được nhiều độc giả.
Song vẫn có sự phân biệt giới tính sâu sắc trong ngành công nghiệp tỷ đô này. Những nữ diễn viên hàng đầu có thu nhập chỉ bằng khoảng 40% so với tiền lương của một nam diễn viên đồng nghiệp. Trong danh sách các nam diễn viên được trả lương cao nhất năm 2015 của tạp chí Forbes, nam diễn viên Robert Downey Jr giữ vị trí số 1 với thu nhập hơn tổng thu nhập của năm nữ diễn viên hàng đầu 10 triệu USD.
Còn nam diễn viên Liam Neeson đứng vị trí số 10 trong danh sách có thu nhập tương đương với Angelina Jolie, nữ diễn viên được trả lương cao nhất. Sự bất bình đẳng giới thể hiện trong thu nhập của diễn viên Hollywood đã diễn ra trong nhiều năm.
Diễn viên Octavia Spencer |
Rung chuông cảnh báo
Gần đây, lần lượt các ngôi sao nữ hàng đầu đã lên tiếng về sự đối xử bất công của Hollywood nói riêng và ngành điện ảnh nói chung đối với họ. Trong lễ trao giải Oscar 2016, nữ diễn viên Patricia Arquette được vinh danh tại hạng mục Diễn viên nữ phụ xuất sắc nhất cho vai người mẹ đơn thân ở bộ phim Boyhood.
Cuối bài phát biểu, Patricia đã làm rung động buổi lễ bởi lời kêu gọi mạnh mẽ về nữ quyền. “Gửi đến những người phụ nữ, những người đã sinh ra để đóng thuế và trở thành công dân của đất nước này.
Chúng ta đã đấu tranh cho quyền bình đẳng ở nhiều nhóm người trong xã hội, bây giờ là lúc để chúng ta đứng lên đòi lại quyền bình đẳng về mức lương cho chính mình và quyền bình đẳng nói chung đối với tất cả phụ nữ trên cả nước Mỹ này. Một lần cho tất cả!” - Patricia kêu gọi.
Đây là lần đầu tiên trên sân khấu trao giải Oscar có nữ diễn viên nhắc đến vấn đề này. Ở Liên hoan phim Cannes 2014, nữ đạo diễn Jane Campion (nữ đạo diễn duy nhất từng giành giải Cành cọ vàng) phát biểu: “Ngành công nghiệp điện ảnh như một miếng bánh mà phần lớn nam giới là người chiếm phần”.
Jane Campion cho rằng, bất bình đẳng giới trong ngành công nghiệp điện ảnh gây cản trở phụ nữ và nữ đạo diễn này khẳng định phân biệt giới tính trong ngành điện ảnh là phi dân chủ. Vấn đề bất bình đẳng giới là vấn đề có thật của Hollywood, vấn đề tiền lương cho nữ diễn viên và nam diễn viên ở Hollywood cũng rất khác nhau. Với diễn viên nữ, sau 34 tuổi thì mức cát sê sụt giảm hẳn, trong khi đó với nam giới thì độ tuổi này kéo dài đến tận 51 tuổi.
Sau Meryl Streep và Patricia Arquette thì nữ diễn viên Kristen Stewart cũng lên tiếng nói về bất bình đẳng giới trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Harper’s Bazaar của Anh: “Phụ nữ buộc phải làm việc cật lực hơn để được lắng nghe. Hollywood phân biệt giới tính một cách ghê tởm. Thật khó chịu, thật điên rồ”.
Mới đây, trong lần trả lời phỏng vấn tờ Sunday Times, nữ diễn viên Amanda Seyfried tiết lộ số tiền mà cô nhận được từ một dự án bom tấn gần đây chỉ bằng 10% so với bạn diễn nam, cho thấy sự bất công về mức thù lao trong công việc diễn xuất tại Hollywood. Nữ diễn viên Anh Carey Mulligan cũng lên tiếng tố cáo việc “vùi dập” nữ giới trong ngành công nghiệp điện ảnh.
Mức thù lao thấp tương tự cũng được nêu ra bởi nữ diễn viên Frances McDormand (từng đoạt giải Oscar) cho vai diễn trong bộ phim bom tấn “Transformers: Dark of the Moon”. Có sự khác biệt về thu nhập giữa nam và nữ diễn viên bởi lẽ những phim bom tấn có doanh thu khổng lồ thì phụ nữ khó kiếm được vai lớn mà chủ yếu là nam giới.
Nữ diễn viên cũng buộc phải đóng những cảnh giường chiếu, khỏa thân nhiều hơn nam diễn viên. Thậm chí, những vị trí như nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch… thì tỉ lệ nữ giới cũng rất ít ỏi.
Những tâm sự chua chát
Lee Byung Hun (ngoài cùng bên trái) cùng dàn diễn viên hạng A của Hollywood trong The Magnificent Seven |
“90% nhà sản xuất mời tôi đóng vai người hầu!” là tiết lộ gây sốc của diễn viên da màu Octavia Spencer trong talkshow của Variety mới đây.
Tháng 12/2015, phong trào đòi bình đẳng về sắc tộc và giới tính đã nổi lên mạnh mẽ giữa kinh đô điện ảnh. Octavia Spencer từng giành được một giải Oscar cho vai nữ phụ trong The Help. Tuy nhiên sau thành công với hình ảnh cô hầu chất phác nhưng cương nghị dù bị oan sai vẫn không đánh mất tư cách, Spencer liên tiếp nhận được những lời mời vào vai phụ… tương tự.
Diễn viên 46 tuổi này cho biết các nhà làm phim thường hay đi tìm nguyên mẫu có sẵn, hoặc thành công trên màn ảnh… Họ không thật sự tuyển diễn viên, tìm kiếm diễn viên và sẵn sàng lặp đi lặp lại những câu chuyện về phân biệt chủng tộc và giới tính với các diễn viên da màu. “Đó là lý do vì sao tôi chẳng có các vai tuyệt hay như người ta” Spencer nói trong buổi phỏng vấn.
Ngay cả Dev Patel, một diễn viên gốc Ấn tham gia chương trình talkshow của Variety cũng thổ lộ những tác phẩm đã ra mắt như Lion (do anh đóng chính), Hidden Figures (có Octavia Spencer tham gia) mang một ý nghĩa quan trọng trong việc xóa mờ các ranh giới ở Hollywood. Anh từng là ngôi sao của bộ phim đoạt giải Oscar -Triệu phú khu ổ chuột năm 2008 nhưng khi Patel đến thảm đỏ năm đó, anh nhìn quanh và chẳng có ai thèm để ý đến mình.
Thậm chí sự nghiệp của Patel tụt dốc thảm hại sau đó, y hệt như cách mà Hollywood đã “xử lý” Octavia Spencer. Bên cạnh Spencer và Patel, tài tử kỳ cựu Viola Davis – nổi danh trong phim Fences năm ngoái cũng không được ưu tiên. Bằng chứng là trong Fences, cô thủ vai nữ chính bên cạnh Denzel Washington nhưng cuối cùng hãng phim quyết định đưa cô xuống vai phụ để tranh giải Oscars.
Tài tử Hàn bị ngó lơ ra mặt ở Hollywood
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với trang Dalian của Hàn Quốc, nam diễn viên hành động Lee Byung Hun đã chia sẻ những trải nghiệm không vui trong quá trình thực hiện bộ phim The Magnificent Seven trên trường quay tại Mỹ.
“Tôi không muốn nêu tên cụ thể là ai nhưng có những đồng nghiệp thậm chí còn không nhìn thẳng vào tôi chỉ vì tôi là người châu Á. Tôi đã cố giới thiệu bản thân và chủ động bắt tay làm quen nhưng toàn bị họ làm ngơ rồi đi ngang qua mặt. Chỉ khi bộ phim đóng máy, tôi mới có thể làm thân với họ đôi chút”, nam diễn viên kể lại.
Tuy là ngôi sao châu Á hiếm hoi góp mặt trong nhiều bộ phim của Hollywood nhưng Lee Byung Hun thật sự không được biết đến nhiều tại kinh đô điện ảnh thế giới. “Tôi đến một quán cà phê tại Mỹ và nhân viên pha chế đã hỏi: “Anh có phải là một diễn viên không?”, tôi đã rất vui vì cuối cùng cũng có người nhận ra mình nhưng đến khi anh ấy nói rằng rất thích bộ phim The Hangover thì tôi biết trong con mắt của người da trắng, tất cả người châu Á đều giống nhau”, Lee Byung Hun chia sẻ.
Trong trường hợp này, nhân viên quán cà phê đã nhầm anh với Ken Jeong, nam diễn viên thủ vai Mr. Chow trong loạt phim hài The Hangover.
Nam diễn viên hàng đầu của Hàn Quốc nhận định rằng cái nhìn của Hollywood đối với những diễn viên châu Á thật sự chưa có nhiều thay đổi. “Luôn có khoảng cách giữa những người châu Á với những diễn viên da trắng. Có nhiều lúc tôi vô cùng tức giận vì cách họ đối xử với bản thân mình”. Tuy nhiên anh cho biết sẽ cố gắng tiếp tục làm việc để thay đổi điều này trong tương lai.