Xóa định kiến

 

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều bạn trẻ vượt qua rào cản này để theo đuổi ước mơ nhằm gia tăng cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Pháp luật quy định rõ ràng, phụ nữ, nam giới hay bất kể giới nào đều có quyền được làm việc, lựa chọn ngành nghề không chịu sự cấm đoán. “Danh mục 77 công việc không sử dụng phụ nữ” được bãi bỏ bởi Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019.

Thực tế chứng minh, nữ giới có thể làm những công việc như: Lái xe, công an, các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ… và tất nhiên nam giới cũng làm được những công việc được cho là nhẹ nhàng, tỉ mỉ như: Múa, giáo viên mầm non, tiểu học… Điều này đồng nghĩa việc, không phân định nam hay nữ trong việc lựa chọn ngành, trường học. Việc lựa chọn hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của mỗi cá nhân, quan trọng là đủ yêu thích, đam mê và phù hợp với năng lực, sở trường, hoàn cảnh gia đình hay không…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều bạn trẻ chủ động trong định hướng nghề nghiệp, không lệ thuộc vào quyết định của gia đình hay định kiến xã hội. Các bạn chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp với sở trường, đam mê và tự tin bước vào tương lai rộng mở.

Dù lý luận và thực tiễn đã chứng minh không có khái niệm ngành này, trường kia dành cho nam hay nữ, nhưng lâu nay, nhiều người vẫn mặc định công việc nặng nhọc, cần đến sức mạnh dành cho nam giới, còn công việc nhẹ nhàng, yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận thuộc về phái nữ. Chẳng hạn, ngành Giáo dục mầm non, tiểu học chỉ phù hợp với phụ nữ…

Vẫn biết đây chỉ là định kiến và khuôn mẫu giới về nghề nghiệp trong xã hội nhưng thực trạng này hiện hữu và len lỏi trong nhận thức, hành vi không ít người. Định kiến về giới vô hình trung đã cản trở nhiều bạn trẻ trong việc lựa chọn ngành, trường học. Bất giác, nó tạo nên những trở ngại trong việc theo đuổi ước mơ của nhiều bạn trẻ.

Việt Nam đã thực hiện một số bước lập pháp quan trọng về thúc đẩy bình đẳng và không phân biệt đối xử tại nơi làm việc, bao gồm các quy định về quyền bình đẳng giới của mọi công dân trong Hiến pháp và cấm phân biệt đối xử trong Bộ luật Lao động năm 2012.

Xuất phát từ thực tiễn khách quan, việc xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là cần thiết. Điều đó không chỉ giúp thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục còn làm thay đổi nhận thức về giới, góp phần đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, để giải quyết bài toán này, chúng ta còn nhiều việc phải làm, ở đó có vai trò của truyền thông trong việc góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn ngành nghề.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới. Theo đó, cần sự tham gia của bộ, ngành, địa phương trong việc lồng ghép thực hiện bình đẳng giới trong các chương trình, hoạt động.

Nói như một chuyên gia của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Wonmen tại Việt Nam), cùng với những giải pháp để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp, thì vai trò “bệ đỡ” của chính sách Nhà nước hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng.

Hải Minh

LINK: https://giaoducthoidai.vn/xoa-dinh-kien-post681000.html