Lịch Sử Xấu Xí của Phẫu Thuật Thẩm Mỹ


 

Bài Luận Thứ Sáu: Lịch Sử Xấu Xí của Phẫu Thuật Thẩm Mỹ

 

Tác giả/Author: Michelle Smith, Deakin University

Người dịch/Translator: Doãn Thi Ngọc, Hoa Sen University

 

Các chương trình truyền hình thực tế như The Swan và Extreme Makeover về hành trình lột xác dựa trên phẫu thuật thẩm mỹ không phải là chương trình đầu tiên mang đến cho phụ nữ khả năng cạnh tranh để có cơ hội trở nên xinh đẹp hơn.

 

Năm 1924, một quảng cáo cho một cuộc thi trên tờ New York Daily Mirror đã đặt ra câu hỏi khiếm nhã "Cô gái xấu xí nhất New York là ai?". Quảng cáo này hứa hẹn với người chiến thắng rằng một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ "biến cô ấy thành một người đẹp". Những người tham gia được đảm bảo rằng họ sẽ không phải xấu hổ vì bộ phận nghệ thuật của tờ báo sẽ vẽ "mặt nạ" lên ảnh của họ khi chúng được xuất bản.

 

Về bản năng, phẫu thuật thẩm mỹ có vẻ là một hiện tượng trong thời hiện đại. Tuy nhiên, nó đã có lịch sử lâu đời và phức tạp hơn nhiều so với những gì mà hầu hết mọi người có thể tưởng tượng. Nguồn gốc của nó một phần nằm ở việc chỉnh sửa các dị tật do giang mai và do các ý tưởng phân biệt chủng tộc về các đặc điểm "tốt" và đặc điểm khuôn mặt có thể chấp nhận, hay cũng như bất kỳ ý tưởng thuần túy về tính đối xứng trên khuôn mặt.

 

Trong nghiên cứu của mình về mối liên hệ giữa vẻ đẹp với sự phân biệt đối xử và định kiến ​​xã hội, nhà xã hội học Bonnie Berry đã ước tính rằng khoảng 50% người Mỹ "không hài lòng với ngoại hình của mình". Berry liên hệ sự phổ biến này với hình ảnh trên phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, từ lâu người ta đã bị thúc đẩy bởi các biện pháp phẫu thuật đau đớn để "sửa chữa" các đặc điểm trên khuôn mặt và các bộ phận trên cơ thể của họ, thậm chí là trước khi việc sử dụng thuốc gây mê và các nguyên tắc khử trùng khi phẫu thuật được khám phá ra.

 

Một số ca phẫu thuật đầu tiên được ghi nhận đã diễn ra ở Anh và Châu Âu vào thế kỷ 16. "Bác sĩ phẫu thuật cắt tóc" thời Tudor đã điều trị các vết thương trên khuôn mặt, mà theo nhà sử học y khoa Margaret Pelling giải thích rằng điều này rất quan trọng trong một nền văn hóa mà khuôn mặt bị tổn thương hoặc xấu xí được coi là phản ánh bản ngã bên trong của họ bị biến dạng.




 

Với nỗi đau và nguy cơ đe dọa tính mạng vốn có trong bất kỳ loại phẫu thuật nào vào thời điểm đó, các thủ thuật thẩm mỹ thường chỉ giới hạn ở những trường hợp biến dạng nghiêm trọng và bị kỳ thị, chẳng hạn như mất mũi do chấn thương hoặc bệnh giang mai dịch tễ.

 

Những ca ghép vạt cuống mũi đầu tiên để tạo ra những chiếc mũi mới được thực hiện ở châu Âu vào thế kỷ 16. Một phần da đã được cắt từ trán, gập xuống và khâu lại, hoặc da sẽ được lấy từ cánh tay của bệnh nhân.

 

Sau này, một quy trình đã được ghi nhận trong xuất bản của Iconografia d’anatomia vào năm 1841, và được tái hiện trong Crucial Interventions của Richard Barnett, cho thấy bệnh nhân với cánh tay giơ lên ​​vẫn dính chặt vào mặt một cách khủng khiếp trong suốt thời gian vết thương được lành lại.

 

Mặc dù các biến dạng khuôn mặt có thể có sự tác động về mặt xã hội và một số cá nhân tuyệt vọng muốn khắc phục chúng, nhưng mãi cho đến khi các ca phẫu thuật không còn chịu cảnh đau đớn khủng khiếp và đe dọa tính mạng nữa thì phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến.

 

Năm 1846, ca phẫu thuật thường được mô tả là “không đau” đầu tiên đã được thực hiện bởi nha sĩ người Mỹ William Morton, người đã tiêm ether cho bệnh nhân. Ether được đưa vào cơ thể bằng cách hít vào qua khăn tay hoặc ống thổi. Cả hai phương pháp này đều không chính xác, có thể gây quá liều và tử vong cho bệnh nhân.

 

Việc loại bỏ trở ngại lớn thứ hai đối với phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra vào những năm 1860. Mô hình phẫu thuật vô trùng của bác sĩ người Anh Joseph Lister đã được áp dụng ở Pháp, Đức, Áo và Ý, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và tử vong.

 

Đến những năm 1880, với sự tinh tế hơn nữa của thuốc gây mê, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành một viễn cảnh tương đối an toàn và không đau đối với những người khỏe mạnh khi cảm thấy mình không hấp dẫn.

 

Công ty Derma-Featural đã quảng cáo "phương pháp điều trị" của mình cho "mũi gù, mũi lõm hoặc mũi có hình dạng xấu", hay cho tai nhô và cả nếp nhăn ("dấu vết của thời gian") trên tạp chí World of Dress của Anh vào năm 1901.

 

Một báo cáo từ một vụ kiện năm 1908 liên quan đến công ty này cho thấy họ vẫn tiếp tục sử dụng da được lấy từ cánh tay và gắn vào - cánh tay để phẫu thuật mũi.

 

Báo cáo cũng đề cập đến phương pháp nâng mũi bằng “sáp parafin” không phẫu thuật, trong đó sáp nóng, lỏng được tiêm vào mũi và sau đó được “người thực hiện nắn chỉnh theo hình dạng mong muốn”. Sáp có khả năng di chuyển đến các bộ phận khác của khuôn mặt và gây biến dạng, hoặc gây ra “u” hoặc ung thư sáp.

 

Quảng cáo cho những sản phẩm như Công ty Derma-Featural rất hiếm có trên các tạp chí dành cho phụ nữ vào đầu thế kỷ 20. Nhưng các quảng cáo thường xuyên được đăng tải về các thiết bị giả mạo lại hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho khuôn mặt và cơ thể và nhấn mạnh sự mong đợi một cách hợp lý thông qua can thiệp phẫu thuật.

 

Nhiều mẫu dây đeo cằm và trán, chẳng hạn như thương hiệu “Ganesh” đã được cấp bằng sáng chế, được quảng cáo là phương tiện để loại bỏ cằm đôi và nếp nhăn quanh mắt.

 

Các loại thuốc thu nhỏ ngực và thu nhỏ hông và thu nhỏ bụng, như Đai làm đẹp vệ sinh J.Z., cũng hứa hẹn những cách không cần phẫu thuật mà vẫn định hình lại cơ thể như mong muốn.

 

Tần suất của những quảng cáo này trên các tạp chí phổ biến đến độ cho thấy việc sử dụng những thiết bị này được xã hội chấp nhận. So sánh, mỹ phẩm màu như phấn má hồng và kẻ mắt kohl hiếm khi được quảng cáo. Các quảng cáo về "phấn và sơn" hiện có thường nhấn mạnh vào "vẻ ngoài tự nhiên" của sản phẩm để tránh bất kỳ mối liên hệ tiêu cực nào giữa mỹ phẩm và sự giả tạo.

 

Nguồn gốc chủng tộc của phẫu thuật thẩm mỹ

Các ca phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất được yêu cầu trước thế kỷ 20 nhằm mục đích chỉnh sửa các đặc điểm như tai, mũi và ngực được phân loại là "xấu xí" vì chúng không điển hình cho người "da trắng".

 

Vào thời điểm này, khoa học chủng tộc quan tâm đến việc "cải thiện" chủng tộc da trắng. Tại Hoa Kỳ, với dân số người nhập cư Do Thái và Ireland và người Mỹ gốc Phi ngày càng tăng, mũi "pug", mũi to và mũi tẹt là dấu hiệu của sự khác biệt về chủng tộc và do đó là xấu xí.

 

Sander L. Gilman cho rằng mối liên hệ "nguyên thủy" giữa mũi không phải da trắng đã xảy ra "vì mũi quá tẹt có liên quan đến mũi giang mai di truyền".

 

Phát hiện của bác sĩ tai mũi họng người Mỹ John Orlando Roe về phương pháp thực hiện phẫu thuật mũi bên trong mũi mà không để lại sẹo bên ngoài là một bước phát triển quan trọng vào những năm 1880. Giống như ngày nay, bệnh nhân muốn có thể “vượt qua” (trong trường hợp này là “trắng”) và phẫu thuật của họ không bị phát hiện.

 

Vào năm 2015, 627.165 phụ nữ Mỹ, hay một con số đáng kinh ngạc là 1/250, đã được cấy ghép ngực. Trong những năm đầu của phẫu thuật thẩm mỹ, ngực không bao giờ được làm to hơn.

 

Ngực đóng vai trò lịch sử như một “dấu hiệu chủng tộc”. Ngực nhỏ, tròn được coi là trẻ trung và kiểm soát tình dục. Ngực lớn hơn, chảy xệ được coi là “thô sơ” và do đó là dị tật.

 

Vào thời đại của flapper, vào đầu thế kỷ 20, việc thu nhỏ ngực là phổ biến. Mãi đến những năm 1950, ngực nhỏ mới trở thành vấn đề y tế và được coi là khiến phụ nữ không vui.

 

Quan điểm thay đổi về bộ ngực mong muốn cho thấy tiêu chuẩn về cái đẹp thay đổi theo thời gian và địa điểm. Cái đẹp từng được coi là do Chúa ban tặng, tự nhiên hoặc là dấu hiệu của sức khỏe hoặc tính cách tốt của một người.

 

Khi vẻ đẹp bắt đầu được hiểu là nằm ngoài bản chất của mỗi người và có thể thay đổi, nhiều phụ nữ, nói riêng, đã cố gắng cải thiện ngoại hình của mình thông qua các sản phẩm làm đẹp, và giờ đây họ chuyển sang phẫu thuật thẩm mỹ.

 

Như Elizabeth Haiken chỉ ra trong Venus Envy, năm 1921 không chỉ đánh dấu cuộc họp đầu tiên của một hiệp hội chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ mà còn là cuộc thi Hoa hậu Hoa Kỳ đầu tiên tại Atlantic City. Tất cả những người vào chung kết đều là người da trắng. Người chiến thắng, Margaret Gorman, 16 tuổi, thấp hơn so với những người mẫu cao lớn ngày nay với chiều cao 1 mét 55 và số đo vòng ngực của cô nhỏ hơn số đo vòng hông.

 

Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ và những phẩm chất mà chúng ta coi trọng trong một nền văn hóa, cũng như những ý tưởng thay đổi về chủng tộc, sức khỏe, tính nữ và lão hóa.

 

Năm ngoái được một số người trong lĩnh vực này kỷ niệm là kỷ niệm 100 năm phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại. Bác sĩ người New Zealand Harold Gillies đã được ca ngợi vì phát minh ra phương pháp ghép vạt cuống trong Thế chiến thứ nhất để tái tạo khuôn mặt của những người lính bị thương. Tuy nhiên, như đã được ghi chép lại, các phiên bản thô sơ của kỹ thuật này đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ.

 

Một câu chuyện đầy cảm hứng như vậy đã che khuất sự thật rằng phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại thực sự ra đời vào cuối thế kỷ 19 và nó liên quan đến bệnh giang mai và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng như việc tái tạo mũi và hàm của những anh hùng chiến tranh.

 

Cộng đồng phẫu thuật – và đó là một cộng đồng, vì hơn 90% bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là nam giới – thuận tiện đặt mình vào một lịch sử bắt đầu bằng việc tái tạo khuôn mặt và triển vọng công việc của những người bị thương trong chiến tranh.

 

Trên thực tế, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là công cụ của những ý thích thay đổi về những gì hấp dẫn. Họ đã giúp mọi người che giấu hoặc biến đổi các đặc điểm có thể khiến họ nổi bật như một người từng bị bệnh, khác biệt về mặt dân tộc, "thô sơ", quá nữ tính hoặc quá nam tính.

 

Những rủi ro tuyệt đối mà mọi người sẵn sàng chấp nhận để trở nên "bình thường" hoặc thậm chí biến "sự bất hạnh" của sự xấu xí, như cuộc thi dành cho những cô gái xấu xí nhất đã nói, thành vẻ đẹp, cho thấy mọi người nội tâm hóa mạnh mẽ như thế nào những ý tưởng về cái đẹp.

 

Nhìn lại lịch sử xấu xí của phẫu thuật thẩm mỹ sẽ thúc đẩy chúng ta xem xét đầy đủ hơn về cách mà các chuẩn mực về vẻ đẹp của chính chúng ta được định hình bởi những định kiến ​​bao gồm cả phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính.

 

 

Báo The Conversation và tác giả Michelle SmithDeakin University cho phép Gendertalkviet dịch sang tiếng Việt và đăng toàn văn. Thay mặt cho, Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả và Báo The Conversation cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Quý Báo The Conversation và tác giả rất quý giá và ý nghĩa. 

Link gốc: https://theconversation.com/friday-essay-the-ugly-history-of-cosmetic-surgery-56500