KHẢO SÁT CHIỀU KÍCH GIỚI TRONG SÁCH GIÁO KHOA CỦA NỀN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG Ở VIỆT NAM

 


Tham luận tại “Hội thảo quốc tế: Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh biến đổi nhanh của xã hội” ngày 29 và 30-6-2011 tại TPHCM

 

KHẢO SÁT CHIỀU KÍCH GIỚI TRONG SÁCH GIÁO KHOA CỦA NỀN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG Ở VIỆT NAM

PGS.TS.Trần Hữu Quang[1]

 

TÓM TẮT

Khảo sát chiều kích giới trong sách giáo khoa là một điều cần thiết, vì sách giáo khoa là một phương tiện học tập có khả năng ảnh hưởng sâu đậm tới nhân sinh quan của học sinh. Bài này trình bầy những kết quả chính của một công trình phân tích nội dung sách giáo khoa của sáu môn học chính từ lớp 1 tới lớp 12 trong nền giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay.

 

          Trong hai thập niên qua, đã có không ít công trình khảo sát và nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới khía cạnh giới và quan hệ giới ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa xuất hiện công trình nào khảo sát một cách có hệ thống về chiều kích giới trong sách giáo khoa của hệ thống giáo dục phổ thông, từ bậc tiểu học tới hết bậc trung học. Việc khảo sát chiều kích giới trong các quyển sách giáo khoa là một điều cần thiết, vì sách giáo khoa là một phương tiện học tập có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu đậm tới nhân sinh quan của học sinh, cũng như tới quan niệm và hình ảnh về mối quan hệ giới của cả học sinh lẫn giáo viên trong quá trình chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ tuổi bước vào đời sống xã hội.


          Một đề tài nghiên cứu về chủ đề này đã được tiến hành trong năm 2010 dưới sự bảo trợ của Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) và Quĩ Rosa Luxemburg Stiftung (CHLB Đức).[2] Đây là một đề tài mang tính chất thăm dò, nhằm vào những mục tiêu sau đây : (a) nhận diện chiều kích giới trong sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua cơ cấu giới của các nhân vật xuất hiện trong sách giáo khoa và đặc điểm của từng giới xét theo vai trò và nghề nghiệp của các nhân vật ; (b) nhận diện những định kiến về giới có thể có dưới những hình thức khác nhau ; và (c) dựa trên kết quả khảo sát, đi đến một số kiến nghị nhằm cải thiện quá trình soạn thảo sách giáo khoa xét trên bình diện quan điểm giới.


          Hầu hết các nhà khoa học xã hội cũng như các nhà hoạt động xã hội ngày nay đều cho rằng sự phân biệt giữa đàn ông và phụ nữ không phải là một hiện tượng “tự nhiên” hay “đương nhiên”, mà thực ra là một “sự kiến tạo của xã hội” (social construct). Nếu thuật ngữ phái tính hoặc giới tính (sex) được dùng để chỉ sự khác biệt sinh học giữa nam giới và nữ giới (male and female), thì thuật ngữ “giới” (gender) có liên quan tới lĩnh vực văn hóa và tới sự phân chia mang tính xã hội đối với đàn ông/con trai và đàn bà/con gái (masculine and feminine) [Brugeilles et al., 2009, tr. 27].


          Cho gần đây, một số cuộc khảo sát ở các nước về chiều kích giới trong sách giáo khoa thường được tiến hành theo lối tiếp cận sau đây : xuất phát từ một số phạm trù như “vai trò truyền thống/phi truyền thống” hay “vai trò cao/thấp” của nam giới và nữ giới trong xã hội cũng như trong gia đình để dùng làm khung phân tích hoặc thước đo khảo sát. Tuy nhiên, cách làm này thường gặp phải ít nhất hai khó khăn : một là quả thực khó mà định nghĩa được thế nào là lý tưởng bình đẳng giới, cũng như khó mà xác định được hết những hình thức định kiến hoặc phân biệt đối xử ; hai là khó mà ghi nhận được những dạng khuyết (chẳng hạn không nói tới, không có thông tin…) vốn vẫn có thể dẫn tới tình trạng định kiến và phân biệt đối xử về giới. Vả lại, cách tiếp cận này thường bị coi là dễ rơi vào chỗ chủ quan và không thực sự nghiêm cẩn trong việc chứng minh các định kiến [Brugeilles et al., 2009, tr. 14, 28-29].


          Do đó, chúng tôi đã chọn một lối tiếp cận mới do tổ chức Mạng lưới thế giới nghiên cứu về hình ảnh giới trong sách giáo khoa[3] đề xướng, bằng cách tiến hành một phương pháp định lượng để khảo sát về danh vị (identity) của từng giới và về các vai trò của hai giới nam và nữ trong xã hội. Phương pháp này dựa trên hai nguyên tắc chính như sau : (a) các hình ảnh giới đều được trình bày thông qua các nhân vật xuất hiện trong sách giáo khoa, và chính là thông qua các hình ảnh này mà sự bình đẳng giới cần được cổ xúy và đề cao ; (b) việc đưa một nhân vật nào đó vào trong một quyển sách giáo khoa sẽ góp phần vào việc phát triển các hình ảnh về giới [dẫn lại theo Brugeilles et al., 2009, tr. 29].


          Đề tài này đã thực hiện hai tuyến khảo sát : phân tích nội dung các quyển sách giáo khoa ; và khảo sát điền dã tại ba trường ở Quận 4 (TPHCM) và ba trường ở huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) (trong đó có dự giờ và khảo sát một số giáo viênhọc sinh). Bài này chủ yếu trình bầy một số kết quả chính của tuyến khảo sát về nội dung sách giáo khoa.


Phương pháp khảo sát

          Để khảo sát chiều kích giới, chúng tôi đã áp dụng phương pháp phân tích nội dung (content analysis) đối với các quyền sách giáo khoa của sáu môn học chính cả ba cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, và trung học phổ thông ; kể từ đây trở đi, chúng tôi sẽ gọi là cấp 1, cấp 2, và cấp 3 cho ngắn gọn). Cụ thể các quyển sách thuộc sáu môn học như sau :


          1. Tiếng Việt, ngữ văn : Tiếng Việt từ lớp 1 tới lớp 5, Ngữ văn từ lớp 6 tới lớp 12.

          2. Toán : Toán từ lớp 1 tới lớp 9, Hình học từ lớp 10 tới lớp 12, Đại số lớp 10, Đại số và giải tích lớp 11, Giải tích lớp 12.

          3. Đạo đức, giáo dục công dân : Đạo đức từ lớp 1 tới lớp 5, Giáo dục công dân từ lớp 6 tới lớp 12.

          4. Khoa học : Tự nhiên và xã hội từ lớp 1 tới lớp 3, Khoa học từ lớp 4 tới lớp 5.

          5. Lịch sử, địa lý : Lịch sử và địa lý từ lớp 4 tới lớp 5, Lịch sử từ lớp 6 tới lớp 12.

          6. Anh văn : từ lớp 6 tới lớp 12.


          Phương pháp phân tích nội dung được áp dụng chủ yếu theo hướng định lượng.[4] Thao tác kỹ thuật của việc phân tích nội dung thoạt tiên được tiến hành bằng cách liệt kê và mã hóa tất cả các nhân vật xuất hiện trong văn bản cũng như trong hình ảnh, phân theo giới và theo lứa tuổi, sau đó phân loại các nhân vật theo vai trò trong gia đình hoặc trong xã hội, nghề nghiệp, hoạt động và không gian hoạt động, rồi xử lý thống kê các dữ kiện ấy theo một số phân tổ cần thiết.


          Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã phân tích tổng cộng 76 quyển sách giáo khoa của sáu môn học từ lớp 1 tới lớp 12, với tổng cộng 11.194 trang (ghi chú : sách giáo khoa của một số môn có hai tập).


          Bình quân mỗi quyển có 147 trang, 34 bài học, và 96 hình ảnh. Cấp 1 có bình quân 176 hình/quyển, cấp 2 có 62 hình, và cấp 3 có 38 hình : điều dễ hiểu là cấp 1 có nhiều hình ảnh nhất vì đây là cấp học của lứa tuổi từ 6 tới 10 tuổi, và càng lên cấp cao hơn thì số hình ảnh càng giảm.


          Trong tổng số các hình ảnh, 59 % hình ảnh có con người, còn lại là hình phong cảnh, đồ vật hoặc thú vật. Trong đó, 74 % là hình vẽ, và 26 % là hình chụp.


Số lượng nhân vật

          Trong 76 quyển sách giáo khoa được phân tích, có tổng cộng 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản và 7.987 nhân vật trong các hình ảnh, tức mỗi quyểntrung bình 109 nhân vật trong văn bản và 105 nhân vật trong hình ảnh.


          Trong văn bản, càng lên cấp học cao hơn thì số lượng nhân vật càng tăng (cấp 1 có bình quân 76 nhân vật/quyển, cấp 2 có 106, và cấp 3 có 154). Còn trong hình ảnh thì ngược lại, càng lên lớp cao, số nhân vật càng ít đi (cấp 1 có bình quân 201 nhân vật/quyển, cấp 2 có 62, và cấp 3 có 39).


          Xét theo môn học trong cả ba cấp học, tùy theo từng môn mà có số nhân vật nhiều hay ít. Nhiều nhất là môn Anh văn (trong văn bản có bình quân 143 nhân vật/quyển, và trong hình ảnh có bình quân 245 nhân vật/quyển), kế đó là môn tiếng Việt và ngữ văn (hai con số tương ứng là 201 và 127), khoa học ở cấp tiểu học (3 và 271), lịch sử và địa lý (167 và 53), đạo đức và giáo dục công dân (50 và 71), và có số lượng nhân vật ít nhất là sách giáo khoa toán học (18 và 28).


Xu hướng thiên lệch về số lượng nam nhân vật

          Nhìn chung, các nhân vật nam giới xuất hiện nhiều hơn hẳn so với nữ giới, nhất là trong văn bản. Phần lớn các nhân vật trong văn bản đều là nam giới, chiếm 69%, nữ giới chỉ đạt 24%, còn lại 7% là trung tính (thí dụ những từ như đứa trẻ, học sinh, giáo viên, phụ huynh, nông dân, công nhân…) hoặc không rõ (thí dụ một số tên riêng có thể đặt cho cả nam lẫn nữ như Minh, Thanh…). Trong các hình ảnh, sự chênh lệch nam/nữ có phần nhẹ hơn : nam chiếm 58%, nữ 41%, và trung tính hoặc không rõ giới tính chỉ cớ 0,6% (xem Biểu đồ 1).


          Như vậy, sự vắng mặt của nữ giới trong văn bản xảy ra mạnh hơn so với trong hình ảnh. Nói cách khác, sự vắng mặt của nữ giới có thể nói đã bị che khuất, bị ẩn giấu, bởi lẽ trước con mắt độc giả, sự vắng mặt này trong văn bản chữ viết khó nhận thấy hơn so với hình ảnh vốn là nơi dễ đập vào mắt khi người ta mở trang sách ra – và điều này hẳn nhiên không dễ được phát giác nếu chúng ta không tiến hành phương pháp thống kê nhân vật một cách có hệ thống.


Biểu đồ 1. Giới tính của các nhân vật trong văn bản và hình ảnh, phân theo cấp học (đvt : %)


Ghi chú :  Các tỷ lệ của nam và nữ được tính trên tổng số nhân vật tương ứng trong hình ảnh và trong văn bản các quyển sách giáo khoa của từng cấp học. Các con số tỷ lệ của những nhân vật trung tính hoặc không rõ giới tính không được đưa vào trong biểu đồ này.

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


          Mức độ chênh lệch số lượng về giới tính có xu hướng gia tăng theo cấp học, và nặng nhất nơi cấp 3. Trong văn bản, số nhân vật nam xuất hiện từ tỷ lệ 51% nơi cấp 1, 67% nơi cấp 2, và lên tới 81% nơi cấp 3. Còn trong hình ảnh, số nhân vật nam từ tỷ lệ 56% nơi cấp 1, 57% nơi cấp 2, và lên tới 71% nơi cấp 3.


          Như vậy, trong văn bản, tỷ suất chênh lệch nam/nữ (= tỷ lệ nam – tỷ lệ nữ) từ con số 20 điểm phần trăm nơi cấp 1 (nam đông hơn nữ gấp 1,6 lần), 39 điểm phần trăm nơi cấp 2 (gấp 2,4 lần) lên tới 66 điểm phần trăm nơi cấp 3 (gấp 5,3 lần). Còn trong hình ảnh, tỷ suất chênh lệch nam/nữ từ mức tương đối nhẹ là 13 điểm phần trăm nơi cấp 1 (nam đông hơn nữ gấp 1,3 lần), 15 điểm phần trăm nơi cấp 2 (gấp 1,3 lần), tăng lên tới 43 điểm phần trăm nơi cấp 3 (gấp 2,5 lần).


          Tuy nhiên, xu hướng gia tăng độ chênh lệch về số lượng nam/nữ không diễn ra một cách đều đặn theo đường tuyến tính từ lớp nhỏ tới lớp lớn, mà có lúc tăng lúc giảm ở một số lớp. Chẳng hạn, trong văn bản, tỷ suất chênh lệch nam/nữ từ con số âm trong các quyển sách giáo khoa lớp 1 và lớp 2 (hai con số tương ứng là -15 điểm phần trăm và -3 điểm phần trăm) rồi lên tới 54 điểm phần trăm nơi lớp 5, nhưng sau đó giảm dần còn 36 điểm phần trăm nơi lớp 9, rồi lại tăng lên khoảng 60-70 điểm phần trăm nơi các lớp 10-12. Điều này có nghĩa là cách chọn lựa và trình bầy các nhân vật trong sách giáo khoa phụ thuộc phần lớn vào quan điểm của từng nhóm tác giả khác nhau của các quyển sách.


          Cơ cấu giới tính của các nhân vật trong các quyển sách giáo khoa cũng hết sức khác biệt giữa các môn học. Tỷ suất chênh lệch nam/nữ xuất hiện nặng nề nhất nơi sách giáo khoa lịch sử và địa lý, trong đó chủ yếu là sách lịch sử, với mức chênh lệch là 93 điểm phần trăm trong văn bản và 58 điểm phần trăm trong hình ảnh. Kế đó là môn tiếng Việt và ngữ văn với mức chênh lệch 45 điểm phần trăm trong văn bản và 21 điểm phần trăm trong hình ảnh. Tỷ suất chênh lệch xảy ra tương đối thấp hơn nơi môn toán và môn đạo đức, giáo dục công dân. Mức chênh lệch thấp nhất là nơi môn khoa học và môn Anh văn, với các con số tương ứng trong nội dung văn bản là -14 điểm phần trăm và -9 điểm phần trăm (xem Biểu đồ 2).


Biểu đồ 2. Giới tính của các nhân vật trong văn bản và hình ảnh, phân theo môn học (đvt : %)


Ghi chú :  Các tỷ lệ của nam và nữ được tính trên tổng số nhân vật tương ứng trong hình ảnh và trong văn bản các quyển sách giáo khoa của từng môn. Các con số tỷ lệ của những nhân vật trung tính hoặc không rõ giới tính không được đưa vào trong biểu đồ này.

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


Giới tính của các nhân vật phân theo lứa tuổi

          Việc phân tích các nhân vật theo lứa tuổi cũng bộc lộ những xu hướng có ý nghĩa. Ở đây, chúng tôi chỉ phân biệt hai nhóm tuổi của từng giới như sau : bé gái (dưới 18 tuổi), phụ nữ (từ 18 tuổi trở lên), bé trai (dưới 18 tuổi), đàn ông (từ 18 tuổi trở lên).


          Kết quả phân tích cho thấy rằng cả trong văn bản lẫn trong hình ảnh, càng lên lớp trên, số nhân vật bé gái và bé trai đều giảm đi rõ rệt. Nói cách khác, càng lên bậc học cao hơn, các cô cậu học sinh càng được giới thiệu những bức tranh tiến gần hơn đến thế giới người lớn. Tuy nhiên, những bức tranh của thế giới người lớn này lại tỏ ra mất cân đối về cơ cấu giới tính : tỷ lệ phụ nữ chỉ tăng một cách yếu ớt trong các hình ảnh (từ 16% ở sách giáo khoa cấp 1 lên 19% nơi cấp 3), và thậm chí còn giảm trong văn bản (từ 21% nơi cấp 1 giảm còn 13% nơi cấp 3). Trong khi đó, tỷ lệ đàn ông tăng lên đều đặn và mạnh mẽ cả trong hình ảnh (từ 22% nơi cấp 1 lên tới 60% nơi cấp 3) lẫn trong văn bản (từ 40% nơi cấp 1 lên tới 79% nơi cấp 3).


          Biểu đồ 3 phân tổ chi tiết theo từng lớp cho thấy tỷ lệ của cả phụ nữ lẫn bé gái đều giảm đi tương đối đều đặn từ lớp 1 tới lớp 12. Ngược lại, riêng tỷ lệ đàn ông (từ 18 tuổi trở lên) thì liên tục tăng để cuối cùng chiếm tỷ lệ áp đảo nơi sách giáo khoa của ba lớp ở cấp 3.


Biểu đồ 3. Giới tính của các nhân vật trong văn bản, phân theo lứa tuổi và theo cấp học (đvt : %)

                   Tiểu học                                                   Trung học cơ sở                      Trung học phổ thông

Ghi chú : Các tỷ lệ của phụ nữ, bé gái, đàn ông và bé trai được tính trên tổng số nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản các quyển sách giáo khoa của từng lớp. Các con số tỷ lệ của những nhân vật trung tính hoặc không rõ giới tính không được đưa vào trong biểu đồ này.

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


          Việc phân tích các nhân vật trong sách giáo khoa phân tổ theo môn học cho thấy sách giáo khoa của phần lớn các môn cũng đều trình bầy một thế giới chủ yếu của đàn ông, ngoại trừ môn khoa học và môn Anh văn : trong môn tiếng Việt và ngữ văn, đàn ông chiếm 62% (so với phụ nữ 19%), còn trong môn lịch sử và địa lý thì đàn ông chiếm tuyệt đại đa số, 95% (phụ nữ chỉ có 4%) (xem Biểu đồ 4).


Biểu đồ 4. Giới tính của các nhân vật trong văn bản, phân theo lứa tuổi và theo môn học (đvt : %)


Ghi chú : Các tỷ lệ của phụ nữ, bé gái, đàn ông và bé trai được tính trên tổng số nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản các quyển sách giáo khoa của từng môn học. Các con số tỷ lệ của những nhân vật trung tính hoặc không rõ giới tính không được đưa vào trong biểu đồ này.

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


Nhân vật lịch sử và nhân vật đương đại

          Trong tổng số 8.276 nhân vật trong văn bản của 76 quyển sách giáo khoa được phân tích, có 3.252 nhân vật lịch sử (chiếm 39%) và 583 nhân vật đương đại (7%), trong đó đa số đều là những nhân vật nổi tiếng, và bên cạnh phần lớn là những nhân vật chính diện (anh hùng, danh nhân…) thì cũng có một số nhân vật phản diện (chẳng hạn kẻ xâm lược, kẻ tội phạm…).


          Người Việt Nam chiếm 64% nhân vật lịch sử và 83% nhân vật đương đại, còn người ngoại quốc thì ít hơn, chiếm 36% nhân vật lịch sử và 17% nhân vật đương đại.


          Tỷ lệ nhân vật lịch sử trong sách giáo khoa gia tăng theo cấp học : 21% trong tổng số nhân vật nơi cấp 1, 35% nơi cấp 2, và 55% nơi cấp 3. Con số nhân vật đương đại tuy ít hơn nhưng cũng xuất hiện theo chiều hướng tương tự : 3% trong tổng số nhân vật nơi cấp 1, 5% nơi cấp 2, và 12% nơi cấp 3.


          Nhân vật lịch sử chiếm tỷ lệ tới 96% (cao nhất) trong sách giáo khoa lịch sử và địa lý (ở đây bao gồm chủ yếu là sách lịch sử), 32% nơi môn tiếng Việt và ngữ văn, 32% nơi sách toán, 19% nơi môn đạo đức và giáo dục công dân, và chỉ có 2% nơi môn Anh văn.


          Phân tổ theo lĩnh vực hoạt động, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa nhân vật lịch sử và nhân vật đương đại. Trong số các nhân vật lịch sử, có 41% hoạt động trong lĩnh vực chính trị, 29% trong lĩnh vực văn hóagiáo dục, 20% trong lĩnh vực quân sự, 7% trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, và chỉ có 0,6% trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng trong số các nhân vật đương đại, chiếm đông nhất là những nhân vật văn hóa và giáo dục, 73%, còn ở các lĩnh vực khác thì đều khá ít ỏi : chính trị 5%, quân sự 0,9%, khoa học kỹ thuật 3%, kinh tế 2%. Trong thời đại thường được chú trọng là “hội nhập” như hiện nay mà con số nhân vật nổi tiếng trong các ngành khoa học kỹ thuật cũng như kinh tế xuất hiện còn quá ít ỏi trong sách giáo khoa có lẽ cũng là một điều đáng suy nghĩ và cần xem lại.


          Đáng chú ý là nam giới chiếm tới 95% các nhân vật lịch sử và 88% các nhân vật đương đại, còn nữ giới chỉ chiếm 5% các nhân vật lịch sử và 11% các nhân vật đương đại. Điều này nghĩa là giới “nam nhi” coi như thống lĩnh tuyệt đại đa số trong số các nhân vật nổi tiếng đáng chú ý trong sách giáo khoa hiện nay.


Hình ảnh đám đông : cũng thiên vị giới

          Nếu phân tích riêng hiện tượng đám đông xuất hiện trong các hình ảnh trong sách giáo khoa, chúng ta cũng thấy khá rõ xu hướng thiên lệch về phía nam giới.


          Trong tổng số 7.286 hình ảnh của 76 quyển sách giáo khoa, có 837 hình ảnh có đám đông (tức khoảng 7-10 người trở lên, vẽ nhỏ hơn, thường bên cạnh hoặc đằng sau một vài nhân vật chính trong hình ảnh). Trong số đám đông này, 23% bao gồm phần lớn là nam giới, chỉ có 6% bao gồm phần lớn là nữ giới, và 66% có tỷ lệ nam và nữ tương đối cân bằng (và 5% không rõ). Hình ảnh đám đông tương đối cân bằng giới chiếm tỷ lệ nhiều nhất (trong số các hình ảnh có đám đông) nơi sách giáo khoa cấp 1 (75%), và đồng thời ngược lại, nơi sách giáo khoa cấp 2 và cấp 3 thì có tỷ lệ đám đông thiên về nam giới nhiều hơn (39% và 30%).


          Phân loại sách giáo khoa theo môn học, chúng ta có thể thấy các môn khoa học, toán, đạo đức và giáo dục công dân có hầu hết hình ảnh đám đông theo hướng cân bằng giới, còn môn tiếng Việt, ngữ văn và nhất là môn sử thì trình bầy hình ảnh đám đông thiên lệch về nam giới nhiều hơn.


Vai trò trong gia đình

          Khảo sát các vai trò mà các nhân vật đảm nhiệm trong định chế gia đình cũng là một hướng phân tích mang nhiều hứa hẹn trong việc nhận diện chiều kích giới trong sách giáo khoa.


          Trong nội dung văn bản, chúng tôi đã tìm thấy 434 nhân vật xuất hiện trong vai trò người cha hoặc người mẹ, trong đó cha chiếm 34% (149 nhân vật) và mẹ 66% (285 nhân vật). Còn trong hình ảnh, có 337 nhân vật là cha hoặc mẹ, trong đó cha chiếm 31% (103 nhân vật) và mẹ 69% (234 nhân vật).


          Như vậy, vai trò người mẹ xuất hiện với tần suất tương đối nhiều hơn so với vai trò người cha, cả trong văn bản lẫn trong hình ảnh. Ở cả ba cấp học. vai trò người mẹ đều đông hơn so với vai trò người cha, nhưng tỷ lệ này đặc biệt chiếm vị trí áp đảo trong sách giáo khoa cấp 1 và cấp 2, tức dành cho học sinh lứa tuổi 6-14 (xem Biểu đồ 5).


Biểu đồ 5. Vai trò làm mẹ và làm cha của các nhân vật trong văn bản và hình ảnh của sách giáo khoa phân theo cấp học (đvt : %)


Ghi chú : Các tỷ lệ của người mẹ và người cha được tính trên tổng số nhân vật xuất hiện với tư cách là cha hoặc mẹ trong văn bản và trong hình ảnh của từng cấp học.

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


          Hai vai trò vợ và chồng xuất hiện ít hơn nhiều so với hai vai trò cha và mẹ. Trong nội dung, có 86 nhân vật xuất hiện trong vai trò vợ hoặc chồng, trong đó vợ chiếm 66% (57 nhân vật) và chồng 34% (29 nhân vật). Còn trong hình ảnh, có 33 nhân vật là vợ hoặc chồng, trong đó vợ chiếm 67% (22 nhân vật) và chồng 33% (11 nhân vật).


          Ngoài ra, trong hình ảnh, có 56 nhân vật xuất hiện trong vai trò ông bà nội/ngoại, trong đó ông nội/ngoại chiếm 20% (11 nhân vật) và bà nội/ngoại lên tới 80% (45 nhân vật).


          Biểu đồ 6 và Biểu đồ 7 cho thấy càng lên cấp học cao hơn, tỷ lệ người phụ nữ trong tư cách làm vợ và làm bà nội hay bà ngoại càng cao so với tỷ lệ người chồng và tỷ lệ ông nội hay ông ngoại.


          Những con số vừa nêu đã bộc lộ một tình hình trái ngược với xu hướng mà chúng tôi đã nhận diện ở những mục trên. Nếu nam giới hầu như luôn luôn xuất hiện với số lượng vượt xa so với nữ giới trong sách giáo khoa phần lớn các môn, trong văn bản cũng như trong hình ảnh, thì ở đây, ngược lại, xét về mặt vai trò trong không gian gia đình, nữ giới lại chiếm tỷ lệ đông hơn so với nam giới, kể cả trên phương diện cha mẹ, vợ chồng, hay ông bà nội, ông bà ngoại. Nói cách khác, thế giới của người phụ nữ được trình bầy trong sách giáo khoa chủ yếu là thế giới gia đình.


Biểu đồ 6. Vai trò làm vợ và làm chồng của các nhân vật trong văn bản và hình ảnh của sách giáo khoa phân theo cấp học (đvt : %)


Ghi chú : Các tỷ lệ của người vợ và người chồng được tính trên tổng số nhân vật xuất hiện với tư cách là vợ hoặc chồng trong văn bản và trong hình ảnh của từng cấp học.

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


Biểu đồ 7. Vai trò ông bà nội/ngoại của các nhân vật trong hình ảnh của sách giáo khoa phân theo cấp học (đvt : %)


Ghi chú : Các tỷ lệ của ông nội/ngoại và bà nội/ngoại được tính trên tổng số nhân vật xuất hiện với tư cách là ông bà nội/ngoại trong hình ảnh của từng cấp học.

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


Cơ cấu giới trong các nhân vật đời thường

          Ngoài những nhân vật “nổi tiếng” trong lịch sử hoặc đương đại, chúng ta cũng cần quan tâm tới những nhân vật đời thường, để xem loại nhân vật này được mô tả và trình bầy như thế nào trong sách giáo khoa xét về mặt giới. Đây là những nhân vật bình thường trong cuộc sống hàng ngày được đưa ra để minh họa hoặc làm thí dụ trong các bài học hay bài tập, thường chỉ có tên gọi chứ không có tên họ (như thầy Hùng, cô Lan, bác Tám, em Nga…) hay thậm chí không có tên (như cô giáo, ông nông dân, bác tiều phu, cô y tá, em bé…). Để phân tích loại nhân vật này, chúng tôi đã chọn riêng sách giáo khoa của ba môn là toán, đạo đức và giáo dục công dân, và Anh văn, bởi lẽ ba môn này không có nhiều nhân vật lịch sử và nhân vật đương đại.


          Trong tổng số 38 quyển sách giáo khoa của ba môn này thuộc cả ba cấp học, kết quả mã hóa trong nội dung văn bản (tức không kể các hình ảnh) cho biết số nhân vật đời thường chiếm 81% (1.570 trong tổng số 1.944 nhân vật xuất hiện trong các quyển sách này). Tỷ lệ này là 66% nơi môn toán, 71% nơi môn đạo đức và giáo dục công dân, và 91% nơi môn Anh văn.


          Phần lớn các nhân vật đời thường đều còn trẻ : 63% thuộc lứa dưới 18 tuổi, 34% là giới thành niên từ 18 tuổi trở lên (và 3% không rõ tuổi tác).


          Điểm nổi bật cần ghi nhận nơi các nhân vật đời thường ở đây là tỷ lệ nữ giới cao hơn so với nam giới : nữ 49%, nam 44%, và 7% trung tính hoặc không rõ. Nữ đông hơn nam (tỷ suất chênh lệch nam/nữ mang con số âm) nơi cấp 1 và cấp 2, cũng như nơi môn toán và môn Anh văn (xem hai bảng 1 và 2).


Bảng 1. Giới tính của các nhân vật đời thường trong văn bản sách giáo khoa của ba môn học (toán, đạo đức, giáo dục công dân, và Anh văn), phân theo cấp học

 

Nam

Nữ

Không

Tổng cộng

Chênh lệch tỷ lệ nam/nữ*

(điểm phần trăm)

Tiểu học

38,6%

50,4%

11,0%

100,0%

-11,8

Trung học cơ sở

43,9%

51,0%

5,1%

100,0%

-7,1

Trung học phổ thông

47,6%

39,6%

12,8%

100,0%

8,0

Tổng cộng

43,8%

48,9%

7,3%

100,0%

-5,1

 

(N=687)

(N=768)

(N=115)

(N=1.570)

 

Hệ số V của Cramer = 0,100 (ngưỡng ý nghĩa thống kê : 0,000)

Ghi chú : * Mức độ chênh lệch tỷ lệ nam/nữ = tỷ lệ nam – tỷ lệ nữ

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


Bảng 2. Giới tính của các nhân vật đời thường trong văn bản sách giáo khoa, phân theo môn học

 

Nam

Nữ

Không

Tổng cộng

Chênh lệch tỷ lệ nam/nữ*

(điểm phần trăm)

Toán

38,9%

49,1%

11,9%

100,0%

-10,2

Đạo đức

51,2%

33,9%

15,0%

100,0%

17,3

Anh văn

41,5%

55,9%

2,6%

100,0%

-14,4

Tổng cộng

43,8%

48,9%

7,3%

100,0%

-5,1

 

(N=687)

(N=768)

(N=115)

(N=1.570)

 

Hệ số V của Cramer = 0,183 (ngưỡng ý nghĩa thống kê : 0,000)

Ghi chú : * Mức độ chênh lệch tỷ lệ nam/nữ = tỷ lệ nam – tỷ lệ nữ

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


          Nếu chỉ tính lứa tuổi đã thành niên và không kể học sinh và sinh viên, thì kết quả thống kê cho biết 80% nam giới có một nghề nghiệp nào đó, trong khi tỷ lệ này nơi nữ giới chỉ đạt 66%. Kết quả phân tổ theo nghề nghiệp cho biết như sau. Nữ có nghề lao động trí óc cao hơn nam (36% so với 22%), nhưng trong đó 81% là cô giáo. Nữ giới có hai nghề chiếm tỷ lệ cao nhất là giáo viên (29%) và nhân viên văn phòng hoặc công ty (14%), trong khi đó, nam giới có nhiều nghề đa dạng hơn, đó là chưa kể nữ có tới 25% là nội trợ (tỷ lệ này nơi nam là 0%).


          Việc phân tích về không gian hoạt động của những nhân vật đời thường (tuổi thành niên) cho biết phụ nữ xuất hiện nhiều hơn trong không gian gia đình (23% nơi nữ giới so với 16% nơi nam giới), và ngược lại, nam giới có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trong không gian công cộng và không gian lao động, sản xuất (xem Bảng 3).


Bảng 3. Không gian hoạt động của các nhân vật đời thường thuộc lứa tuổi thành niên trong văn bản sách giáo khoa của ba môn học (toán, đạo đức, giáo dục công dân, và Anh văn), phân theo giới tính

 

Nam

Nữ

Không

Tổng cộng

Trong nhà

15,9%

22,4%

-

16,9%

Trong trường

17,4%

30,6%

33,3%

23,8%

Nơi công cộng

20,3%

12,2%

33,3%

18,5%

Nơi lao động, sản xuất

26,1%

16,3%

16,7%

21,5%

Nơi khác

4,3%

-

-

2,3%

Không

15,9%

18,4%

16,7%

16,9%

Tổng cộng

100,0%

100,0%

100,0%

100,0%

 

(N=69)

(N=49)

(N=12)

(N=130)

Hệ số V của Cramer = 0,218 (ngưỡng ý nghĩa thống kê : 0,265)

Ghi chú : Hệ số V của Cramer ở đây không đạt ngưỡng có ý nghĩa thống kê, theo chúng tôi, một phần do số mẫu ít, và phần khác do nữ giới có tỷ lệ m giáo viên đông, nên tỷ lệ hoạt động “trong trườngcủa nữ giới cũng khá cao.

Nguồn : Kết quả khảo sát của Hợp phần 2, Dự án nghiên cứu “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, năm 2010.


Nhận định kết luận

          Kết quả phân tích nội dung sách giáo khoa của nền giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay đã cung cấp những dữ kiện và bằng chứng cho thấy có những xu hướng thiên lệch giới khá rõ rệt. Mặc dù chúng ta chưa thể kết luận ngay về những định kiến giới – để làm được điều này hẳn nhiên còn cần khảo sát và phân tích sâu hơn –, nhưng dù sao chúng ta vẫn có thể đi đến một nhận định mang tính giả thuyết rằng sự thiên vị giới đã thực sự tồn tại trong việc trình bầy các nhân vật trong sách giáo khoa, và điều này có thể phản ánh một số hình thức định kiến nhất định trong cách thức mô tả các nhân vật nam và nữ.


          Trong số các nhân vật xuất hiện trong 76 quyển sách giáo khoa của sáu môn học từ tiểu học tới trung học phổ thông, nam giới chiếm đa số : 69 % trong văn bản, và 58 % trong các hình ảnh. Nam giới chỉ đông hơn nữ giới khoảng gấp rưỡi trong các hình ảnh, nhưng lại đông gấp ba lần trong nội dung văn bản – nói cách khác, tình hình chênh lệch này khó mà nhận thấy được nếu chúng ta không tiến hành phân tích nội dung một cách có hệ thống.


          Mức độ chênh lệch nam/nữ trong sách giáo khoa gia tăng theo cấp học : càng lên lớp cao, tức là càng tiến gần đến tuổi bước vào đời, học sinh càng được tiếp nhận một hình ảnh mất quân bình trong cơ cấu giới tính, trong khi thực tại xã hội lại hoàn toàn khác, khi mà nữ giới ngày nay tham gia đông đảo vào hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực trong xã hội. Các nhân vật lịch sử và nhân vật đương đại cũng bao gồm tuyệt đại đa số là đàn ông. Hình ảnh mất quân bình về giới xảy ra mạnh nhất nơi sách giáo khoa môn sử và môn tiếng Việt, ngữ văn ; và hình ảnh tương đối cân bằng nhất về giới là nơi môn khoa học và môn Anh văn.


          Thế giới của phụ nữ trong sách giáo khoa có xu hướng bị khuôn hẹp vào không gian gia đình : nếu phụ nữ vắng bóng hơn so với nam giới ở phần lớn các cuốn sách giáo khoa của các cấp học lẫn các môn học, thì ngược lại, phụ nữ lại xuất hiện nhiều hơn trong vai trò làm mẹ (đông hơn so với vai trò người cha), vai trò làm vợ (đông hơn so với vai trò người chồng ), hay vai trò bà nội hay bà ngoại (đông hơn so với vai trò ông nội hay ông ngoại).


          Sách giáo khoa cấp tiểu học nhìn chung đưa ra một hình ảnh khá cân bằng về cơ cấu giới, nhất là đối với các nhân vật trong lứa tuổi thiếu nhi. Tuy nhiên, càng lên cấp học cao hơn, tỷ lệ thiếu nhi càng giảm và tỷ lệ người lớn càng tăng – nhưng không phải mọi người lớn đều tăng, mà chỉ có nam giới mới tăng mà thôi. Nói cách khác, có thể nói rằng thế giới người lớn trình bày cho học sinh qua sách giáo khoa chủ yếu là một thế giới của đàn ông.


          Kết quả xử lý thống kê cho thấy có nhiều khả năng là hiện tượng mất quân bình trong cơ cấu giới xuất hiện trong sách giáo khoa xuất phát từ các chủ biên và các nhóm tác giả : những quyển nào có nhóm chủ biên và tác giả phần lớn là nữ giới thì thường đưa ra bức tranh quân bình hơn về cơ cấu giới.


          Tình hình này bộc lộ một nhu cầu xem xét lại một cách có hệ thống nội dung các quyển sách giáo khoa xét trên bình diện quan điểm giới. Chúng tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lưu tâm hơn đến vấn đề này nhằm làm sao cho các nhân vật thuộc nữ giới xuất hiện nhiều hơn trên các trang sách giáo khoa, và làm sao cho việc trình bầy và mô tả nữ giới được công bằng hơn và phù hợp hơn với thực tiễn đang diễn ra trong xã hội Việt Nam ngày nay.


          Chúng tôi kiến nghị rằng nội dung sách giáo khoa nên được giám sát bởi một ủy ban bao gồm các nhà giáo có kinh nghiệm, các nhà khoa học xã hội, đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, cũng như các chuyên gia và các nhà hoạt động trong lĩnh vực đấu tranh cho mục tiêu nam nữ bình quyền, trước khi được ấn hành nhằm làm sao bảo đảm đưa ra được bức tranh công bằng và lành mạnh về các mối quan hệ giới trong xã hội. Ngoài ra, thiết tưởng những cuộc hội thảo hoặc tọa đàm về chủ đề quan hệ giới và bình đẳng giới có lẽ cũng nên được tổ chức cho giới giáo chức nhằm gây sự chú ý và sự ý thức về vấn đề này trong thực tiễn giảng dạy và tương giao với học sinh trong nhà trường.

TPHCM, ngày 29-5-2011

T.H.Q.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Blumberg Rae Lesser. 2008. Gender bias in textbooks: A hidden obstacle on the road to gender equality in education, Paper commissioned for the EFA Global Monitoring Report 2008, Education for All by 2015: Will we make it?, Paris, Unesco, 2007.
  2. Brugeilles Carole, Cromer Sylvie. 2009. Promoting Gender Equality through Textbooks. A Methodological Guide, Paris, Unesco.
  3. Brugeilles Carole, Cromer Sylvie. 2009. "Sách giáo khoa toán không trung tính và hệ thống giới trong bộ sách dành cho giáo dục tiểu học ở các quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp" (Nguyễn Thị Thiềng và Lưu Bích Ngọc dịch), Tạp chí Khoa học xã hội, số 02 (126), tr. 63-80.
  4. Hoàng Bá Thịnh. 2008. Giáo trình xã hội học về giới, Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Hwa Soo Chung. 2000. Women’s Roles and Gender Issues in Primary School Textbooks: Korea and Mexico, Project on Latin America and the Pacific Rim, University of California.
  6. KATO Ikuko. 2002. "English-Language Textbooks and Gender Equality", Human Rights Education in Asian Schools, Vol. V (translated from Japanese by Rieko Hana and Kimiko Okada).
  7. Lê Thị Quý. 2009. Giáo trình xã hội học giới, Hà Nội, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  8. Nguyễn Quang Vinh. 2010. "Tổng quan các nghiên cứu về giới ở Việt Nam, có nhấn mạnh đến một số nét riêng vùng Nam bộ (giai đoạn 2000-2010)", Báo cáo tổng kết của đề tài hợp phần 1, trong khuôn khổ dự án nghiên cứu mang tên là “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh”, Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) và Quĩ Rosa Luxemburg Stiftung.
  9. PANDEY Kalplata. 2006. "Gender Issues and Indian Textbooks", in Éric Bruillard, Bente Aamotsbakken, Susanne V. Knudsen and Mike Horsley (Eds.), Caught in the Web or Lost in the Textbook?, Paris, Jouve, STEF, IARTEM, IUFM de Basse-Normandie, pp. 201-206.
 Phuong Anh Vu. 2008. Gender Stereotypes in Story Textbooks for Primary School Students in Vietnam (Master's thesis), Institute for Educational Research, Faculty of Education, University of Osl


[1] PGS-TS xã hội học, Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).

[2] Đây đề tài thuộc Hợp phần 2, trong khuôn khổ dự án nghiên cứu mang tên “Vấn đề giới ở Nam bộ trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh” do GSTS Bùi Thế Cường làm chủ nhiệm, thực hiện cũng trong năm 2010.

[3] International Network for Research into Gendered Representations in Textbooks.

[4] Phương pháp phân tích nội dung thường được coi như bao gồm hai hướng chính : hướng phân tích định lượng, và hướng phân tích tín hiệu học (semiological analysis).