Tìm cách đưa môn giới vào các chương trình giảng dạy đại học
Tham luận tại “Hội thảo quốc tế: Phụ nữ Việt
Tìm cách đưa môn giới vào các chương trình giảng dạy đại học
Đại học Hoa Sen – Trung tâm Nghiên cứu Giới
và Xã hội
Nếu những
nghiên cứu khoa học về phụ nữ ở Việt Nam đã được bắt đầu trong thập niên 80 với
sự thành lập của các trung tâm nghiên cứu khoa học về phụ nữ, thì phải đợi đến
năm 1992 một chương trình đào tạo về phụ nữ học ở bậc cử nhân mới được đưa vào
Đại học mở bán công TPHCM, đại học đầu tiên giảng dạy môn phụ nữ học. Có thể
nói sự ra đời của chương trình này là một cơ duyên may mắn đã tạo điều kiện hội
tụ những tiềm lực đang hiện hữu đó đây trong xã hội:
- Tinh thần dấn thân vì bình đẳng nam-nữ của
các giảng viên có ít nhiều am hiểu về phụ nữ học tuy không ai được đào tạo
chính quy từ ngành này. Thật ra đây cũng là tình hình chung của những thế hệ
đầu tiên nghiên cứu và giảng dạy phụ nữ học của tất cả các nước trên thế giới.
- Sự cổ vũ cho bình đẳng giới và mối quan tâm
của nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học trong vùng
Đông Nam Á và ở Bắc Mỹ hoặc châu Âu.
- Trong những năm đầu của đổi mới, các trường
đại học được khuyến khích mở những ngành
học mới. Với một mức độ tự chủ nhất định, hiệu trưởng trường Đại học mở bán
công đã quyết định xây dựng những ngành đào tạo mới, trong đó có ngành phụ nữ
học. Nếu không có quyết định này, chắc còn phải chờ một cơ duyên khác mới mong
thấy mặt môn phụ nữ học ở đại học. Đề cập đến điều này chúng tôi muốn nói đến tầm
quan trọng của quyết định của các cấp lãnh đạo trong định hướng phát triển của
các trường đại học. Đại học càng được tự chủ, càng nhiều sáng kiến được thực
hiện, diện mạo của đại học càng khởi sắc.
Từ đó đến nay,
phụ nữ học rồi sau này là khoa học về giới trong trường đại học đã trải qua bao
bước thăng trầm, nhưng điều quan trọng là quá trình thâm nhập của môn này vào
đại học là không thể đảo ngược. Từ chỗ chỉ có mặt ở một trường đại học, nay môn
giới đã được giảng dạy ở nhiều chương trình đại học.
I. Điểm qua tình hình giảng dạy giới ở bậc đại học
- Những nơi có giảng dạy giới ở bậc đại học
Xin nêu vắn tắt:
-
Chương trình khung của ngành xã hội học có môn xã hội
học về giới, do đó ngày nay tất cả các chương trình xã hội học tại các đại học
trên toàn quốc đều có dạy môn xã hội học về giới.
-
Có môn tâm lý học về giới trong một vài chương trình
tâm lý học.
-
Chương trình địa lý dân số và xã hội của khoa Địa lý –
đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (ĐHKHXHNV) có môn giới.
-
Môn giới được dạy ở Học viện chính trị Quốc gia.
-
Lồng ghép giới vào các môn của chương trình Luật học.
Dự án này đã được thực hiện ở Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TPHCM.
-
Môn giới, môi trường và phát triển có mặt trong chương
trình cao học địa lý- ĐHKHXH NV. TPHCM và bộ môn Sinh thái – Môi trường- Đại
học Khoa học tự nhiên TPHCM.
-
Từ 2010, môn giới và phát triển được giảng dạy tại đại
học Hoa Sen, trong chương trình Giáo dục Tổng quát.
- Thuận lợi hay
tác nhân thúc đẩy, tạo điều kiện:
-
Vai trò quyết định của các hội đồng ngành: trường hợp ngành
xã hội học. Sự thừa nhận chính thức môn Xã hội học về giới như là một môn bắt
buộc trong chương trình đào tạo của các cấp có thẩm quyền đã tạo điều kiện cho
sinh viên ngành xã hội học được tiếp cận với khoa học về giới.
-
Vai trò quyết định của lãnh đạo trường đại học trong
chiến lược phát triển của trường: trường hợp môn giới và phát triển trong
chương trình giáo dục tổng quát của Đại học Hoa Sen.
-
Sự hỗ trợ của các chương trình tài trợ: Tổ chức phát
triển SIDA của Thụy Điển hỗ trợ dự án lồng ghép giới vào chương trình Luật học ở
các đại học Luật.
-
Kiến thức và sự nhạy cảm giới của các giáo sư phụ trách
các chương trình cao học: trường họp chương trình cao học Địa lý và Sinh thái -
môi trường.
3. Những
khó khăn trở ngại:
- Sự
cô lập của giảng dạy giới trong trường đại học. Lấy ví dụ trường Đại học mở
bán công. Trường có cả một khoa khoa Phụ nữ học, và sau này thu hẹp lại thành chương
trình chuyên ngành giới trong khoa Xã hội học.
Lẽ ra khi
chuyển qua hệ thống tín chỉ, sự liên thông giữa các khoa sẽ được tăng cường. Tuy
nhiên, ngoại trừ một số môn trong chương trình giáo dục đại cương được các khoa
đảm trách để dạy chung cho sinh viên các khoa khác, những môn thuộc về lãnh vực
kiến thức tổng quát trong đó có môn giới không được nhà trường hoặc các khoa đề
nghị làm môn tự chọn cho sinh viên.
Do không đánh
giá đúng mức sự cần thiết và ích lợi của môn giới nên các khoa ngoài xã hội học
không quan tâm tìm hiểu xem sinh viên của mình có thể học môn này không. Như
vậy là năng lực sẵn có trong lực lượng giảng viên trong trường chưa được tận
dụng và phát huy.
Nhờ sự hỗ trợ
của Quỹ Ford, của British Council và vài tổ chức khác, số lượng sách tham khảo về giới bằng tiếng Anh khá phong phú và cập nhật. Tủ
sách này đang bị khiếm dụng.
Gần đây, Quỹ
Ford có tài trợ cho trường Đại học mở một dự án nâng cao nhận thức giới trong
giảng viên và nhân viên. Bộ môn Giới của khoa Xã hội học đã thực hiện các buổi
thảo luận với giảng viên và nhân viên.
Tuy nhiên kết quả có phần hạn chế, vì có ít lãnh đạo các khoa và giảng
viên tham dự, và sau lớp tập huấn, không có sáng kiến đưa môn giới vào giảng dạy
ở các khoa ngoài xã hội học.
Tình trạng cô
lập này không chỉ có ở VN mà cả ở những nước đã đạt mức độ bình đẳng giới cao
và đã đưa môn giới vào chương trình giảng dạy đại học từ nhiều năm nay. Theo
giáo sư Louise Langevin, Đại học Laval, Québec, Canada, nơi mà môn giới đã được
đưa vào giảng dạy ở đại học từ những năm 70 của thế kỷ 20: “Nếu việc giảng dạy các môn giới được thực
hiện như những môn học riêng, thì môn
học này có nguy cơ bị cô lập và bị
giảm giá trị”[1] ,trong
lúc những môn học khác được dạy riêng thì lại không bị cô lập mà được xem như
là một môn chuyên ngành.
- Lãnh đạo về chuyên môn của các trường
đại học, kể cả trong các ngành khoa học xã hội, nhân văn, kinh tế không mặn mà
với việc đưa môn giới vào chương trình giảng dạy. Những lý do có thể là:
+
Theo quan điểm của lãnh đạo và của
giảng viên các khoa, các ngành, thời gian đào tạo không đủ cho việc giảng dạy khối
lượng kiến thức chuyên ngành, nên không thể phung phí cho những môn học không
đem lại lợi ích thiết thực. Với cách thiết kế các môn học của chương trình giáo
dục đại cương có tính chất bắt buộc hiện nay, giảng viên chuyên ngành thường
than phiền là chương trình này chiếm thời lượng quá lớn, khiến cho việc đào tạo
chuyên ngành bị thiếu thời gian. Họ cũng không mấy quan tâm đến mối liên hệ
giữa giáo dục đại cương và chuyên ngành, do đó họ không tận dụng được khối lượng thời gian
dành cho phần này để thiết kế những môn học cần thiết cho kiến thức tổng quát
và kỹ năng của sinh viên. Có thể nói là có sự tách biệt giữa hai bộ phận đại
cương và chuyên ngành.
+
Nếu có chú ý đến chương trình giáo dục tổng quát thì cũng không dễ dàng
tìm được giảng viên đảm trách môn học. Môn giới cũng rơi vào tình trạng khan
hiếm giảng viên có năng lực và thời gian để giảng dạy ở bậc đại học. Ở đây có
một nghịch lý: số người được đào tạo ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ về giới trên cả
nước đã gia tăng đáng kể trong hai mươi năm qua, nhưng do môn giới chỉ được dạy
ở chương trình xã hội học nên những người này ít có điều kiện tham gia giảng
dạy. Mặt khác, môn giới lại được dạy rất nhiều ở dạng tập huấn cho các tổ chức,
đoàn thể, nên nguồn nhân lực này lại được thu hút về các tổ chức phi chính phủ.
Họ quá bận rộn nên không thể tham gia dạy môn giới ở đại học với tư cách là
giảng viên thỉnh giảng. Việc soạn bài giảng cho sinh viên đại học lại đòi hỏi
đầu tư công sức, vì không hoàn toàn giống các tài liệu tập huấn mà họ đã quen
giảng.
- Tính liên ngành của môn giới đôi khi cũng
trở thành một trở ngại. Đã có chủ trương lồng ghép giới vào các môn học có liên
quan đến giới như chương trình Luật học. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi các giảng
viên, một mặt phải nghiên cứu nội dung khoa học của môn giới, mặt khác phải vận
dụng vào nội dung của chuyên ngành.
II. Tìm những phương thức đưa
môn giới vào chương trình giảng dạy bậc đại học
Trước tiên,
giảng dạy giới có khác gì với những thông tin về nhiều khía cạnh của phụ nữ?
Chúng tôi đồng ý
với quan điểm của GS. Langevin cho rằng giảng dạy và nghiên cứu giới, phụ nữ,
nữ quyền có trọng tâm là những mối quan hệ xã hội giữa nam giới và nữ giới, là
để cho phụ nữ có tiếng nói và chú ý đến tình trạng lệ thuộc, thấp kém của phụ
nữ trong một xã hội do nam giới thống trị. Như vậy, giảng dạy về giới không có
nghĩa là chỉ đưa thêm thông tin về phụ nữ. Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy
về giới cần được xây dựng dựa trên khung lý thuyết về nữ quyền[2].
Thế thì, ngoài
vị trí đã đạt được của môn xã hội học về giới trong chương trình cử nhân xã hội
học, chúng ta có thể làm gì để đưa môn giới đến với đông đảo sinh viên đại học?
Xin trình bày
những thể nghiệm đang được thực hiện và những đề nghị về phương thức thực hiện
trong tương lai.
1. Giảng dạy giới trong chương trình giáo
dục tổng quát tại Đại học Hoa Sen
Sử dụng thời
lượng dành cho các môn đại cương trong chương trình khung theo qui định của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, trường đại học Hoa Sen đã xây dựng chương trình giáo dục
tổng quát (GDTQ) để giảng dạy cho sinh viên toàn trường. Bên cạnh các bộ môn đã
ổn định và có tính chất bắt buộc cho toàn thể sinh viên là Mác –Lênin, giáo dục
thể chất, giáo dục quốc phòng, bộ môn Kỹ năng và kiến thức tổng quát đã được
xây dựng để phát triển việc giảng dạy các môn khoa học xã hội, nhân văn nền
tảng của kiến thức tổng quát và phương pháp tư duy. Hiện nay, chương trình giáo
dục tổng quát đã triển khai giảng dạy cho sinh viên toàn trường các môn: phương
pháp nghiên cứu, phương pháp học đại học, truyền thông giao tiếp, tư duy phản
biện, giới và phát triển. Trong tương lai gần, chương trình sẽ tăng thêm một số
môn nữa như nhập môn triết học. tiếng Việt thực hành.
GDTQ được xem là một bộ phận cấu
thành nên một nền giáo dục khai phóng (Liberal Education). Giáo
dục khai phóng được hiểu là “một cách
tiếp cận về kiến thức giúp cho người sinh viên có khả năng và chuẩn bị cho họ
đối phó với sự phức hợp, đa dạng và thay đổi”[3]
Chương trình
giáo dục tổng quát hướng đến bốn mục tiêu chính nhằm xây dựng cho sinh viên: 1/ những hiểu biết rộng
về con người, xã hội và thế giới tự nhiên; 2/ năng lực và kỹ năng về mặt trí
tuệ và thực tiễn; 3/ nuôi dưỡng và phát triển những giá trị sống nền tảng; 4/ ý
thức và rèn luyện thể chất [4].
Là một thành
phần của tập hợp những môn học kiến thức tổng quát, môn giới và phát triển tìm thấy sự tương tác với các môn phương pháp
nghiên cứu, tư duy phản biện, góp phần
phát triển những giá trị sống nền tảng cho các thế hệ sinh viên.
Định vị môn giới và phát triển
trong hệ thống các môn của bộ môn Kỹ năng và kiến thức tổng quát[5]:
Nhóm A Phương pháp và Kỹ năng Kỹ năng giao tiếp Phương pháp học đại học Dẫn nhập phương pháp nghiên cứu Tiếng Việt thực hành |
Nhóm B Các giá trị trong xã hội Giới và phát triển Con người & Môi trường Đạo
đức nghề nghiệp |
Nhóm C Văn hóa và tư tưởng Nhập môn triết học Giao tiếp liên văn hóa Tư duy phản biện |
Sinh viên thuộc
tất cả các ngành của đại học Hoa Sen đều phải học một số tín chỉ của chương
trình GDTQ, sinh viên cần chọn một môn trong mỗi nhóm A, B, C. Với cách thiết
kế như vậy, môn giới và phát triển đã có điều kiện vươn tới sinh viên thuộc các
ngành văn hóa, kinh tế, kỹ thuật của trường chứ không chỉ giới hạn trong ngành
xã hội học. Nội dung môn học giới và phát triển tương tự như môn xã hội học về
giới. Sinh viên tiếp cận những khái niệm căn bản về phụ nữ học và về giới, nhận
thức sâu sắc về tình trạng bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, về tác động
tích cực của bình đẳng giới đối với sự phát triển bền vững của các xã hội. Môn
giới không chỉ cung cấp kiến thức mà còn nâng cao nhận thức của sinh viên về lý
tưởng công bằng, bình đẳng giữa người với người, góp phần xây dựng giá trị sống
cho từng cá nhân và cho xã hội.
Ngoài việc xây
dựng và phát triển những giá trị sống cốt lõi, chương trình GDTQ còn hướng đến
việc hòa nhập vào cộng đồng đại học quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh
viên theo học những môn học được các đại học trên thế giới công nhận. Môn giới
và phát triển sẽ có ưu thế này, vì hầu hết các đại học ở Bắc Mỹ và châu Âu đều
có môn giới trong chương trình kiến thức tổng quát (liberal arts) của sinh viên
hoặc như là một môn nhiệm ý, hoặc như là một môn bắt buộc tùy theo ngành học.
Kết hợp đào tạo và nghiên cứu là một
nguyên tắc cơ bản của các trường đại học. Nhằm hỗ trợ cho việc học môn giới của
sinh viên và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chia sẻ thông tin trong lãnh vực
giới trong và ngoài trường, Trung tâm nghiên cứu Giới và xã hội đã được thành
lập tại Đại học Hoa Sen. Hiên nay, Trung tâm đang triển khai ba hoạt động
chính:
-
Nghiên cứu, với các trọng tâm: giới và lịch sử, giới và
các vấn đề bạo lực, giới và giáo dục.
-
Ấn hành bản tin điện tử Giới và xã hội, mỗi quý một số.
-
Tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật về giới cho giảng
viên và sinh viên. Diễn giả thường là khách mời, đó là những chuyên gia về giới
hoặc là văn nghệ sĩ, doanh nhân…có những trải nghiệm có ý nghĩa liên quan đế
giới.
2.
Xây dựng một môn học về giới trong các chương trình chuyên ngành có
liên quan khá rõ rệt với các vấn đề phụ nữ và giới, ở bậc cử nhân hoặc ở bậc
cao học. Tính chất liên ngành của môn giới là một điều kiện thuận lợi cho việc
đưa môn giới vào nhiều ngành trong lãnh vực khoa học xã hội, nhân văn, kinh tế,
sức khỏe.
Những điều đã làm:
Trong các ngành
môi trường, địa lý nhân văn: một môn về phụ nữ, giới, môi trường và phát triển
bền vững có nhiều nội dung liên quan đến nội dung chuyên ngành. Những chuyên đề
như giới và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giới và an ninh lượng thực, giới và
biến đổi khí hậu, giới và dân số, di dân, sức khỏe … đã trở thành những nội
dung không thể thiếu khi nghiên cứu địa lý và môi trường. Chính vì vậy, môn
giới đã được đưa vào chương trình địa lý nhân văn bậc cử nhân và cao học tại
trường Khoa học xã hội nhân văn và trường Đại học Khoa học tự nhiên (cao học
sinh thái – môi trường) TP HCM.
Những điều có thể làm:
-
Phụ nữ, giới và
việc làm, giới trong quản trị nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa là một
môn học có nhiều nội dung để triển khai và rất cần thiết cho các ngành kinh tế,
quản trị. Môn học này sẽ giúp sinh viên là những nhà quản trị, kinh tế trong
tương lai hiểu rõ hơn những quan hệ xã hội giữa nam giới và nữ giới trong thế
giới việc làm. Phân tích thực trạng của doanh nghiệp qua lăng kính giới giúp
cho nhà quản trị phát hiện những điều đã làm tốt và những vấn đề cần cải tiến
để tiến đến bình đẳng giới.
-
Các khoa học lịch sử có một mảng cần khai phá đó là
lịch sử phụ nữ, lịch sử phát triển của những tư tưởng nữ quyền. Lịch sử phụ nữ
chưa được viết ra một cách có hệ thống và chưa được biết đến, điều này làm cho
người học sử không tiếp cận được với nguồn tự liệu lịch sử phong phú sẵn có
nhưng chưa được khai thác. Học lịch sử phụ nữ, người học sẽ có cơ hội mài dũa
thêm tinh thần tư duy độc lập, nhìn môt sự kiện lịch sử với nhiều chiều kích
phong phú hơn.
-
Các ngành nhân học, văn hóa học có thể xây dựng nhiều
chuyên đề/ môn học về giới để hiếu sâu hơn những vấn đề giới của các vùng,
miền, các quốc gia.
-
Phụ nữ trong văn học với tư cách là nhân vật và với tư
cách là nhà văn là chất liệu rất phong phú cho các chương trình văn học ở đại
học. Khai thác nguồn tài liệu văn học là một hướng nghiên cứu không những của
những người học văn chương mà còn là của các nhà sử học, xã hội học.
-
Những ngành đào tạo về sức khỏe có thể đưa cách tiếp
cận giới vào nội dung đào tạo, vì như mọi người đểu thừa nhận, lãnh vực sức
khỏe không chỉ đơn thuần là y tế mà cách tiếp cận xã hội học là cần thiết. Sức
khỏe công đồng, sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản không thể bỏ qua chiều
kích giới.
3. Trên đây là hướng xây dựng hẳn một hoặc
nhiều môn học về giới trong các ngành học. Còn có một hướng nữa, tuy các nhà
nghiên cứu về giới không thích lắm, nhưng chúng tôi thì vẫn tán đồng vì thà có
một phần còn hơn không có gì cả, đó là thêm một vài chương về giới hoặc về phụ
nữ trong một số môn khoa học chính trị, kinh tế, xã hội và nhân văn. Cũng có thể gọi đây là hướng lồng ghép giới,
như chương trình luật học đang thực hiện. Điều quan trọng là những chương nói
về giới ấy cần được xây dựng trên quan điểm hướng đến bình đẳng giới, chứ không
đơn thuần là cung cấp một số thông tin về nữ giới. Một điều nữa cần lưu ý là
việc thêm một chương về giới này chẳng qua là
một bước khởi đầu trong chiến lược chung là xây dựng hẳn những môn về
giới.
4.
Trong tương lai, một khối kiến thức phụ (minor) về giới trong chương
trình đào tạo của một số ngành là điều có thể thực hiện được tại các đại học đa
ngành. Một chế độ tín chỉ với những điều kiện tổ chức, cơ sở vật chất tốt sẽ hỗ
trợ có hiệu quả hướng này. Tất nhiên cần có quyết tâm của lãnh đạo các khoa,
ngành. Lấy một ví dụ: sinh viên có thể học ngành chính (major) là kinh tế, tài
chánh, quản trị du lịch hay quản trị môi trường và lấy một số tín chỉ về giới
để có khối kiến thức bổ trợ là ngành giới. Những tín chỉ về giới này đang được
dạy tại các khoa, ngành trong trường, sinh viên chỉ cần theo học dưới sự hướng
dẫn và thiết kế chương trình của khoa mà sinh viên đang theo học. Nếu thực hiện
được, khoa không cần tăng thêm giờ dạy, tăng thêm giảng viên mà sinh viên của
mình vẫn có thể tăng thêm khả năng lựa chọn.
Hiện
nay, theo chúng tôi được biết, chưa có trường nào tổ chức theo cách này. Chỉ có
khoa Xã hội học trường Đại học mở TPHCM, do lịch sử phát triển đặc biệt của
ngành giới tại đây, có phân chuyên ngành chính là giới trong chương trình cử
nhân xã hội học. Những sinh viên chọn chuyên ngành chính là xã hội học hay công
tác xã hội có thể học những môn nhiệm ý về giới. Tuy nhiên, việc phân ngành này
chỉ giới hạn trong sinh viên của khoa xã hội học, chưa có sự liên thông đến các
khoa khác.
5. Tăng cường việc làm luận văn tốt nghiệp cử
nhân và nhất là luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ về giới. Kinh nghiệm cho
thấy nếu trong chương trình đào tạo có môn giới, và nếu giảng viên qua cách
giảng dạy của mình đã ít nhiều cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức về giới
cho sinh viên thì luôn có sinh viên muốn đi theo con đường nghiên cứu về giới,
dù chỉ là một, hai sinh viên. Đó là kinh nghiệm của của các chương trình cao
học tại khoa Địa lý – ĐHKHXHNV và tại bộ môn Sinh thái – Môi trường thuộc Đại
học Khoa học tự nhiên.
IV. Những điều kiện cần thiết
hỗ trợ cho việc đưa môn giới vào chương trình giảng dạy ở bậc đại học
1. Nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo nhà
trường và sáng kiến của khoa và bộ môn là những yếu tố nhanh chóng thúc đẩy
việc đưa môn giới vào chương trình giảng dạy và nghiên cứu của trường đại học.
Chúng ta đều biết đây là những cấp có quyền quyết định trong nhà trường, như
vậy một khi lãnh đạo đã quyết định đưa môn giới vào chương trình thì khoa và bộ
môn sẽ được bật đèn xanh để làm việc này và sẽ được tạo điều kiện thuận lợi
trong quá trình thực hiện. Mặt khác, với điều kiện thuận lợi đó, những giảng
viên là trưởng bộ môn, trưởng khoa lại có thể phát huy sáng kiến để đưa môn
giới vào chương trình giảng dạy của bộ phận mà mình phụ trách.
2. Cần có giảng viên có hiểu biết sâu sắc về
môn giới và có kinh nghiệm giảng dạy môn này. Ở thời điểm này, số giảng viên có
trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về giới, hoặc có kinh nghiệm giảng một số chuyên đề
về giới đã tăng lên so với cách đây 20 năm. Vấn đề là vì ít có chương trình
giảng dạy về giới nên các giảng viên này không có dịp phát triển chuyên môn mà
mình đã học, nhưng đến khi cần giảng viên thì chưa chắc các vị này có thì giờ
vì họ đã bận rộn với công việc khác. Tuy khó khăn, nhưng một chương trình giảng
dạy về giới được thiết lập với những mục tiêu, kế hoạch thời gian cụ thể sẽ là
bệ phóng để qui tụ các giảng viên về giới.
3. Cần có các kết quả nghiên cứu về giới. Ở
đây, vai trò của các trung tâm, viện nghiên cứu rất quan trọng. Có thể bàn cách
làm thế nào để chia sẻ thông tin một cách có hiệu quả đến với những người quan
tâm.
Xây
dựng một mạng lưới những đơn vị và cá nhân có liên quan và có quan tâm đến
giảng dạy và nghiên cứu về giới ở phía Nam là một việc làm cần thiết và trong
tầm tay.
4. Để hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong
giảng dạy và học tập môn giới, cần nghĩ đến việc xây dựng một bộ sách “giáo
khoa” / tập bài giảng về các môn giới. Việc làm này không phải bắt đầu từ số
không vì đã có những tập bài giảng do các giảng viên biên soạn trước đây. Tiếp
tục và phát huy công việc ấy, chúng ta có thể biên soạn các tập bài giảng cho
các môn:
- Nhập môn về giới, hoặc giới và phát triển:
hiện đã có 4-5 tập bài giảng.
- Phụ nữ / giới và việc làm. Đã có tập bài
giảng của thạc sĩ Nguyễn thị Hải giảng cho sinh viện khoa Phụ nữ học – Đại học
mở bán công TPHCM.
- Giới trong quản trị nguồn nhân lực.
- Phụ nữ
việt Nam trong văn học. Đã có tập bài giảng của tiến sĩ Nguyễn thị Thanh Xuân
giảng cho sinh viện khoa Phụ nữ học – Đại
học mở bán công TPHCM.
- Giới, mội trường và phát triển bền vững.
- Giới và những khía cạnh xã hội của sức khỏe.
- Phụ nữ và pháp chế xã hội
- Lịch sử phụ nữ và tư tưởng nữ quyền ở Việt
Nam. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng đã có những công trình nghiên cứu và đã công bố
kết quả nghiên cứu trong lãnh vực này.
Việc
biên soạn những tập bài giảng này rất công phu
vì cần đáp ứng một yêu cầu quan trọng là nội dung phải được Việt Nam
hóa, với nhiều ví dụ, điển cứu của Việt Nam. Đây là một việc làm làm dài hơi,
nhưng nên bắt dầu và sớm cho kết quả, sau đó sẽ kiện toàn dần.
Tất
nhiên, bên cạnh tập bài giảng thì tài liệu tham khảo, các kết quả nghiên cứu về
giới là không thể thiếu. Chính mạng lưới giới sẽ giúp chia sẻ, trao đổi tài liệu từ các đơn vị thành viên.
Kết luận: Từng bước mở rộng việc đưa môn giới vào giảng
dạy ở bậc đại học là điều có thể làm được xét về điều kiện nhân lực giảng dạy
và nghiên cứu, về tài liệu học tập, tài liệu tham khảo cho sinh viên và giảng
viên. Yếu tố mang tính quyết định là quyết tâm thực hiện của lãnh đạo các cấp
của nhà trường. Không cầu toàn và không nôn nóng thực hiện trên diện rộng, có
thể xây dựng một lộ trình phát triển môn giới có tính thực tế và khả thi tùy
theo đặc điểm của từng trường đại học.
TP. HCM, 27/4/2011
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thái thị Ngọc DƯ, 2009, Evolution au Vietnam: Intégration de la
dimension genre dans les études juridiques au Vietnam, dans
« L'égalité des sexes dans le monde francophone », Presses
universitaires des sciences sociales de Toulouse, pp.13 – 27.
2. Thái thị Ngọc DƯ, 2005, Formation et recherche universitaires dans
le domaine du genre dans le Sud du Vietnam, Animation scientifique
régionale, AUF, Ho Chi Minh Ville.
3.
ĐẠI học Hoa Sen, trang web : http://www.hoasen.edu.vn
4.
Nguyễn Linh KHIẾU (chủ
biên), 2000, Đào tạo và nghiên cứu về
giới tại Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Louise
LANGEVIN, 2005, Réflexions sur les obstacles en
matière de recherche et d’enseignement universitaires sur le genre au Québec, Animation scientifique ré
gionale, AUF, Ho Chi Minh Ville.
6.
Victoria
ROBINSON, Diane RICHARSON, ed. 1997, Introducing
Women’s Studies, second edition, Published by Macmillan, London, 491 p.
[1] Louis
Langevin, 2005, Réflexions sur les
obstacles en matière de recherche et d’enseignement universitaires sur le genre
au Québec, Animation scientifique ré gionale, AUF, Ho Chi Minh Ville..
[2]
Louis Langevin, 2005, Réflexions
sur les obstacles en matière de recherche et d’enseignement universitaires sur
le genre au Québec, Animation scientifique ré gionale, AUF, Ho Chi Minh
Ville
[3] Xem trang web của đại học Hoa Sen: http://www.hoasen.edu.vn
[4] Xem trang web của đại học Hoa Sen: http://www.hoasen.edu.vn
[5] Chương
trình giáo dục tổng quát – Đại học Hoa Sen