Tính dục hóa (sexualization) có bao giờ là tích cực?

 Việc tính dục hoá (sexualization), đối với các nhà lý thuyết nữ quyền, thường được xem là một hiện tượng tiêu cực vì tính dục hoá thường được gắn liền và đánh đồng với vật hoá (objectification), tức việc đối xử với một người như đồ vật, tước đoạt sự toàn vẹn và chủ thể tính của họ, xem họ như công cụ được sử dụng bởi người khác (a means to an end). Quan điểm này xuất phát từ lý thuyết đạo đức của Kant rằng chúng ta không nên đối xử với người như đồ vật, mà nên đối xử với họ như cứu cánh tự thân (an end in themselves) [1]. Tuy nhiên, trong lý thuyết của Kant, ngay cả việc vật hoá cũng không hoàn toàn là sai trái hay có vấn đề về đạo đức. Ví dụ, khi chúng ta đi taxi, ta đã xem người tài xế như một công cụ để chuyên chở, tuy nhiên, nếu ta thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng của mình, chi trả cho anh ta đúng số tiền và hành xử một cách đúng mực, khi đó, việc vật hoá anh ta là không sai trái và có thể xem là đã đối xử với anh ta như cứu cánh tự thân. Vậy nên, việc tính dục hoá cũng có thể là đúng đắn, khi một số điều kiện nhất định thoả mãn. Bài viết này sẽ làm rõ những điều kiện đó.

img_0
Một lưu ý đó là bài viết sẽ chỉ giới hạn thảo luận trong khuôn khổ các văn bản thương mại – tức các sản phẩm được sản xuất để truyền đạt thông tin vì mục đích thương mại như quảng cáo, phim ảnh, tiểu thuyết, trò chơi điện tử… (ở đây, từ “văn bản” được sử dụng theo nghĩa rộng nhất, để chỉ tất cả các sản phẩm truyền thông được tạo ra bởi con người). Bài viết cũng không tuyên bố rằng những điều kiện này vét cạn được hoàn toàn những điều kiện cần và đủ để một biểu hiện tính dục hoá trong văn bản có thể xem là tích cực hoặc đúng đắn về mặt đạo đức.
Trước khi đi vào tìm hiểu các điều kiện cần có để một biểu hiện tính dục hoá được xem là phù hợp về mặt đạo đức, bài viết muốn thảo luận một số vấn đề có tính phương pháp luận ở đây. Một phản ứng thường được đưa ra đối với những phê phán về tình trạng tính dục hoá là có lý do “chính đáng” cho những thể hiện như thế. Ví dụ, một tập truyện tranh thể hiện hình tượng một nữ chiến binh mặc trên mình trang phục “hở hang”, để lộ những phần cơ thể trọng yếu khi đang chiến đấu có thể được biện minh bằng lý do rằng cô ta có một “phép thuật” nào đó để bảo vệ cơ thể, hoặc do cô ta sử dụng “chiến lược đánh lạc hướng” nên để lộ ra những phần cơ thể đó, hoặc cô ta phải “quang hợp” để lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Hay một tựa game online lựa chọn thể hiện một lớp nhân vật là “yêu tinh nghìn năm tuổi” với hình tượng trẻ em gái chưa trưởng thành được tính dục hoá một cách mạnh mẽ. Đây là các lý do mà những người ủng hộ thường sử dụng để biện hộ cho thể hiện của họ. Vậy những lý do này có chính đáng hay không?
Để phản hồi, chúng ta cần phân biệt rõ hai loại mối quan hệ có liên quan khi đánh giá một mẫu văn bản. Một là mối liên hệ nội văn bản, tức các mối liên hệ giữa các yếu tố trong văn bản như nhân vật, bối cảnh, cốt truyện,… những yếu tố mà chúng ta có thể nói là thuộc về “thế giới trong câu chuyện”. Thứ hai là những mối liên hệ ngoại văn bản, tức mối liên hệ giữa các yếu tố trong văn bản với các yếu tố ngoài văn bản hoặc các yếu tố thuộc về văn bản nhưng không được xem là “thuộc về thế giới trong văn bản”, hay giữa các yếu tố ngoài văn bản với nhau. Đó là mối quan hệ giữa các yếu tố của văn bản đối với khán giả, văn bản đối với người sáng tạo, giữa khán giả đối với tác giả, giữa những người sáng tạo với nhau, giữa khán giả với nhau.
Đặc điểm cơ bản của các mối liên hệ nội văn bản đó là nó phụ thuộc hoàn toàn vào những chủ thể sáng tạo nên nó – tác giả là một trong số đó và vì thế họ có thể cấu trúc nó theo bất kỳ cách nào mà họ muốn. Có thể có những yếu tố ngoại văn bản cung cấp lý do cho việc cấu trúc đó, nhưng tự thân các mối liên hệ nội văn bản không đặt một ràng buộc nào lên chủ thể sáng tạo nên chúng bởi vì chúng đơn giản là những vật thể được sáng tạo ra. Những mối liên hệ nội văn bản thậm chí còn không chịu ảnh hưởng bởi các mối liên hệ vật lý điều chỉnh thể giới của chúng ta. Bởi suy cho cùng, chúng là giả tưởng. Hay nói một cách chính xác là không có chân lý trong các mối liên hệ nội văn bản.
Các mối liên hệ ngoại văn bản, ngược lại, là sự tương tác giữa các yếu tố trong thế giới khách quan, giữa những con người thực tế và các yếu tố thực tế. Và chính vì lý do này mà các mối liên hệ này có thể có tính gây hại, làm lợi và có thể có tính đạo đức – tức có thể được nhìn nhận là đúng đắn hoặc sai trái về mặt đạo đức. Và giữa hai mối liên hệ này, một là tuỳ tiện và không có tính chân lý, một là những mối liên hệ thực tế và có thể có tính đạo đức thì rõ là mối liên hệ thứ nhất không thể được sử dụng để biện minh cho mối liên hệ thứ hai. Tất nhiên vẫn có thể phản đối rằng, ví dụ, tác giả không thể tùy tiện lựa chọn bất kỳ yếu tố nào cho tác phẩm của họ mà phải dựa vào những gì đã được thiết lập trước đó, hay nói cách khác là họ phải dựa vào chính điển – “canon”. Nhưng ngay cả canon cũng là một ý niệm nhân tạo thể hiện áp lực của khán giả đối với tác giả phải tiếp nối một cách có logic những gì mà họ đã viết. Trong bất kỳ trường hợp nào, tác giả cũng có thể hoàn toàn phá vỡ canon để viết lại những gì đã viết hoặc viết mới hoàn toàn.
Vì tương quan này giữa các mối liên hệ nội và ngoại văn bản, chúng ta không thể nói rằng, ví dụ, việc thể hiện “yêu quái nghìn năm tuổi” như những bé gái chưa lớn được tính dục hoá cao độ là chính đáng. Vì ngay cả khi nó được biện minh bằng mối liên hệ nội văn bản, mối liên hệ ngoại văn bản mà nó thể hiện vẫn cho thấy đó là một sản phẩm ấu dâm. Hay việc tính dục hoá phụ nữ một cách không phù hợp là không thể được biện minh bằng bất kỳ lý do gì để phủ nhận những hệ quả tiêu cực của việc tính dục hóa trong truyền thông đối với phụ nữ [2]. Tất cả những trường hợp này, hay như tất cả các trường hợp khác, khi một tái trình hiện được phê phán về đạo đức – tức phê phán mối liên hệ ngoại văn bản – ta không thể được biện minh bằng bất kỳ lý do nội văn bản nào.
Một phản đối thường được đưa ra đó là một nghệ sĩ có quyền thể hiện những gì họ muốn, vì mục đích của chính tác phẩm nghệ thuật hoặc vì họ có quyền như thế dựa trên quyền tự do ngôn luận của họ. Nếu chúng ta nhìn nhận một văn bản như kết quả của một chuỗi lựa chọn, việc sáng tạo của nghệ sĩ về cơ bản cũng là kết quả của một chuỗi lựa chọn/hành động và vì thế có thể được phê phán về mặt đạo đức. Việc một lớp hành động được bảo vệ bởi một quyền nào đó không đồng nghĩa với việc chúng được miễn trừ khỏi phê phán vì hành động đó có thể dẫn đến việc vi phạm những quyền và lợi ích có thể được lập luận là quan trọng hơn.
Giờ, khi đã nhận thức được hoạt động sáng tạo ra văn bản là một chuỗi các hành động/lựa chọn, ta có thể đặt câu hỏi, điều gì ảnh hưởng đến chuỗi hành động/lựa chọn đó. Tất nhiên, bất kì một văn bản nào được tạo ra cũng hướng đến phục vụ một lớp người đọc nhất định và cách mà một nhóm người đọc kỳ vọng hoặc đòi hỏi ở một văn bản được gọi là “cái nhìn” – “the gaze”. Cái nhìn là một mối liên hệ ngoại văn bản giữa người sáng tạo và đọc giả, theo đó những người đầu cố gắng đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu, tiêu chuẩn của một lớp đọc giả nhất định nào đó. Trong một nền văn hóa nam quyền như nền văn hoá của chúng ta, cái nhìn phổ biến nhất và có năng lực ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến các sản phẩm truyền thông đó là cái nhìn của nam giới – “the male gaze”.
Thể hiện của cái nhìn nam giới có thể được tìm thấy khắp nơi trong xã hội của chúng ta. Trong các phim về siêu anh hùng hoặc hành động, nhân vật nam thường mặc quần áo kín, phù hợp với hoạt động đang diễn ra trên phim (áo giáp, các trang phục bảo vệ khác) trong khi nhân vật nữ, với cùng hoạt động như thế, thường mặc y phục để hở những phần nội tạng trọng yếu (Hình 1 [3]). Hoặc trong cùng một thế giới nhưng nhân vật nam và nữ được thiết kế hoàn toàn khác nhau – với nhân vật nam có các bộ phận cơ thể được phóng đại như tay ngực, được cấu thành từ các khối thô, góc cạnh, trong khi các nhân vật nữ được thiết kế nhỏ hơn, với tỉ lệ tương đối giống người thật (Hình 2 [4] và Hình 3 [5]). Cách thiết kế đầu thể hiện ước muốn quyền lực (power fantasy) của nam giới còn cách thiết kế sau thể hiện ước muốn tính dục (sexual fantasy) của nam giới.
img_1
Hình 1